Thủ tướng Merkel một lần nữa khẳng định 27 nước thành viên EU đều đã nhất trí với thỏa thuận Brexit, do vậy việc tiến hành đàm phán lại thỏa thuận này là không cần thiết.
Thủ tướng Đức Angela Merkel trong cuộc họp báo tại Reykjavik, Iceland ngày 19/8/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN).
Ngày 20/8, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bác khả năng tiến hành đàm phán lại thỏa thuận về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn được gọi là Brexit, đồng thời kêu gọi "các giải pháp thiết thực" để giải quyết các mối quan ngại về điều khoản "chốt chặn" gây tranh cãi hiện nay.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung với lãnh đạo các nước Bắc Âu sau khi tham dự hội nghị ở thủ đô Reykjavik của Iceland, Thủ tướng Merkel một lần nữa khẳng định 27 nước thành viên EU đều đã nhất trí với thỏa thuận Brexit, do vậy việc tiến hành đàm phán lại thỏa thuận này là không cần thiết.
Theo bà Merkel, một khi tìm ra được một giải pháp thiết thực để đảm bảo rằng Thỏa thuận Thứ Sáu Tốt lành tiếp tục được áp dụng, EU sẽ không cần tới điều khoản "chốt chặn" nữa.
Điều khoản "chốt chặn" là đề xuất của Brussels, đã được Anh và EU đưa vào thỏa thuận Breixt ký kết hồi tháng 11/2018 nhằm tránh khả năng thiết lập một đường biên giới cứng với những điểm kiểm soát hải quan giữa vùng Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland.
Tuy nhiên, điều khoản này buộc Anh phải tuân thủ một số quy định của EU cho tới khi hai bên đạt được một thỏa thuận thay thế và là nguyên nhân lớn nhất khiến thỏa thuận Brexit kể trên không được Quốc hội Anh ủng hộ, đẩy tiến trình Brexit vào bế tắc, buộc cựu Thủ tướng Theresa May phải xin gia hạn Brexit 2 lần trước khi từ chức với hy vọng sự thay đổi đội ngũ lãnh đạo đất nước sẽ tìm ra hướng tháo gỡ thế bế tắc.
Thủ tướng Anh hiện tại Boris Johnson đã nhiều lần kêu gọi EU loại bỏ điều khoản này song Brussels tới nay vẫn giữ nguyên quan điểm ủng hộ thỏa thuận Brexit hiện tại và từ chối đàm phán lại.
Dự kiến, trong ngày 21/8, Thủ tướng Anh sẽ tới Berlin để gặp người đồng cấp nước chủ nhà, sau đó tới Paris gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào ngày 22/8 để thuyết phục lãnh đạo hai nước ủng hộ đề xuất bỏ kế hoạch "chốt chặn" ra khỏi dự thảo thỏa thuận giữa Anh và EU.
Loại bỏ điều khoản "chốt chặn" - vốn sẽ giữ Anh ở lại trong liên minh thuế quan và thị trường đơn lẻ sau khi rời EU cho đến khi hai bên tìm thấy một giải pháp khả thi nhằm ngăn chặn một đường biên giới cứng xuất hiện trên đảo Ireland được coi là trọng tâm trong kế hoạch của Thủ tướng Johnson để đưa nước Anh rời EU vào ngày 31/10.