Trước lãnh đạo của 63 tỉnh, thành trên cả nước theo dõi qua cầu truyền hình trực tuyến, Thủ tướng cho rằng "một đất nước thu nhập bình quân đầu người 2.335 USD thì có gì quá phấn khởi" và nhấn mạnh khâu tổ chức thực hiện là một khâu yếu, một nút thắt cổ chai, nên “từ lời nói để hành động, từ hội trường ủy ban, tỉnh ủy đến dân, đến cơ sở phải giảm khoảng cách tốt hơn nữa”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Quang Hiếu. |
Phát biểu kết luận Hội nghị Chính phủ với các địa phương, trưa 29/11, Thủ tướng nêu rõ, không chỉ muốn nhắn nhủ những người ngồi hàng ghế đầu tại hội trường, là lãnh đạo các bộ, ngành mà cả những người ngồi hàng ghế thứ 2, thứ 3… là lãnh đạo các tổng cục, vụ, cục, các cơ quan liên quan… bởi hàng thứ 2, thứ 3 mà không làm thì hàng thứ nhất cũng không có tác dụng nhiều.
Theo Thủ tướng, cải cách đổi mới phải là cả hệ thống, nhất là người tham mưu và Thủ tướng bày tỏ lo lắng liệu các cấp tổng cục, vụ, cục, cấp sở, huyện có đổi mới cải cách hay không, có áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ số hay không.
“Còn lãnh đạo chuyển xuống Tổng cục mà Tổng cục để đó, tham mưu kiểu cũ, không đổi mới thì khó lắm. Tôi nói vấn đề này đầu tiên vì rất quan trọng”, ông nhấn mạnh và nêu rõ, chỉ một bộ phận chuyển biến mà cả hệ thống không chuyển biến thì khó thành công.
Không để đầu năm thong thả, cuối năm vất vả
Yêu cầu các bộ, ngành địa phương quán triệt ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị, Thủ tướng đề nghị ngay trong chiều nay hoặc muộn nhất là đầu tháng sau, Văn phòng Chính phủ phải trình Thủ tướng ký ban hành Nghị quyết 01 kèm theo phụ lục 242 công việc cụ thể để các địa phương triển khai ngay, bởi quan trọng là “chủ trương 1, biện pháp 10”, không để tình trạng “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”.
Tổng kết các ý kiến phát biểu, Thủ tướng nhìn nhận, tất cả các ý kiến đều đồng thuận với đánh giá rằng chúng ta đã hoàn thành, đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra năm 2017, với hàng loạt kỷ lục mà Thủ tướng dẫn chứng như về kim ngạch xuất khẩu, thu hút FDI, thành lập doanh nghiệp mới, khách du lịch, giảm nợ công… và cả các kỷ lục “buồn” như về thiên tai, số vụ án liên quan đến cán bộ cấp cao…
Điều quan trọng, Thủ tướng nhấn mạnh là phân tích nguyên nhân vì sao đạt được kết quả đó khi mà “khiêm tốn bao nhiêu cũng chưa đủ” và “không được ngủ quên trên vòng nguyệt quế” như Tổng Bí thư nhắc nhở tại phiên họp sáng qua của Hội nghị.
Vậy kinh nghiệm, bài học rút ra sau 1 năm là gì? Thủ tướng nêu rõ, đó là nêu cao trách nhiệm của mỗi cá nhân người đứng đầu vì “làm ì ạch thì làm sao có cách mạng, làm sao hoàn thành được” và gắn với phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cán bộ. Các chỉ tiêu phải được lượng hóa, đo đếm được, kiểm tra được.
Tập trung rà soát, đối thoại, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quyết liệt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Chính quyền các cấp có sự tương tác, phản hồi tích cực với người dân và doanh nghiệp.
“Mình phải lắng nghe, phải tháo gỡ, chứ cứ nói mình đúng rồi, mình bảo thủ, trì trệ trong khi mình nói thể chế là một điểm nghẽn mà Đảng ta đã xác định, thì làm sao thành công được”, Thủ tướng nêu rõ. Cùng với đó, là bài học thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, đánh giá tình hình, theo dõi sát diễn biến, chỉ đạo xử lý linh hoạt kịp thời, gắn liền với khen thưởng, xử lý kịp thời đối với cán bộ. Các địa phương cũng phải thành lập tổ công tác để kiểm tra, đôn đốc công việc, “đừng để chủ trương nằm trên giấy, không đi vào cuộc sống”. Chủ trương cũng phải rất khoa học, sát thực tiễn.
Bài học nữa là đoàn kết, cộng sự cả hệ thống để cùng hỗ trợ giải quyết khó khăn. Cùng với vai trò cá nhân là sự vào cuộc của mỗi địa phương bởi “tỉnh nào cũng quan trọng, cũng có lợi thế so sánh, có lợi thế phát triển”.
Thủ tướng cũng chỉ ra bài học về chỉ đạo toàn diện, không chỉ phát triển kinh tế mà cả xã hội, môi trường. Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo phát triển là chìa khóa của thành công, “ngay cả nuôi bò, nuôi tôm, nuôi cá cũng phải áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới”.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu. |
"Thu nhập bình quân đầu người thấp là nỗi buồn của lãnh đạo"
Từ các bài học trên, Thủ tướng nêu rõ một số công việc cần triển khai năm 2018. Đó là tăng trưởng kinh tế phải đạt cận trên mức Quốc hội thông qua cho năm 2018 (từ 6,5-6,7%), tức là ít nhất phải đạt 6,7%. Bởi tăng trưởng sẽ giải quyết được nhiều vấn đề, từ việc làm cho đến thu ngân sách, nợ công, thu nhập bình quân đầu người…
“Một đất nước thu nhập bình quân đầu người 2.335 USD thì có gì quá phấn khởi, có phải là nỗi buồn của những người lãnh đạo khi thu nhập bình quân người dân thấp như thế”, Thủ tướng chia sẻ. Đi liền với số lượng thì chất lượng tăng trưởng cũng phải được nâng lên, đặc biệt năng suất lao động xã hội phải cao hơn, các chỉ số môi trường phải cải thiện rõ rệt hơn.
Yêu cầu thứ hai là phải có chuyển biến mạnh mẽ về sức sống, về năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của từng ngành, từng địa phương, từng doanh nghiệp, kể cả sản phẩm quốc gia.
Thủ tướng lấy ví dụ một doanh nghiệp thủy sản ở Cà Mau (Công ty Minh Phú), hiện đạt 700 triệu USD xuất khẩu năm nay mà cố gắng tạo điều kiện thuận cho cho doanh nghiệp đạt thêm 300 triệu USD nữa thành 1 tỷ USD thì doanh nghiệp sản xuất tôm lớn nhất thế giới sẽ là ở tỉnh Cà Mau của Việt Nam.
Yêu cầu nữa là xã hội bình yên hơn, an ninh an toàn hơn, mọi người dân, nhất là người nghèo, người yếu thế có cuộc sống tốt hơn, cả về vật chất và tinh thần. Phải có biện pháp xây dựng nền kinh tế tự chủ, phù hợp với hoàn cảnh mới.
Năm 2018 chúng ta phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu cao nhất để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ năm nay, Thủ tướng nêu rõ, “chúng ta thống nhất chủ đề năm 2018 với 10 chữ dễ nhớ để vận dụng ở địa phương mình, ngành mình: Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng hệ thống chỉ tiêu cụ thể phục vụ công tác chỉ đạo điều hành theo chức năng, nhiệm vụ được giao và thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại các nghị quyết Trung ương, Quốc hội và Nghị quyết 01 của Chính phủ. Trong đó, phải chú trọng phát triển bền vững, không lơ là kinh tế vĩ mô, phải tái cơ cấu kinh tế một cách thực sự.
“Nếu chúng ta cứ phát triển theo chiều rộng, không đi vào chiều sâu, không bám vào hiệu quả, bám vào lợi thế so sánh mà phát triển ào ạt là chúng ta phạm sai lầm”.
Bên cạnh đó, tăng cường nền tảng xã hội, xây dựng bộ máy trong sạch, phòng chống tham nhũng, tập trung giải quyết hậu quả thiên tai năm 2017 và phòng chống thiên tai năm 2018.
Tại Hội nghị, Thủ tướng cũng nêu rõ một số nhiệm vụ cụ thể năm 2018 đối với từng bộ, ngành, lĩnh vực như nông nghiệp chuyển biến mạnh theo hướng tích tụ ruộng đất, phấn đấu đạt tăng trưởng 3%, xuất khẩu đạt 40 tỷ USD.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội phải đạt 30% GDP. Thu hút vốn FDI có chọn lọc chứ không ồ ạt, không phải thu hút đầu tư bằng mọi giá. Tăng kim ngạch xuất khẩu 10%.
Về dịp Tết này, bảo đảm cung cầu hàng hóa thiết yếu, không để thiếu hàng sốt giá; tập trung chăm lo Tết cho người dân, nhất là lo cho vùng thiên tai, không để người dân rơi vào cảnh màn trời chiếu đất, đứt bữa.
Tập trung giải quyết một số vụ việc dư luận xã hội quan tâm, lên án như xâm hại trẻ em, trẻ em đuối nước, phá rừng… Giải quyết vấn đề tái nghèo ở vùng bị thiên tai là rất quan trọng, các địa phương cần quan tâm.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc tạo thuận lợi cho thông tin truyền thông cùng với việc xử lý nghiêm các vi phạm. Các địa phương cần làm tốt công tác dân vận.
“Quan trọng nhất là tổ chức thực hiện, là một khâu yếu, một nút thắt cổ chai hiện nay, phải được tháo gỡ. Từ lời nói để hành động, từ hội trường ủy ban, tỉnh ủy đến dân, đến cơ sở phải giảm khoảng cách tốt hơn nữa, để từ đó tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết 01 ở địa phương mình”, Thủ tướng nêu rõ và cho rằng, tăng trưởng nằm ở địa phương, nơi quản lý đất đai, nguồn lực, đến môi trường đầu tư, cán bộ thực hiện. Do đó, địa phương mạnh, Chính phủ, Trung ương sẽ mạnh.
Sau Hội nghị này, chiều nay, dưới sự chủ trì của Thủ tướng, Chính phủ sẽ họp phiên thường kỳ tháng 12/2017.