Thú vui nguy hiểm

Tinh Anh 15/12/2021 10:00

“Đến hẹn lại lên”, cứ gần Tết Nguyên đán, số vụ thương tích do tự chế pháo nổ lại gia tăng đáng lo ngại. Những bệnh viện tuyến đầu như Việt Đức, Xanh Pôn... và cả các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện thường xuyên phải tiếp nhận những ca cấp cứu do pháo nổ, với đủ loại thương tích như nát bàn tay, mất ngón chân, dập phổi, mù mắt...

Hiện vẫn có một số người thích được tận hưởng “hương vị” của pháo mỗi dịp Tết đến Xuân về. Với họ, mùi pháo quyện mùi hương trầm và cái tiết trời se lạnh mới ra “hương vị Tết”. Dù vẫn còn một số người lớn tuổi có thói quen đó, song đại đa số đều hiểu việc mua, bán, đốt pháo nổ là hành vi bị cấm nên họ tránh.

Vậy nhưng vẫn còn một bộ phận người dân bất chấp quy định của pháp luật, vẫn cố tình mua, bán, tàng trữ và đốt pháo nổ mỗi dịp Tết đến xuân về.

Câu chuyện ở đây không chỉ là vấn đề vi phạm pháp luật khi mua, bán, vận chuyển, tàng trữ và đốt pháo nổ, mà nguy hại hơn chính là việc có thể xảy ra tai nạn do pháo bất cứ lúc nào. Nhẹ thì cũng bị bỏng mặt, nặng hơn chút là mù mắt, mất ngón tay chân, thậm chí dập nát cả bàn tay do pháo. Một số người còn không giữ được cả tính mạng.

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, vào mỗi dịp cận Tết, số vụ tai nạn do pháo nổ tăng vọt (khoảng trên 40%) so với ngày thường. Đơn cử, chỉ trong vòng 3 ngày (29 tháng Chạp đến mùng 2 tháng giêng) Tết Canh Tý, số người phải nhập viện do pháo tự chế là hơn 321 người, còn trong dịp Tết Tân Sửu, con số cấp cứu do pháo tự chế là 355 ca.

Hầu hết các vụ tai nạn đều để lại di chứng nặng nề về sức khỏe của nạn nhân. Đang lành lặn, chỉ vì thú vui nhất thời, những người thích “chơi” pháo đã trở thành người tàn phế, là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Đáng nói là, nạn nhân bị thương tích do pháo nổ đang dần trẻ hóa, nhiều cháu còn đang ở độ tuổi học sinh, sinh viên đã mất hết tương lai.

Từ năm 1995, Nhà nước đã cấm mọi hành vi mua, bán, vận chuyển, tàng trữ và đốt pháo nổ. Tới nay đã 26 năm thực hiện lệnh cấm sử dụng pháo nổ, nhưng vẫn có không ít người bất chấp quy định của pháp luật, ngang nhiên buôn bán và đốt pháo nổ. Không chỉ mua bán, vận chuyển, một số người còn mua thuốc nổ về nhà tự chế pháo.

Lâu lâu, các phương tiện truyền thông lại đưa tin nơi này hay nơi khác trên cả nước xảy ra những vụ tai nạn do pháo. Thực tế là đã có rất nhiều người phải trả giá bằng sức khỏe, thậm chí tính mạng. Song, có vẻ như nhiều người vẫn chưa lấy đó làm gương và không biết sợ. Đó là lý do tai nạn thương tích do pháo vẫn gia tăng.

Bốc đồng nhất thời để rồi khi phải mang thương tật trên người, nhiều người mới thực sự hối hận, ước rằng mình đừng dại dột khi tự ý sản xuất hay đốt pháo nổ.

Vậy nên, ngay từ bây giờ, khi mà mỗi người còn đang sống khỏe mạnh, lành lặn, thì hãy biết trân trọng mạng sống quý giá của mình. Đừng cố mang sức khỏe, tính mạng của bản thân ra đánh cược với những trò chơi nguy hiểm. Hãy tránh xa các hành vi mua, bán vận chuyển, tàng trữ, sản xuất và đốt pháo nổ, bởi đó là thú vui chết người.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thú vui nguy hiểm