Sáng nay, 23/9, tại tỉnh Tiền Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khảo sát mô hình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp tại xã Hiệp Đức, xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, thủ phủ trái cây của cả nước.
Cùng đi với Thủ tướng có lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và một số bộ, ngành liên quan, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang.
Đến thăm vườn trồng cây sầu riêng của ông Mai Văn Âu, Thủ tướng đã hỏi thăm tình hình sản xuất, thu nhập cũng như ảnh hưởng của hạn mặn, về việc “nông dân chuyển vụ sản xuất như thế nào, hiệu quả ra sao, có tiếp tục mô hình hay không”.
Ông Mai Văn Âu, chủ của mô hình sản xuất sầu riêng “trái mùa nghịch vụ” chia sẻ, lúc chưa có hạn mặn, cây sầu riêng cho hiệu quả kinh tế cao. Mỗi 1 ha thu hoạch khoảng 20-25 tấn sầu riêng, với giá khoảng 60-70 nghìn đồng/kg thì sau khi trừ chi phí, mỗi hộ lãi khoảng 1,1 tỷ đồng. Ông kiến nghị Nhà nước làm cửa ngăn mặn cho một số tỉnh ĐBSCL, hỗ trợ kinh phí cho huyện Cai Lậy làm kênh nội đồng để tăng lượng trữ nước ngọt, có cơ chế hỗ trợ người dân phục hồi vườn cây suy kiệt. Ông mong muốn cả các cơ chức năng cử cán bộ xuống giúp nông dân sản xuất sầu riêng theo quy trình Vietgap, có thương hiệu, xuất xứ để dáp ứng yêu cầu của đối tác.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, đây là lần thứ hai Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới thăm, làm việc tại Tiền Giang về phòng chống hạn mặn trong vòng 1 năm qua. Thời gian qua, ĐBSCL chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, trong đó có hạn hán, xâm nhập mặn. Sau chuyến kiểm tra của Thủ tướng vào tháng 9/2019, Tiền Giang đã đẩy mạnh công tác chống hạn mặn, đặc biệt là chuyển đổi cây trồng vật nuôi. Đây là tỉnh có diện tích trồng cây ăn quả lớn nhất cả nước, trong đó huyện Cai Lậy có diện tích trồng cây sầu riêng lớn nhất của Tiền Giang. Năm vừa qua, hạn mặn kéo dài tới 5 tháng trong khi các đợt trước chỉ 3 tháng, gây nhiều ảnh hưởng đến sầu riêng.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục đầu tư các công trình kiểm soát mặn, sẽ bàn với tỉnh Tiền Giang để đưa nơi đây trở thành vùng sản xuất sầu riêng đặc trưng của Việt Nam. Năm tới, sẽ tổ chức hội thi sầu riêng ở đây.
Bộ sẽ cử cán bộ kỹ thuật xuống cùng với tỉnh hướng dẫn bà con sản xuất. Bộ trưởng đề nghị bà con không nôn nóng, cần làm theo đúng quy trình kỹ thuật. Nhắc lại câu chuyện Sơn Tinh, Thủy Tinh, “nước dâng đến đây thì núi cao đến đó”, Bộ trưởng cho rằng, phải thích ứng với biến đổi khí hậu để làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Trao đổi với bà con nông dân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao mô hình sản xuất của Cai Lậy, hiện có tới 10.000 ha trồng sầu riêng (cả nước có 22.000 ha sầu riêng), với hiệu quả cao.
Chia sẻ với bà con về khó khăn, thách thức do tác động của biến đổi khí hậu, Thủ tướng bày tỏ, “Đảng, Nhà nước thấu hiểu vấn đề này, chuyển lời thăm hỏi, động viên bà con cố gắng vượt qua khó khăn”.
“Tôi vừa vào thăm vườn sản xuất trái vụ, vừa hiệu quả cao do được giá, đi liền với đó không bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn”, Thủ tướng cho rằng, cần xem xét chuyển đổi mùa vụ phù hợp. Đây là hướng đi cần thiết. Từ kinh nghiệm của hộ nông dân Mai Văn Âu nên chuyển giao cho nhiều hộ khác.
Ghi nhận ý kiến của bà con, Thủ tướng cho rằng, cần có nghiên cứu tầm quốc gia về việc ngăn mặn vào sâu. Trong bối cảnh sắp tới, tình hình xâm nhập mặn sẽ còn nghiêm trọng thì việc tích nước ngọt cũng rất quan trọng. Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các cơ quan liên quan nghiên cứu chính sách hỗ trợ những vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, xâm nhập mặn.
Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước “làm hết sức mình để giảm thiểu thiệt hại hạn mặn”, Thủ tướng mong muốn bà con đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, chiến thắng thiên tai, huyện Cai Lậy anh dũng không thể thua trước thiên nhiên.
Thủ tướng cũng đặt vấn đề về đa dạng hóa các loại cây trồng trước tình hình biến đối khí hậu sâu sắc.
Dự kiến, sau chuyến thị sát thực địa sáng nay, buổi chiều, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có cuộc làm việc với 13 tỉnh ĐBSCL về chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020-2021.