Thừa Thiên - Huế: Tuyên dương 50 Chủ tịch Mặt trận cấp xã tiêu biểu

Dạ Yến - Hữu Thu 11/11/2015 09:35

Chủ tịch Mặt trận cấp xã là những người gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, gắn với từng tổ dân phố, khu dân cư, với từng số phận con người. Ngày 12/11, Chủ tịch Mặt trận cấp xã tiêu biểu - những người Mặt trận ưu tú tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ hội tụ tại Hội nghị tuyên dương 50 Chủ tịch Mặt trận xã, phường, thị trấn tiêu biểu giai đoạn 2010 – 2015, do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức. 

Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Thừa Thiên - Huế Trần Phùng trao tặng
Bằng khen cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp
trong xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh giai đoạn 2010- 2015.

Để chuẩn bị cho Hội nghị quan trọng này, Ban thường trực UBMTTQ tỉnh Thừa Thiên - Huế đã lên kế hoạch thực hiện từ nhiều tháng trước. Trong bộn bề công việc, ông Trần Phùng, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Thừa Thiên - Huế không giấu được niềm vui.

“Không vui sao được, vì đây là hội nghị tuyên dương những tấm gương điển hình nhất ở cấp xã của Mặt trận Thừa Thiên - Huế. Những người đã đóng góp cho công tác Mặt trận bằng kinh nghiệm sống từ chính cuộc đời họ. Chính họ là những người đã và đang giúp Mặt trận hiện thực hoá chức năng gìn giữ và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở cơ sở. Tuyên dương những con người ưu tú ấy là một cách để chúng tôi tri ân những đóng góp của họ và bản thân chúng tôi có thêm động lực, nỗ lực hoàn thiện mình hơn nữa trong công tác Mặt trận, làm sao để đáp ứng được với lòng mong mỏi của nhân dân”, ông Trần Phùng khẳng định.

Lịch sử 85 năm cũng đã khẳng định nhiệm vụ đầu tiên của Mặt trận là tập hợp đoàn kết nhân dân chung sức đồng lòng để đấu tranh giải phóng dân tộc theo sự lãnh đạo của Đảng. Trong giai đoạn hiện nay, làm thế nào để Mặt trận luôn là hình ảnh tiêu biểu của khối Đại đoàn kết toàn dân tộc. Không chỉ là việc tập hợp sức mạnh nhân dân thông qua các phong trào thi đua yêu nước, mà một bài học đang đặt ra hết sức cấp bách là làm thế nào để Mặt trận biết nhân dân nghĩ gì.

Thấu hiểu điều đó, người Mặt trận ở Thừa Thiên - Huế đang không ngừng đổi mới bản thân, không ngừng đặt ra những trăn trở, chúng ta sẽ tập hợp mọi người Việt Nam yêu nước ngày hôm nay thế nào? Phát huy sức mạnh của mọi tầng lớp nhân dân thế nào? nếu không bắt cùng nhịp sống, bắt cùng nhịp với tư duy thời đại.

Sau 15 năm thực hiện cuộc vận động “ Ngày vì người nghèo” giai đoạn 2000-2015, Thừa Thiên Huế đã tiếp nhận 2.171.664,661triệu đồng ( trong đó có 7.990,16 triệu đồng do UBTƯ MTTQVN chuyển về ). Từ nguồn Qũy “ Vì người nghèo”, toàn tỉnh đã hỗ trợ xây dựng hàng trăm công trình dân sinh; xây dựng, sửa chữa 22.700 ngôi nhà; hỗ trợ vốn sản xuất, trao quà cho học sinh nghèo, hỗ trợ người nghèo khám, chữa bệnh và trợ cấp khi có khó khăn đột xuất, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 17,29% năm 2000 xuống còn 5% năm 2015. 30 tập thể có thành tích xuất sắc thực hiện cuộc vận động và 30 hộ gia đình tiêu biểu vươn lên giảm nghèo giai đoạn 2000-2015 đã được UBMTTQ tỉnh Thừa Thiên - Huế tuyên dương.

5 năm qua, những trăn trở này được Chủ tịch Mặt trận cấp xã ở Thừa Thiên - Huế hiện thực hóa qua việc thực hiện hiệu quả các cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; “Ngày vì người nghèo”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Từ đó, những tấm gương tiêu biểu xuất hiện, những người Mặt trận ưu tú luôn đi đầu trong mọi hoạt động, phong trào. Điển hình là ông Trần Tống, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Vinh Hà (huyện Phú Vang) đã triển khai, tổ chức sinh hoạt khu dân cư vào thứ 3 và thứ 5 hàng tuần nhằm lắng nghe những ý kiến của nhân dân, phản ánh với cấp ủy Đảng, chính quyền giải quyết kịp thời, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh.

Hay như ông Ngô Thảo, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Quảng Phú (huyện Quảng Điền) đã vận động nhân dân đóng góp ngày công, tự nguyện hiến trên 7.000m2 đất, đóng góp hơn 5 tỷ đồng để xây dựng đường giao thông nông thôn, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng công cộng, góp phần xây dựng xã sớm đạt nông thôn mới.

Để giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, Chủ tịch Mặt trận các xã, phường, thị trấn đã thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, giáo dục, cảm hóa người lầm lỗi tại cộng đồng, xây dựng khu dân cư không có tội phạm, đẩy lùi tệ nạn xã hội, đảm bảo an toàn giao thông...

Đó là câu chuyện của bà Lê Thị Bảy Lan, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Hương Xuân (thị xã Hương Trà) đã phối hợp và triển khai tốt dự án 06 về “Tăng cường công tác giáo dục, truyền thông và giám sát đánh giá thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2012-2015”.

Trong vận động nhân dân phát huy quyền làm chủ, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh; thực hiện giám sát và phản biện xã hội có những tấm gương điển hình như ông Trương Văn Tường, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Quảng Thành (huyện Quảng Điền) đã vận động nhân dân thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, cùng Ban giám sát đầu tư của cộng đồng tổ chức giám sát 26 công trình xây dựng trên địa bàn xã, kiến nghị 19 vụ việc, tham gia hòa giải 12 vụ việc về đất đai.

Còn rất nhiều những tấm gương tiêu biểu khác mà chúng tôi không thể kể hết trong phạm vi một bài báo, càng không thể nói hết được những đóng góp thầm lặng của họ với đời sống ở khu dân cư. Họ như những chiếc ăng ten vạn năng lắng nghe, thu thập tiếng nói của mỗi số phận con người trong mọi ngóc ngách đời sống để gửi tới các cấp chính quyền, các cơ quan ban ngành.

Nhờ đó, chính họ đã khơi dậy sức sáng tạo, phát huy nội lực, tăng cường đoàn kết gắn bó từ mỗi gia đình, mỗi cộng đồng dân cư, qua đó góp phần to lớn vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở...

Sau 5 năm (2011 - 2015) tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đến nay Thừa Thiên - Huế đã đạt 1.292 tiêu chí/92 xã xây dựng nông thôn mới, bình quân đạt 14 tiêu chí/xã. Trong đó có 9 xã đạt 19/19 tiêu chí là: Hương Hòa, Hương Giang, Hương Phú, Hương Sơn, Hương Lộc (Nam Đông); Phong Hải, Phong An (Phong Điền); Phú Thượng (Phú Vang); Quảng Phú (Quảng Điền). Thu nhập bình quân khu vực nông thôn toàn tỉnh năm 2014 đạt mức 20,7 triệu đồng, tăng 24% so với năm 2013. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 14,9% năm 2010 xuống còn 6,64% năm 2014. 123 tập thể, cá nhân tiêu biểu đã được Ban thường trực UBMTTQ tỉnh Thừa Thiên - Huế tuyên dương.

Nhiệm kỳ 2014-2019 được xem là một nhiệm kỳ mới- một giai đoạn mới của người làm công tác Mặt trận đầy tự hào nhưng cũng vô cùng thách thức: Đó là giai đoạn Mặt trận tiếp tục khơi dậy lòng yêu nước trong các tầng lớp nhân dân, tập hợp đoàn kết nhân dân làm những việc ích nước, lợi nhà cũng như góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh.

Theo Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Thừa Thiên - Huế Trần Phùng, công tác Mặt trận là công việc cực kỳ quan trọng, để trở thành người Mặt trận không khó nhưng để được như nhân dân mong mỏi thì không hề đơn giản. Cho nên giai đoạn này đòi hỏi mỗi một cán bộ Mặt trận phải làm mới mình để bắt kịp với tinh thần thời đại.

Nhưng không phải ai cũng hiểu được công việc thầm lặng và bền bỉ của họ, đặc biệt là người Mặt trận ở cơ sở như Chủ tịch Mặt trận các xã phường, thị trấn và khu dân cư. Có những đầu việc không tên, những phần việc không có trong danh mục sổ sách, và cả những tháng ngày vận động bền bỉ không một đồng phụ cấp... “Tất cả những điều này đang đòi hỏi cấp uỷ Đảng và chính quyền địa phương cần có một sự ghi nhận xứng đáng cho người Mặt trận”, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thừa Thiên - Huế: Tuyên dương 50 Chủ tịch Mặt trận cấp xã tiêu biểu