Thủ tướng Anh Theresa May hôm 13/12 đã thoát khỏi khả năng phải từ chức sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, trong đó 2/3 số nghị sỹ thuộc đảng của bà bỏ phiếu ủng hộ bà. Tuy nhiên, 1/3 số nghị sỹ phản đối bà cho thấy, nữ Thủ tướng Anh vẫn khó thông qua được Thỏa thuận Brexit trước Quốc hội.
Thủ tướng May thoát hiểm ngoạn mục trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. (Nguồn: Reuters).
Thoát hiểm ngoạn mục
Trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vừa qua, bà May nhận được sự ủng hộ của 200 nghị sỹ đảng Bảo thủ, nhưng 117 nghị sỹ bỏ phiếu kêu gọi bà từ chức - và chỉ sau khi bà tuyên bố sẽ từ chức trước kỳ bầu cử năm 2022.
“Tôi rất vui khi nhận được sự ủng hộ từ các đồng nghiệp” - bà May nói bên ngoài phòng làm việc tại Phố Downing - “Có một số lượng đáng kể các đồng nghiệp bỏ phiếu chống lại tôi và tôi đã lắng nghe điều mà họ nói”.
Thủ tướng May cũng nói rằng, bà muốn “tiếp tục công việc đàm phán Brexit”, và muốn “tất cả các chính trị gia, thuộc tất cả các đảng cùng đoàn kết”.
Kết quả bỏ phiếu, được công bố sau một vòng bỏ phiếu kín, đã nhận được sự hoan nghênh từ những người ủng hộ bà May tập trung bên ngoài tòa nhà Quốc hội, trong khi thông tin này cũng khiến giá trị đồng Bảng Anh tăng lên. Thế nhưng, người dẫn đầu phe phản đối bà May là Jacob Rees-Mogg, một trong số 48 nghị sỹ thuộc đảng Bảo thủ đã kích hoạt cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, cho rằng kết quả này là “kinh khủng”. “Bà ấy nên từ chức ngay lập tức” - ông Rees-Mogg nói với Hãng BBC.
Một người khác có quan điểm phản đối bà May là Nigel Farrage, cũng đưa ra phản ứng của mình, nói rằng bà May “sẽ tiếp tục hướng tới thất bại tiếp theo của mình, Thỏa thuận Brexit sẽ không thể được thông qua, và cuộc khủng hoảng thực sự đang tới gần”.
Ông Rees-Mogg cùng rất nhiều nghị sỹ phản đối Thỏa thuận Brexit mà bà May đạt được với Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng trước, cho rằng nó sẽ khiến nước Anh phải lệ thuộc vào EU kể cả sau khi Brexit được hoàn tất vào ngày 29/3/2019.
Cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm được tổ chức sau khi Thủ tướng May đưa ra quyết định hoãn cuộc bỏ phiếu lên kế hoạch từ trước tại Hạ viện để thông qua Thỏa thuận Brexit; lý do là bà lo sợ Thỏa thuận sẽ không được thông qua. Bà May hứa hẹn sẽ tổ chức lại vòng bỏ phiếu đó vào ngày 21/1/2019 - sau khi bà đàm phán lại một số điều khoản với phía EU.
Sức mạnh suy yếu
Trong hôm 13/12, bà May đã tới Brussels, Bỉ để tham dự Hội nghị thượng đỉnh trù bị của EU, nơi mà bà sẽ thúc giục các nhà lãnh đạo châu Âu giúp đỡ để Thỏa thuận Brexit được thông qua trong Quốc hội Anh.
Hiện nay, có rất nhiều nghị sỹ đảng Bảo thủ, nghị sỹ thuộc đảng Liên minh Dân chủ Bắc Ireland (DUP) lo ngại rằng Thỏa thuận Brexit mới sẽ khiến cho đường biên giới Ireland mở cửa, điều khiến nước Anh bị mắc kẹt trong liên minh hải quan của EU.
Sau khi thực hiện nhiều chuyến công du tới các thủ phủ của châu Âu trong đầu tuần này, Thủ tướng May cho biết bà sẽ tiếp tục tìm kiếm “sự đảm bảo thêm về chính trị và pháp lý” liên quan tới vấn đề Bắc Ireland. Nhưng dù có thông cảm với sức ép mà bà May đang phải gánh chịu, giới lãnh đạo châu Âu vẫn cực lực phản đối việc tái đàm phán lại các điều khoản trong Thỏa thuận Brexit mới.
Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng bà vẫn “hy vọng về một cuộc ly hôn trật tự” nhưng “không có ý định thay đổi thỏa thuận ly hôn”. Thủ tướng Ireland Leo Varadkar cũng đưa ra thông điệp tương tự, trong các cuộc điện đàm với giới lãnh đạo châu Âu vài ngày qua.
Văn phòng của ông nói rằng, ông và Chủ tịch EU Donald Tusk đã “nhất trí sẽ tạo điều kiện hết mức cho Anh nhưng Thỏa thuận Brexit là không thể đàm phán lại”.
Trước khi cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm diễn ra, nhiều nghị sỹ đảng Bảo thủ và các vị Bộ trưởng trong Nội các đã thể hiện rõ sự ủng hộ đối với bà May. Trong đó, Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond nói rằng, chiến thắng của bà May sẽ giúp đoàn kết lại đảng và “loại bỏ những kẻ cực đoan”.
Tuy nhiên, trong một cuộc họp riêng với các nghị sỹ trước khi họ bỏ lá phiếu của mình, Thủ tướng May thừa nhận rằng vị trí của bà đã suy yếu. Dù vậy thì hiện tại, bà sẽ không phải đối diện thêm với một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm nào trong vòng 1 năm. Nhưng nếu Thỏa thuận Brexit không được thông qua trong Quốc hội, Chính phủ của bà vẫn đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ở Quốc hội.