Ngày 9/12 (giờ địa phương), chuyên cơ chở Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Findel, bắt đầu thăm chính thức Đại Công quốc Luxembourg theo lời mời của Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel.
Đón Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại sân bay Findel có Đại sứ Luxembourg tại Việt Nam Patrich Hammer; Vụ trưởng Vụ Lễ tân, Bộ Ngoại giao Luxembourg Olivier Baldauff; Đại sứ Việt Nam tại Luxembourg Nguyễn Văn Thảo; cán bộ Đại sứ quán và kiều bào ta tại Luxembourg.
Trong chương trình chuyến thăm Luxembourg, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ hội đàm với Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel; hội kiến Chủ tịch Nghị viện Luxembourg; hội kiến Đại Công tước Luxembourg; thăm một số cơ sở kinh tế và dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Luxembourg; đồng thời gặp gỡ cộng đồng người Việt tại Luxembourg.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Luxembourg đang phát triển tốt đẹp, nhất là về đầu tư và phát triển. Luxembourg là nhà đầu tư lớn thứ 3 của EU tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt 2,6 tỷ USD, là một trong những nước EU sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA). Thương mại song phương giữa hai nước tăng nhanh kể từ khi EVFTA có hiệu lực.
Luxembourg coi Việt Nam là một trong những nước ưu tiên trong hỗ trợ phát triển với tổng viện trợ đến nay đạt 129 triệu Euro. Hai bên hiện đang trao đổi, thúc đẩy khả năng hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính làm sâu sắc thêm quan hệ hữu nghị và hợp tác với Luxembourg, mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực thế mạnh của mỗi nước, phù hợp với nhu cầu phát triển của Việt Nam như công nghệ dược phẩm, logistics.
Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính có ý nghĩa quan trọng; góp phần triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội XIII về “Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế”, Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về “Đẩy mạnh về nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030”, Chỉ thị 15 của Ban Bí thư về “Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030”. Đồng thời, thể hiện tinh thần chủ động, tích cực và đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam trong ASEAN cũng như đối với cộng đồng quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh khu vực và thế giới đang đối mặt với nhiều diễn biến phức tạp, thách thức khó lường như hiện nay.