Dịp cuối năm, nhu cầu tiêu thụ rau xanh của người dân Thủ đô tăng mạnh. Do vậy, để bảo đảm đủ nguồn cung rau, củ, quả an toàn phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nông dân huyện Mê Linh (TP Hà Nội) đang tích cực bám đồng, bám ruộng, chăm sóc cây rau vụ đông để kịp xuất bán với hy vọng được mùa, được giá.
Theo ông Nguyễn Tiến Hùng - Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Mê Linh , vụ đông 2024-2025, huyện Mê Linh gieo trồng 1.700ha rau, củ, quả, tập trung chủ yếu tại các xã Tráng Việt, Tiền Phong, Tiến Thắng, Đại Thịnh, Văn Khê, Hoàng Kim… năng suất trung bình đạt 25 tấn/ha, tổng sản lượng đạt khoảng 42.000 tấn. Trong đó, 155ha sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn (áp dụng mô hình kiểm tra cộng đồng PGS) và 34,8ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tạo điều kiện để các sản phẩm rau xanh của Mê Linh tiếp cận hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ trên cả nước. Cũng cần phải nói thêm, trận bão số 3 vừa qua đã khiến khoảng 220 ha rau màu tại xã Tráng Việt bị ngập úng, gây tổn thất lớn. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ từ chính quyền và các hợp tác xã, người dân đã nhanh chóng phục hồi sản xuất.
Ông Hùng cho biết thêm, hướng đến vụ rau phục vụ thị trường Tết, các đơn vị chuyên môn của huyện thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật trồng rau cho nông dân. Đồng thời, các đơn vị cử cán bộ chuyên môn bám sát đồng ruộng, điều tra, theo dõi sự phát sinh của các đối tượng sinh vật gây hại trên cây rau và phải tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng” trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật là đúng thuốc, đúng liều lượng nồng độ, đúng lúc và đúng cách. Các nguyên tắc này nhằm hạn chế những tác động tiêu cực và khai thác tốt nhất hiệu quả các loại thuốc trên cây rau.
Trong khi đó, theo ông Đàm Văn Đua - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao, thời điểm hiện tại, mỗi ngày hợp tác xã cung cấp ra thị trường hơn 50 tấn rau, củ, quả. Áp Tết, con số này sẽ tăng lên 70 tấn/ngày để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Hiện đang là thời điểm các hộ gia đình huy động tối đa nguồn nhân lực để tập trung sản xuất, chuẩn bị nguồn rau xanh phục vụ cho thị trường. So với những ngày thường, thì nhu cầu rau xanh vào dịp cuối năm, giáp Tết âm lịch sẽ tăng gấp đôi. Vì khách hàng ưa chuộng một số loại rau như, súp lơ, cải bắp, cải cúc, xu hào, củ cải… Nắm bắt được thị hiếu khách hàng, cũng như nguồn cầu của thị trường, nên hợp tác xã tuyên truyền, hướng dẫn nông dân tập trung trồng các loại rau xanh kể trên.
Còn tại xã Tiền Phong, không khí vụ mùa tại hợp tác xã cũng như các hộ gia đình làm rau xanh cũng khá sôi động. Theo đại diện của Hợp tác xã Nông nghiệp Yên Nhân, hiện cơ sở này đang canh tác hơn 100 ha rau an toàn, đa dạng các loại như cải bắp, cải cúc, xu hào, củ cải, súp lơ... Nhờ tập trung vào các loại rau được thị trường ưa chuộng, Hợp tác xã Nông nghiệp Yên Nhân dự kiến đạt doanh thu cao trong dịp cuối năm.
Theo đại diện lãnh đạo huyện Mê Linh, để giúp người nông dân đạt vụ đông năng suất cao, huyện Mê Linh đã tổ chức hàng chục lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn quy trình trồng rau an toàn. Cán bộ chuyên môn thường xuyên theo dõi đồng ruộng, phát hiện sớm sâu bệnh và hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc. Nhất là sau thời điểm diễn ra cơn bão số 3, các hợp tác xã, những cơ sở sản xuất rau xanh đều đã triển khai đồng loạt các biện pháp khắc phục, từ cải tạo đất đến chọn giống rau phù hợp, nhằm bảo đảm kịp thời vụ và đạt năng suất cao nhất.
Ngoài ra, các hợp tác xã và hộ dân cũng được hướng dẫn xây dựng kế hoạch sản xuất linh hoạt, tránh tình trạng dư cung vào dịp Tết. Việc liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm theo chuỗi giá trị đang được khuyến khích mạnh mẽ, giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân. Không chỉ tập trung vào sản xuất, từ nay đến Tết Nguyên đán, huyện Mê Linh còn đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại. Huyện dự kiến tổ chức một chuỗi sự kiện như hội chợ, festival nông sản và du lịch, nhằm giới thiệu các sản phẩm đặc trưng đến người tiêu dùng và nhà phân phối.
Bên cạnh đó, huyện Mê Linh còn đang triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cho rau, củ, quả an toàn. Nhờ đó, giá trị thương hiệu và chất lượng nông sản của người dân trong huyện ngày càng được nâng cao, mở rộng đầu ra tại các hệ thống siêu thị lớn và các chợ đầu mối tại Hà Nội.