Nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội Xuân Quý Mão 2023, các địa phương đều đã có phương án. Đặc biệt là TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Hà Nội tăng cường hàng nghìn lượt xe để giải tỏa khách
Ông Phạm Mạnh Hùng - Giám đốc Công ty cổ phần bến xe Hà Nội cho biết, trước và sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán nhu cầu đi lại sẽ tăng mạnh. Lượng hành khách dự kiến sẽ tập trung cao điểm vào 3 đợt. Đó là đợt trước lễ Ông Công Ông Táo, từ ngày 20-23 tháng Chạp (ngày 11 đến ngày 4/1/2023), chủ yếu là sinh viên, học sinh, người lao động tự do được nghỉ sớm về quê. Đợt hai từ ngày 26 đến ngày 29 tháng Chạp (ngày 17-20/1/2023) đón lượng khách về quê ăn Tết. Đợt ba, sau Tết, từ ngày 5 đến ngày 8 tháng Giêng (ngày 26 đến ngày 29/1/2023) đón lượng khách trở về Hà Nội và lượng khách đi trở lại tại các tỉnh để làm việc.
Để phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách, Công ty đã lên có kế hoạch tăng cường xe cho các bến. Tại bến Giáp Bát, lượt khách bình quân trong kỳ nghỉ lễ sẽ tăng khoảng 200% và ước đạt 12.000 lượt khách/ngày. Trong ngày cao điểm sẽ tăng 300% so với ngày thường và ước đạt 18.000 lượt khách/ngày; lượt xe dự kiến là 950 lượt xe/ngày tăng khoảng 30% so với ngày thường. Khách tăng tập trung chủ yếu các tuyến Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hải phòng.
Tại bến Mỹ Đình, lượt khách bình quân trong kỳ nghỉ lễ sẽ tăng khoảng 200% và ước đạt 12.000 lượt khách/ngày. Trong ngày cao điểm sẽ tăng 300% so với ngày thường và ước đạt 18.000 lượt khách/ngày; lượt xe dự kiến là 900 lượt xe/ngày tăng khoảng 30% so với ngày thường, chủ yếu ở các tuyến đường: Sơn La, Lào Cai, Điện Biên, Cao Bằng, Lai châu, Quảng Ninh, Phú Thọ, Yên Bái.
Tại bến xe Gia Lâm, lượt khách bình quân trong kỳ nghỉ lễ sẽ tăng khoảng 200% và ước đạt 5.000 lượt khách/ngày. Trong ngày cao điểm sẽ tăng 300% so với ngày thường và ước đạt 7.500 lượt khách/ngày; lượt xe dự kiến là 500 lượt xe/ngày tăng khoảng 30% so với ngày thường. Chủ yếu tập trung ở các tuyến như Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Bắc Giang...
Giám đốc bến xe Giáp Bát Nguyễn Hoàng Tùng cho biết, 100% cán bộ, công nhân viên sẽ đi làm trong các ngày lễ để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường. Bến xe cũng đã tăng cường công tác kiểm tra phòng, chống cháy nổ, bố trí nhân lực điều tiết, giải quyết dứt điểm tình trạng phương tiện dừng đỗ trên đường xe xuất bến và cổng bến.
“Đối với các đơn vị vận tải, chúng tôi đã tổ chức ký cam kết không được phép tự ý tăng giá vé, không nhồi nhét khách. Không để phương tiện chạy lòng vòng trong sân để đón khách. Không để tình trạng phương tiện không có hợp đồng, bị đình chỉ, không đủ điều kiện vào bến đón, trả khách” - ông Tùng cho biết.
TPHCM kiểm soát chặt việc nâng giá vé xe
Được dự đoán có lượng hành khách tăng 100% so với ngày thường, Bến xe miền Đông (gồm cũ và mới) đã có kế hoạch phục vụ nhu cầu hành khách. Ngoài cung cấp đủ các chuyến xe, giá vé là điều được nhiều người quan tâm. Đại diện Bến xe miền Đông cho biết hầu hết các chặng xe đều được điều chỉnh tăng giá vé, do thời gian Tết Nguyên đán (gồm 10 ngày trước và 15 ngày sau Tết) chỉ chạy một chiều. Trong đó các chặng ngắn từ TPHCM đi các tỉnh miền Đông (Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Phước, Bình Dương) chỉ tăng tối đa 40% giá vé ngày thường. Các chặng dài hơn, đi Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung sẽ tăng tối đa 60% so với giá vé ngày thường.
Tại bến xe Miền Tây, bến xe lớn thứ 2 ở TPHCM, cũng có kế hoạch phục vụ khách đi lại Tết Nguyên đán 2023 với dự báo sản lượng hành khách đi lại tăng 40% so với cùng kỳ năm 2022, tập trung chủ yếu từ ngày 27, 28 và 29 Tết. Trong đó, cao điểm ngày 28 Tết, lượng khách qua bến có thể đạt tới 41.000 khách/ngày. Để giải tỏa khách những ngày cao điểm, bến xe dự kiến điều động từ 5 - 10 xe buýt tăng cường.
Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM cho biết, thành phố ưu tiên tất cả các phương tiện phục vụ nhu cầu người dân đi lại dịp Tết sắp tới. Ngoài ra, để khắc phục, hạn chế các hiện tượng như chèn ép giá, lợi dụng tăng giá không đúng quy định sở giao thông đề nghị Công an TPHCM chỉ đạo các lực lượng chức năng xây dựng kế hoạch bố trí lực lượng chốt trực điều tiết phân luồng giao thông tại các khu vực điểm nóng, các cửa ngõ thành phố, trong đó có các khu vực là điểm nóng giao thông.
Trong đó các khu vực như sân bay, bến xe, vòng xoay trục cửa ngõ được ưu tiên đảm bảo nhu cầu di chuyển của xe khách dịp Tết Quý Mão 2023. Ngoài ra, sở Giao thông vận tải thành phố cũng tổ chức vận hành nhiều tuyến xe buýt có trợ giá, đặc biệt là xe buýt tới các bến xe, cửa ngõ TPHCM phục vụ nhu cầu người dân dịp cuối năm.
Để hạn chế tối đa tình trạng ùn tắc giao thông trong dịp Tết, từ cuối tháng 12/2022, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã điều chỉnh tổ chức giao thông tại một số khu vực nhằm bảo đảm an toàn và giảm ùn tắc trên địa bàn. Bên cạnh đó, yêu cầu các nhà thầu thi công đến đâu phải phá rào chắn đến đó, mở đường cho người dân đi lại. Trên đường Nguyễn Xiển, nhà thầu đã thu gọn rào chắn khu vực công trường để giảm ùn tắc giao thông. Trên dọc tuyến đường Hồ Tùng Mậu - Xuân Thủy - Cầu Giấy nơi thi công của Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, hai nhà thầu Daelim và Posco cũng đã tháo dỡ những điểm rào chắn chưa thi công hoặc thu hẹp phạm vi rào chắn. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu dừng cấp phép thi công (đào hè, đường) từ ngày 11/1/2023 (20 tháng chạp âm lịch) đến ngày 29/1/2023 (mùng 9 Tết); đồng thời kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thi công thực hiện hoàn trả vỉa hè, đường, đảm bảo thuận lợi giao thông và vệ sinh môi trường trong dịp Tết.