Thừa cân, béo phì đang ngày càng phổ biến trong cuộc sống hiện đại, gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho cơ thể. Thông tin từ Bộ Y tế, béo phì có thể gây ra các vấn đề trầm trọng đến sức khỏe, là thủ phạm gây hơn 200 bệnh như tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường, thoái hóa khớp, gan nhiễm mỡ và nhiều bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư đường tiêu hóa...
Thống kê từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thừa cân và béo phì đã trở thành gánh nặng bệnh tật trên toàn cầu, khi tỷ lệ béo phì trên toàn thế giới đã tăng gần gấp 3 lần kể từ năm 1975, với 1,9 tỷ người lớn (tương ứng 39%). Hiện có khoảng 6,5 triệu người béo phì cần điều trị. Tỷ lệ tử vong liên quan tới béo phì gấp 2 lần tỷ lệ tử vong của ung thư vú và đại trực tràng cộng lại.
GS.TS Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, tình trạng thừa cân, béo phì là thực trạng đang rất đáng lo ngại của y tế Việt Nam. “Khoảng 30 năm trước, chúng ta chưa từng nghĩ phải đối phó với tình trạng này. Hiện nay, Việt Nam chưa có thống kê nào mang tính quốc gia về tỷ lệ thừa cân, béo phì. Tuy nhiên, một số thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy, tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì ở lứa tuổi học đường đang có xu hướng tăng” - ông Giang nói.
Được biết, theo kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc 2019 - 2020 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì ở Việt Nam tăng gấp 2,2 lần, từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020. Tỷ lệ béo phì ở trẻ em nội thành tại TPHCM đã vượt 50%, tại Hà Nội vượt 41%.
Theo các chuyên gia y tế, tình trạng thừa cân kéo dài sẽ gây rối loạn chức năng trong cơ thể diễn tiến thành bệnh. Bệnh tiến triển âm thầm trong một quãng thời gian dài khiến việc điều trị, phục hồi sẽ vô cùng khó khăn và tốn kém. Những bệnh lý phổ biến do thừa cân là: Suy giảm hệ miễn dịch; Bệnh xương khớp; Bệnh tiểu đường; Bệnh lý tim mạch; Bệnh hô hấp; Bệnh tiêu hóa; Vô sinh; Biến chứng béo phì khi mang thai; Đối với trẻ em, thừa cân, béo phì cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao, việc dậy thì của trẻ, đồng thời để lại nhiều nguy cơ mắc bệnh khi trưởng thành…
Lý giải về nguyên nhân tỷ lệ thừa cân, béo phì tăng cao tại nước ta, GS.TS Trần Bình Giang cho rằng, một trong những nguyên nhân chính là do đời sống của người dân tăng lên hơn trước. Mức sống của người Việt Nam bắt đầu tiếp cận với các nước phát triển. Các thực phẩm giàu năng lượng đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn trên bàn ăn. Một nguyên nhân khác, người dân ngày càng ít vận động, tỷ lệ lao động tại văn phòng, ngồi tại chỗ ngày càng tăng lên khiến tiêu hao năng lượng ít hơn năng lượng ăn vào. Năng lượng dư thừa quá nhiều và tích tụ lại trong cơ thể dưới dạng mỡ gây ra thừa cân béo phì.
Đáng nói, dù tỷ lệ người béo phì tăng nhanh đặc biệt là trẻ em và trẻ vị thành niên nhưng nước ta chưa có bất kỳ trung tâm điều trị béo phì chuyên biệt, hoàn chỉnh. Thực tế, người bệnh béo phì đang điều trị tại các khoa như: Nội tiết, tim mạch, ung thư; tại các khoa phẫu thuật tiêu hóa, các khoa/trung tâm dinh dưỡng... Một số người tự điều trị (theo phương pháp truyền miệng, trên mạng hoặc tự mách nhau...) thậm chí không điều trị. Một trong những rào cản lớn của vấn đề này là Việt Nam không có thầy thuốc được điều trị chuyên về béo phì, cùng đó thiếu các chuyên khoa hỗ trợ như dinh dưỡng, tâm lý, cũng như không có sự phối hợp giữa các chuyên khoa...
Các chuyên gia tại Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo người dân, ngoại trừ số ít trường hợp thừa cân, béo phì do bệnh lý (rối loạn chuyển hóa, nội tiết, thần kinh...), còn lại là do sự mất cân bằng giữa lượng năng lượng nạp vào và tiêu thụ. Giảm cân là một quá trình lâu dài chứ không phải ngày một ngày hai. Cho dù dùng bất cứ loại thuốc hay thực phẩm chức năng hỗ trợ nào thì người mắc thừa cân, béo phì cũng cần phải nghiêm túc và kiên trì điều chỉnh lại chế độ ăn uống, luyện tập, cũng như lối sống hàng ngày để có thể kiểm soát cân nặng hiệu quả, bền lâu.
Người dân nên tích cực hoạt động thể lực ít nhất 30 phút mỗi ngày. Có thể chơi một môn thể theo yêu thích nào đó để tạo hứng thú, vừa đốt bớt lượng mỡ thừa vừa rèn luyện thể lực và sức khỏe. Hạn chế tối đa chất béo, tinh bột và đường (ăn lượng ít nhưng không được kiêng hoàn toàn tinh bột). Sử dụng thực phẩm và phương pháp chế biến lành mạnh như luộc, hấp. Uống đủ nước hàng ngày, cung cấp nhiều chất xơ cho cơ thể thông qua rau, củ quả hoặc bổ sung chất xơ hòa tan. Nên có giờ giấc sinh hoạt điều độ và khoa học…