Thu hút vốn FDI 6 tháng đầu năm của Hà Nội dẫn đầu cả nước

Việt Thắng 30/06/2023 18:48

GRDP 6 tháng đầu năm 2023 của Hà Nội tăng 5,97%, là mức tăng khá trong bối cảnh kinh tế bị ảnh hưởng kép từ sự mất cân đối cung cầu và tác động chính sách thắt chặt tiền tệ của các quốc gia.

Chiều 30/6, UBND TP Hà Nội tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023. Tại buổi họp báo, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội Vũ Duy Tuấn cho biết: Trong 6 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 6 tháng đầu năm 220.121 tỷ đồng, đạt 62,4% dự toán, bằng 122,9% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương 39.769 tỷ đồng, đạt 37,8% dự toán, bằng 126,8% so với cùng kỳ. Xuất, nhập khẩu suy giảm do ảnh hưởng suy giảm kinh tế thế giới; Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 8.084 triệu USD, giảm 2,7% (cùng kỳ tăng 17,1%); Kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm đạt 17.386 triệu USD, giảm 16,3% (cùng kỳ tăng 24,5%).

Theo ông Tuấn, tổng vốn đầu tư xã hội 6 tháng đầu năm 194.656 tỷ đồng, tăng 8,5% (cùng kỳ tăng 8,8%);. Chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát; bình quân 6 tháng đầu năm CPI tăng 1,22%, thấp hơn cùng kỳ (tăng 3,25%) và đạt mục tiêu đề ra (dưới 4,5%).

Tăng trưởng GRDP được duy trì. Tuy nhiên mức tăng thấp hơn cùng kỳ và thấp hơn kịch bản đầu năm. GRDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng 5,97% là mức tăng khá trong bối cảnh kinh tế bị ảnh hưởng kép từ sự mất cân đối cung cầu và tác động chính sách thắt chặt tiền tệ của các quốc gia. Các ngành kinh tế duy trì phát triển, tuy nhiên một số lĩnh vực có xu hướng tăng chậm lại. Trong đó du lịch và vận tải hành khách phục hồi mạnh; Tổng khách du lịch tăng 42%, khách quốc tế tăng 7 lần. Số lượt hành khách vận chuyển tăng 25,1% (cùng kỳ giảm 20%).

Ông Tuấn nói thêm rằng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng và vận tải hàng hoá tăng khá, tuy nhiên mức tăng thấp hơn cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,4% (cùng kỳ tăng 13,6%); khối lượng hàng hóa vận chuyển tăng 20,8% (cùng kỳ tăng 30,8%).

Sản xuất công nghiệp, xây dựng duy trì tăng trưởng (3,28%), tuy nhiên mức tăng thấp hơn cũng kỷ (6,31%). Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định; Sản lượng thịt hơi xuất chuồng: trâu, bò, lợn, gia cầm đều tăng; Các huyện, thị xã đẩy mạnh cơ cấu lại cây trồng theo hướng tăng lúa chất lượng cao, cây rau màu và chuyên canh cây lâu năm.

Thu hút vốn FDI 6 tháng đầu năm đạt 2.265 triệu USD, dẫn đầu cả nước và vượt kết quả năm 2022; Doanh nghiệp tiếp tục phát triển với 15.618 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 5%.

Bên cạnh đó, lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển; Phát triển hạ tầng số, hạ tầng khoa học và công nghệ gắn với đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp được chú trọng; Công tác quốc phòng được củng cố; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; các hoạt động đối ngoại tiếp tục duy trì và phát triển; Cải cách hành chính, thực hiện chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, 4 hành động, sáng tạo, phát triển” được đẩy mạnh.

Công tác quy hoạch được đẩy nhanh tiến độ. Dự kiến trình phê duyệt trong tháng 10/2023 Quy hoạch Thủ đỗ Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. UBND Thành phố đã trình và Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, 13 nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng huyện đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt (14/14 nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng huyện được duyệt); 1 đồ án quy hoạch chi tiết; 2 đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch.

Ông Trương Việt Dũng, Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội cũng nói thêm rằng, đây là những kết quả rất khả quan của TP Hà Nội ngay trước thềm kỳ họp HĐND TP Hà Nội sẽ diễn ra vào tuần tới (từ ngày 3 đến 6/7-PV).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thu hút vốn FDI 6 tháng đầu năm của Hà Nội dẫn đầu cả nước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO