Thừa năm đóng bảo hiểm xã hội nhưng thiếu tuổi nghỉ hưu: Hoán đổi để đảm bảo công bằng

Lê Bảo 08/04/2023 08:30

Số năm đóng bảo hiểm xã hội thừa nhưng tuổi nghỉ hưu tăng lên theo Bộ luật Lao động 2019, dẫn đến nhiều người dù đủ năm đóng nhưng chưa đến tuổi hưu, muốn nghỉ hưu sớm rất thiệt thòi.

Hoán đổi số năm đóng BHXH để về hưu sớm là nguyện vọng của người lao động. Ảnh: Quang Vinh.

Người lao động thiệt thòi

Dù đã có 30 năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) nhưng bà Nguyễn Ngọc Diệp (Hà Nội) mới có 54 tuổi, như vậy để được hưởng mức lương hưu tối đa bà Diệp phải đợi 6 năm nữa. “Làm công việc hành chính tuy không quá vất vả nhưng vì lý do sức khỏe nên tôi rất muốn được về hưu sớm. Thế nhưng theo quy định hiện nay nếu chưa đủ tuổi về hưu sớm mỗi năm sẽ bị trừ 2%. Với mức trừ như này sẽ rất thiệt cho người lao động”, bà Diệp chia sẻ.

Đây không chỉ là tâm tư của bà Diệp mà là chia sẻ của nhiều người lao động. Theo bà Nguyễn Thị Thúy Hà - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Phúc, người lao động đóng BHXH và cách tính mức hưởng ở luật cũ như thế nào thì luật mới nên tính chuyển tiếp, không nên thay đổi quá nhiều.

“Vấn đề được công nhân lao động gửi gắm nhiều năm đến công đoàn là đề xuất cơ quan soạn thảo có thể nghiên cứu chuyển đổi việc thừa năm đóng BHXH và thiếu tuổi nghỉ hưu để bù đắp cho nhau” - bà Hà cho biết.

Theo bà Hà, hiện nay có những người thừa năm đóng BHXH thì được nhận trợ cấp một lần trước khi hưởng lương hưu, nhưng thiếu tuổi vẫn bị trừ tỷ lệ hưởng. Thiếu một năm đóng bảo hiểm xã hội trừ 2%, nhưng thừa một năm đóng được cộng không đáng bao nhiêu so với việc trừ 2% khi thiếu một năm đóng.

“Đây không chỉ là ý kiến riêng của công nhân mà của cả những công chức, viên chức trong cơ quan hành chính sự nghiệp. Nhiều ý kiến cho rằng, có thể bù đắp cho nhau thế nào để những người có thừa năm đóng BHXH nhưng thiếu tuổi nghỉ hưu được hưởng tối đa 75%” - bà Hà kiến nghị.

Hài hòa lợi ích cho người tham gia BHXH

Từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu áp dụng theo quy định tại Bộ luật Lao động năm 2019. Theo quy định, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.

Với đề xuất hoán đổi năm đóng BHXH thừa cho số năm nghỉ hưu còn thiếu, bà Đặng Thị Kim Chung- Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Quảng Ninh cũng cho rằng, trường hợp thừa năm đóng, thiếu tuổi nghỉ hưu rất nhiều, nhất là từ khi tuổi nghỉ hưu tăng lên theo quy định của Bộ luật Lao động 2019.

"Trước đây, nếu lao động nghỉ hưu sớm, mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi chỉ bị giảm 1% tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng. Còn quy định hiện nay, mỗi năm nghỉ hưu sớm bị trừ 2%. Trong khi đó, số năm đóng BHXH lại tăng lên 5 năm, như vậy rất thiệt thòi cho người lao động"- bà Chung lý giải.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thừa nhận, nhiều trường hợp lao động nữ có thời gian tham gia BHXH 30 năm, nam 35 năm được hưởng lương hưu 75%, song lại bị trừ phần trăm lương hưu vì tuổi đời chưa đủ để nghỉ hưu.

Theo ông Quảng, trước đây vấn đề này chưa được đề cập trong các chính sách, nhưng qua thực tiễn lấy ý kiến của người lao động đã thể hiện có những bất cập. “Trong thời gian tới chúng ta sẽ phải đưa ra xem xét, đánh giá bởi đó là nguyện vọng chính đáng của người lao động, để đảm bảo quyền lợi cho họ” - ông Quảng nói.

Trước những ý kiến đề xuất trên, theo ông Nguyễn Duy Cường - Phó vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐTB&XH), đây là những vấn đề mới nảy sinh trong thực tế, trách nhiệm của tổ biên tập sẽ tiếp thu, tổng hợp ý kiến, nghiên cứu đánh giá tổng thể trên nhiều góc độ để hoàn thiện dự thảo luật cho phù hợp.

Cũng theo ông Cường, ngoài đề xuất trên, nhiều ý kiến còn đề nghị nghiên cứu quy định rõ trách nhiệm giải quyết quyền lợi cho NLĐ khi chủ sử dụng lao động bỏ trốn, mất tích, không còn khả năng đóng BHXH; tăng chế tài xử lý doanh nghiệp trốn đóng BHXH; quy định rõ thời điểm nhận trợ cấp thai sản trước khi lao động nữ nghỉ sinh...

Về mức lương hưu hằng tháng, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội đề xuất mức lương hưu hàng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH, tương ứng với thời gian đóng BHXH là 20 năm đối với lao động nam; tương ứng với thời gian đóng BHXH là 15 năm đối với lao động nữ, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%. Trường hợp lao động nam có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm thì mỗi năm đóng BHXH tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu là 2,25%. Trường hợp người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu mà thời gian đóng BHXH tính hưởng lương hưu dưới 15 năm, thì mỗi năm đóng BHXH tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu là 2,25%.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thừa năm đóng bảo hiểm xã hội nhưng thiếu tuổi nghỉ hưu: Hoán đổi để đảm bảo công bằng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO