Xóm hành lá tập trung ở các ấp như: Tân Thới, Tân Định… thuộc xã Tân Lược, huyện Bình Tân (Vĩnh Long) được hình thành từ hơn 20 năm nay đã giúp cho hàng trăm hộ gia đình không đất sản xuất có thu nhập ổn định.
Nghề lột, nhặt hành lá ở Vĩnh Long tạo việc làm cho hàng trăm lao động.
Hành là loại cây ngắn ngày, từ khi trồng đến thu hoạch khoảng 2 tháng nên có thể canh tác quanh năm. Theo thống kê, toàn huyện Bình Tân hành lá được trồng tập trung ở các xã như: Tân Lược, Tân Quới, Tân Bình, Tân An Thạnh…với diện tích trên 1.000 ha và lao động tham gia lột, nhặt hành (công đoạn sơ chế) lên đến hàng trăm người.
Vì vậy, công việc của các hộ dân nơi đây diễn ra liên tục. Vào mùa thu hoạch hành, thương lái đến tận ruộng thu mua và tùy theo từng nơi tiêu thụ, nông dân nhổ và sơ chế để bán cho thương lái.
Anh Bùi Hiếu Thuận có gần 20 năm nhặt hành thuê ở ấp Tân Thới, xã Tân Lược cho biết: “Ở đây, hành lá thu hoạch nhiều vào từ tháng 4 - 7 (âm lịch). Tùy theo từng địa điểm mà hình thành một loại hình sơ chế. Đối với các vựa thu mua lớn, 2h đêm là khoảng thời gian nông dân đi nhổ hành, bó lại và cân cho họ, sau đó được vận chuyển đến các hộ dân nhặt, lột cho đến 7 đến 8h sáng. Còn đối với cơ sở thu mua và tiêu thụ trong tỉnh thì thu mua vào 16 đến 17h chiều”.
Với sức lao động của vợ chồng anh Thuận, mỗi ngày có nguồn thu nhập khoảng 100 đến 150 ngàn đồng từ việc nhặt 200 đến 300 kg hành lá. Theo đó, nhặt mỗi tạ hành (60 kg), người lao động được trả công với mức tiền từ 24.000 đến 30.000 đồng. Đối với hành lột sẽ nhận được mức tiền là 42.000 đồng/tạ.
Ông Nguyễn Văm Mực (76 tuổi) ở ấp Tân Định, xã Tân Lược cho biết: Tôi tuy tuổi đã cao nhưng cũng tham gia làm thuê đã 5 năm rồi vì đây là công việc dễ dàng.Ở ấp Tân Định, mỗi ngày có khoảng 20 người tập trung lại lột hành. Mỗi ký thành phẩm được trả 700 đồng. Sau khi hành được nhặt bỏ lá úa và được làm sạch thì cho và túi ni lông sau đó sẽ được chủ vựa đến thu gom như lúc giao hàng và vận chuyển đến các chợ đầu mối tiêu thụ. Hiện nay, hành lá ở Tân Lược được tiêu thụ ở các chợ Sa Đéc (Đồng Tháp), Cái Răng (TP. Cần Thơ), Long Xuyên (An Giang), TP Hồ Chí Minh....
Công việc diễn ra hàng ngày và sau mỗi tuần các hộ làm thuê sẽ được trả lương theo thống kê năng suất lao động. Chị Huỳnh Thị Vân chuyên làm nghề nhặt hành hơn 10 năm ở ấp Tân Thới cho biết: “Mỗi ngày, từ 12 giờ đêm đến 5 giờ sáng công việc chính của tôi là nhặt khoảng 200 kg hành lá. Buổi sáng, làm phụ thêm từ việc lột hành nên nguồn thu nhập mỗi ngày cũng trên 150.000 đồng/ngày. Dù không có đất vườn nhưng làm nghề này gia đình tôi vẫn nuôi được 2 con ăn học và cuộc sống ổn định”.
Nghề nhặt hành ở Tân Lược đã góp phần tạo việc làm cho đối tượng lao động là phụ nữ, người già. Còn nam giới tham gia công việc nhổ và vác hành cũng cho thu nhập từ 150.000 đến 200.000 đồng/ngày.