Thu phí tham quan Cao nguyên đá Đồng Văn: Vẫn còn nhiều băn khoăn

Phạm Sỹ 04/07/2023 05:48

Việc tỉnh Hà Giang đưa ra kế hoạch thu phí tham quan Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, việc thu phí là cần thiết nhưng cần có tính toán kỹ lưỡng và chọn thời điểm thích hợp.

Cao nguyên đá Đồng Văn. Ảnh: Nguyễn Quý.

Cao nguyên đá Đồng Văn là một địa điểm du lịch hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của khách du lịch trong và ngoài nước. Năm 2010, nơi đây đã được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu đầu tiên ở Việt Nam, gồm 4 huyện là Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc. Tổng diện tích tự nhiên khoảng 2.356km2.

Về việc thu phí khi tham quan Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn nhằm huy động nguồn lực cho công tác bảo tồn, phát triển công viên địa chất.

3 phương án thu phí với mức 20, 30, 40 nghìn đồng/người/đêm đối với người lớn và 10, 15, 20 nghìn đồng/người/đêm đối với trẻ em.

Mức phân chia nguồn thu phí dự kiến: UBND các huyện, xã, thị trấn 20%, các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú trực tiếp thu phí 20%, nộp ngân sách nhà nước 60%. Nguồn phí này dành cho đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch, phát triển sản phẩm mới, xây dựng các công trình vệ sinh môi trường.

Ông Hoàng Xuân Đôn - Trưởng ban Quản lý Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn cho biết, tỉnh Hà Giang đã chuẩn bị cho việc này 4 năm nay nhưng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên chưa triển khai được. Trong vùng Cao nguyên đá Đồng Văn có 59 điểm di sản đang khai thác, có khoảng 40 điểm đủ tiêu chuẩn thu phí tuy nhiên hiện mới thu phí ở 3 điểm, gồm hang Lùng Khúy (Quản Bạ); Nhà Vương và cột cờ Lũng Cú (Đồng Văn).

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), việc thu phí tham quan Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn là bình thường nhằm bảo tồn, phát triển tài nguyên du lịch.

Dòng sông Nho Quế. Ảnh: Nguyễn Quý.

Trên thế giới, nhiều nước áp dụng cách làm này. Đây là biện pháp tạo ra nguồn kinh phí góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo nguyên trạng cảnh quan thiên nhiên và phát huy giá trị của di tích, thắng cảnh.

GS.TS Từ Thị Loan (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) cũng cho rằng thông qua việc thu phí sẽ góp phần nâng tầm giá trị của di sản.

“Tôi hoàn toàn ủng hộ việc thu phí. Hiện nay chúng ta đã chủ trương xã hội hóa. Hà Giang và nhiều tỉnh miền núi phía Bắc vẫn gặp nhiều khó khăn về kinh tế vì vậy phải phải thu phí để lấy kinh phí tu bổ cảnh quan, duy trì và phát triển quảng bá di sản. Thu phí mà chất lượng phục vụ tốt, môi trường không bị xâm hại thì còn tốt hơn là không có kinh phí để bảo tồn và giữ gìn” - bà Loan nói.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Lân Cường (Hội Khảo cổ học Việt Nam) thu phí nhưng không nên thu cao quá. Việc thu phí sẽ tạo ra nguồn kinh phí là cơ sở để tu bổ, đồng thời sẽ nâng cao ý thức khi du khách đến tham quan và tìm hiểu.

Đại diện Ban Quản lý Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn cũng cho biết, phí tham quan sẽ được sử dụng để quản lý, quảng bá, giáo dục, bảo tồn hệ thống di sản, tái đầu tư cho hạ tầng, nâng cao chất lượng trải nghiệm điểm đến cho du khách. Tăng nguồn lực để tái đầu tư cho người dân địa phương như nâng cao thu nhập, bảo tồn văn hóa, nâng cao nhận thức cộng đồng…

Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có một số ý kiến bày tỏ sự lo ngại việc thu phí sẽ khiến lượng khách sụt giảm.

Nói như GS.TS Trương Quốc Bình - nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), dưới góc độ kinh tế di sản thì việc thu phí cũng có thể chấp nhận được, nhưng riêng đối với Cao nguyên đá Đồng Văn vì sự phân bố của nó trên một không gian hết sức rộng lớn, do đó chỉ nên lựa chọn để thu phí ở một số điểm tiêu biểu như Hà Giang đã lựa chọn là đủ.

Ông Bình cũng cho rằng, việc tính phí tham quan cho người lớn và cho trẻ em qua đêm cũng cần xem lại. Thẩm quyền ban hành việc thu phí ở Cao nguyên đá Đồng Văn là thuộc HĐND tỉnh, cần cân nhắc về thời điểm về mức phí và thu ở đâu, thu như thế nào và đối tượng nào.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thu phí tham quan Cao nguyên đá Đồng Văn: Vẫn còn nhiều băn khoăn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO