Không chỉ là tăng thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức ở các đơn vị do thành phố quản lý. Tăng thu nhập đồng thời phải tăng hiệu quả và chất lượng công việc- đó là ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự hội nghị phản biện xã hội về đề án thí điểm chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do thành phố quản lý, do Mặt trận Tổ quốc TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 2/3
Tăng thu nhập cho người lao động cần đi cùng với công bằng trong đánh giá hiệu quả công việc.
Theo dự thảo đề án của UBND TP HCM , trong giai đoạn 2013-2017, năng suất lao động của thành phố gấp 2,7 lần năng suất lao động bình quân của cả nước. Trong đó, năng suất lao động của cán bộ công viên chức thành phố cao gấp 1,5 lần cả nước, thế nhưng mức lương bình quân của cán bộ công viên chức còn thấp hơn khá nhiều so với thu nhập bình quân của người lao động làm việc trong khu vực sản xuất.
Mức lương cơ bản không đủ trang trải chi phí cuộc sống khá cao tại các đô thị lớn nên không khuyến khích cán bộ công viên chức gắn bó, cống hiến. Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM cho phép thành phố tăng thu nhập tăng thêm cho cán bộ công viên chức. Hệ số điều chỉnh thu nhập tăng thêm để thực hiện cơ chế đặc thù tại từng đơn vị trong giai đoạn 2018-2020. Cụ thể, năm 2018 tăng 0,6 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ; năm 2019 tăng 1,2 lần; năm 2020 tăng 1,8 lần. Dự kiến, nhu cầu kinh phí thực hiện năm 2018 là 2.342.363 triệu đồng. Theo đó, công chức là 328.033 triệu đồng, viên chức là 1.883.552 triệu đồng và cán bộ không chuyên trách phường/xã, thị trấn là 130.778 triệu đồng.
Đóng góp ý kiến, PGS.TS Trần Hoàng Ngân- giám đốc Học viện Cán bộ TP HCM cho biết, thu ngân sách năm 2018 của thành phố là 376.700 tỷ đồng nhưng đầu năm thành phố phải chi 5.000 tỷ đồng cho việc tăng thêm thu nhập với mức 0,6 lần. “Tôi muốn chi càng sớm càng tốt, tranh thủ cơ hội này động viên tinh thần để cán bộ công viên chức làm việc hiệu quả hơn”- ông Ngân nói và cho biết thêm, cán bộ công chức thành phố đáng được hưởng thu nhập tăng thêm vì áp lực công việc rất nhiều. Tuy nhiên, vẫn theo ông Ngân, “tôi đang sợ giàu rồi mất đoàn kết. Làm sao để công bằng, tránh cào bằng trong việc thực hiện. Lo là chia phần làm việc, rồi tâm tư, phiếu này phiếu nọ dẫn đến đánh giá mất công bằng, người lao động than thở”.
Liên quan vấn đề này, phó trưởng Ban Chính sách Pháp luật, Liên đoàn Lao động TP HCM góp ý, để thật công bằng, hàng tháng, hàng quý các đơn vị phải đánh giá chất lượng, hiệu quả công việc của cán bộ công viên chức. Cán bộ nào hoàn thành tốt, hoặc xuất sắc sẽ được hưởng.
Đồng ý với đề án thí điểm chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức do TP HCM quản lý, tuy nhiên nhiều đại biểu vẫn đặt câu hỏi: Chi thu nhập tăng thêm vậy hiệu quả công việc ra sao? “Tăng thu nhập nhưng chưa thúc đẩy hiệu quả công việc, chưa tạo ra được sự cạnh tranh trong thi đua giữa các cán bộ công viên chức. Vậy liệu có phát huy được cơ chế đặc thù của thành phố hay không”- PGS.TS Võ Trí Hảo, đại học Kinh tế TP HCM nêu thắc mắc.