Thủ tục ngân hàng hiện còn rườm rà, nhất là khâu định giá tài sản thế chấp rẻ mạt, khiến người nông dân không thể tiếp cận được các nguồn hỗ trợ vốn vay.
Đó là một trong những bức xúc được các đại biểu nêu lên tại Hội thảo khoa học “Bàn giải pháp về chính sách tín dụng nhằm chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp, nông thôn ở các tỉnh, thành phía Nam” do Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản phối hợp với Trường ĐH Ngân hàng TP HCM tổ chức vào ngày 6/12 tại TP HCM.
Các chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn
đề nghị cần khơi thông chính sách hỗ trợ về tín dụng, lãi suất và
hỗ trợ đầu tư cho người nông dân. (Ảnh: Hồng Phúc).
Nông dân “khát” vốn vay sản xuất
Hội thảo thu hút sự tham dự của đại diện hơn 100 lãnh đạo, cán bộ, quản lý trong lĩnh vực nông nghiệp và các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ các tỉnh, thành khu vực phía Nam.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Trọng Lưu, Chi Cục trưởng Chi Cục Phát triển Nông thôn (Sở NN&PTNT TP HCM) nhìn nhận, sản xuất nông nghiệp hiện tiềm ẩn nhiều rủi ro, lợi nhuận so với các ngành khác không cao. Đối với người nông dân và các doanh nghiệp được hỗ trợ về tín dụng, lãi suất và hỗ trợ đầu tư là yếu tố rất quan trọng để phát triển kinh tế, tăng thu nhập.
Tuy nhiên, ông Lưu cũng nhìn nhận, việc triển khai chính sách tín dụng, chính sách hỗ trợ lãi vay thời gian qua xảy ra tình trạng đa số các ngân hàng thương mại chưa mạnh dạn cho vay theo hình thức tín dụng. Một số phương án thẩm định và định giá tài sản thế chấp còn thấp hơn rất nhiều so với giá trị thị trường. Trong khi đó, thời gian giải quyết hồ sơ hỗ trợ còn chậm, thủ tục cho vay còn phức tạp và mất nhiều thời gian.
“Thời gian bà con nông dân ở Q.9 phản ánh rằng việc thẩm định đất nông nghiệp tại địa phương, chỉ cho vay khoảng 200.000 đồng/m2, trong khi giá thị trường là trên 2.000.000 đồng/m2, đã dẫn đến việc bà con không thể tiếp cận được với vốn vay để sản xuất”, ông Lưu nói.
Cho đến nay, chỉ có khoảng 20.099 lượt doanh nghiệp trên địa bàn TP HCM được vay vốn, với tổng số vốn đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng. Riêng giai đoạn 2011 – 2016, tổng số việc làm tạo ra thông qua các phương án sản xuất được hỗ trợ lãi vay khoảng hơn 47.000 lao động, trong đó có hơn 5.700 lao động là đối tượng hộ nghèo.
Ông Nguyễn Trọng Lưu cho rằng, dư nợ trong dân hàng năm (từ các quỹ xóa đói, giảm nghèo) tại TP HCM hàng năm vào khoảng 234 tỷ đồng, trong khi tổng dư nợ đối với nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh thành phố là vào khoảng 1.719 tỷ đồng; nguồn vốn từ đoàn thể là 195 tỷ đồng và từ các quỹ hỗ trợ nghề nghiệp cho người bị thu hồi đất để thực hiện các dự án đầu tư là vào khoảng 311,56 tỷ đồng.
Đại diện Chi Cục Phát triển Nông thôn TP HCM cho rằng để tạo sự chuyển dịch cơ cấu nhanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thì cần được sự quan tâm của Thành ủy và UBND TP. Đây là một vấn đề cấp thiết vì số lượng người dân, doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn ngày càng lớn, nhưng một số người dân, doanh nghiệp chưa tiếp cận được nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng, do không đảm bảo các điều kiện vay vốn của tổ chức cho vay, trong đó các Hợp tác xã nông nghiệp (không có tài sản thế chấp), định giá tài sản của ngân hàng thấp.
TS Vũ Minh Tâm (giảng viên ĐH Trà Vinh) và bà Võ Thị Dol (cán bộ tài chính huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh) cùng quan điểm khi cho rằng vai trò vốn tín dụng ưu đãi đối với hộ nông dân nghèo trên địa bàn là rất quan trọng.
Tuy nhiên, cũng như TP HCM thì bà con nông dân, nhất là đồng bào Khmer trên địa bàn vẫn khó tiếp cận đối với nguồn vốn. Đó là các tồn tại về thủ tục hành chính, quy định và quy trình xét duyệt, thẩm định hồ sơ vay vốn còn rườm rà, phức tạp khiến hạn chế khả năng tiếp cận vốn ưu đãi của các hộ nghèo.
Ở địa phương có đặc thù đông đồng bào Khmer sinh sống như tỉnh Trà Vinh, một vấn đề khác cũng nảy sinh là sự yếu kém trong khả năng sử dụng vốn vay của hộ nghèo do trình độ văn hóa thấp, tập quán sinh sống khép kín, truyền thống,…Khả năng quản lý kém, dẫn đến tình trạng sử dụng sai mục đích vốn vay, thất thoát hoặc lãng phí dẫn đến mất khả năng trả nợ và thoát nghèo.
Tại Hậu Giang, ông Nguyễn Văn Đồng – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh này dẫn chứng hoạt động ngân hàng ở khu vực nông nghiệp, nông thôn hiện nay mới chủ yếu ở các dịch vụ truyền thống như cho vay và nhận tiền gửi. Trong khi các dịch vụ thanh toán ngân hàng hiện đại còn hạn chế; quy trình cung cấp tín dụng còn phức tạp, đặc biệt là các thủ tục liên quan đến tài sản thế chấp như đất đai.
Theo ông Đồng, thời gian qua Hậu Giang thực hiện đề án cơ giới hóa nhưng một số hộ dân có nhu cầu mua máy lại không đủ điều kiện tham gia đề án theo quy định của ngân hàng, như: không có tài sản thế chấp, không đủ vốn đối ứng 30% để mua máy, có vay vốn từ trước.
Ông Đồng cũng nhìn nhận, kinh tế hợp tác chưa phát huy hiệu quả thiết thực, dẫn đến các trở ngại trong liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm và thực hiện các cánh đồng mẫu lớn. Đối với các doanh nghiệp bao tiêu thì cũng bao tiêu chưa đủ nguồn lực, nhất là thiếu vốn, tiếp cận được vốn vay nhưng ở mức hãn chế, dẫn đến tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún vẫn còn tồn tại.
Giải pháp khắc phục phải từ gốc
Các chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đều đồng quan điểm khi cho rằng, để tháo gỡ các bất cập nêu trên thì cần tác động trực tiếp từ phía Ngân hàng Nhà nước đối với hệ thống các ngân hàng trong chính sách hỗ trợ nhiều nguồn tiếp cận vốn vay cho người nông dân. Muốn vậy, các ngân hàng phải có chính sách đồng bộ trong đơn giản hóa thủ tục vay vốn; đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, kênh phân phối; Mở rộng mạng lưới khách hàng; tăng cường thông tin ưu đãi vốn vay cho bà con nông dân.
PGS.TS Lý Hoàng Ánh, Hiệu trưởng ĐH Ngân hàng TP HCM khuyến nghị, các địa phương cần sớm báo cáo với Chính phủ, trong đó làm rõ những hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước về chính sách tín dụng nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Từ đó, hiến kế, đề xuất, kiến nghị với Chính phủ một số giải pháp có tính khả thi về chính sách tín dụng nhằm chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp, nông thôn góp phần tạo điều kiện thúc đẩy tăng theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong thời gian tới.
PGS.TS Nguyễn Đắc Hưng, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, dù còn một số những bất cập, hạn chế, tuy nhiên chính sách tín dụng thời gian qua đã trực tiếp hoặc gián tiếp tạo điều kiện để nông dân phát triển sản xuất, hạ giá thành và nâng cao sức cạnh tranh nông sản như chính sách hỗ trợ lãi vay cho nông dân, cư dân nông thôn để chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; hỗ trợ nông dân mua máy móc, thiết bị cơ giới, hỗ trợ người nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở; chương trình kích cầu, chính sách miễn giảm thủy lợi phí, miễn thu quỹ phòng chống lụt bão, hỗ trợ xây dựng công trình vệ sinh môi trường nông thôn.
Tuy nhiên, đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng nhìn nhận những hạn chế, vướng mắc và cho biết sẽ ghi nhận bài học kinh nghiệm có giá trị thiết thực trong quá trình sửa đổi, bổ sung hoàn chỉnh về mặt thực hiện chính sách tín dụng ở các địa phương; đồng thời cũng sẽ có một số kiến nghị, đề xuất giải pháp đối với Đảng và Nhà nước trong việc tiếp tục đề ra chủ trương, chính sách về tín dụng phù hợp với tình hình thực tiễn, góp phần quan trọng vào công cuộc hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.