Kinh tế

Thúc đẩy chuyển dịch xanh

Nhóm phóng viên 11/12/2023 08:19

Phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu và mục tiêu hàng đầu mà các quốc gia đều hướng tới. Mục tiêu không chỉ dừng lại ở phát triển kinh tế, đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại, mà còn phải bảo đảm không gây tổn hại đến nhu cầu của các thế hệ tương lai. Việt Nam cũng đã “bước lên chuyến tàu chuyển đổi xanh”, đang chờ lực đẩy để tăng tốc.

anhcover.jpg
Điện gió – một trong những trụ cột quan trọng phát triển xanh, bền vững. Ảnh: L.Anh.

Thông tin tại Diễn đàn quốc gia “Phát triển bền vững Việt Nam 2023: Thúc đẩy chuyển dịch xanh, bao trùm ở Việt Nam”, do Học viện Chính sách và Phát triển phối hợp tổ chức, cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia trong khu vực sớm tiếp cận với các mô hình tăng trưởng xanh. Qua hơn 10 năm triển khai Chiến lược tăng trưởng xanh kể từ năm 2012, đã xuất hiện nhiều hơn các mô hình kinh doanh tuần hoàn, an toàn, văn minh và thân thiện với môi trường.

Hạn chế về kinh nghiệm, vốn và công nghệ

Theo PGS.TS Trần Trọng Nguyên - Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, tới thời điểm này cần có những biện pháp mới mang tính đột phá để thúc đẩy, đưa quá trình chuyển dịch xanh vững vàng vượt qua mọi thách thức, giúp Việt Nam sớm đạt được mục tiêu về phát triển bền vững.

Năm 2015, tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc, 193 quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã cam kết thực hiện và thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Xác định tăng trưởng xanh là chìa khóa của phát triển bền vững, Chính phủ đã ban hành Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Để cụ thể hóa, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; xác định rõ mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế; giảm cường độ phát thải khí nhà kính; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.

Chia sẻ kinh nghiệm, Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski cho rằng, Australia đã chuyển dịch chậm 10 năm. “Đó là quãng thời gian Australia không bao giờ có thể lấy lại. Việt Nam có thể rút kinh nghiệm từ bài học của chúng tôi” - ông Goledzinowski nói.

Còn theo TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) thì động lực chính của các quá trình chuyển đổi kinh tế là khu vực tư nhân, trong đó doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ là "xương sống" của nền kinh tế. Thế nhưng, nhận thức và khả năng thực thi của khối DN này trong chuyển đổi xanh còn là vấn đề nan giải.

Theo nhóm nghiên cứu của Học viện Chính sách và Phát triển, nếu như cộng đồng DN FDI tại Việt Nam sớm đạt được cam kết phát thải bằng 0, thì khối DN trong nước lại gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh do hạn chế về kinh nghiệm, vốn, và công nghệ. Do vậy, còn nhiều DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa “bị bỏ lại phía sau” trong tiến trình thực hiện mục tiêu về phát triển bền vững.

Ở góc độ khác, GS.TS Giang Thanh Long - Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, trong các xu hướng lớn trên toàn cầu và ở Việt Nam (gồm có xanh hóa; số hóa; đô thị hóa; trung lưu hóa và già hóa dân số), luôn có những nhóm dân số yếu thế, có nguy cơ bị gạt ra ngoài lề và phải đối mặt với nhiều rủi ro. Do đó, dù nền kinh tế có đi theo hướng nào, thì việc bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là an sinh thu nhập, phải là trụ cột quan trọng trong tăng trưởng và phát triển bao trùm.

anhbaichinh.jpg
Khu du lịch Điện mặt trời An Hảo (Núi Cấm, An Giang). Ảnh: Mộc Nhiên.

Nắm bắt cơ hội “người đi trước”

Thỏa thuận Xanh châu Âu (EGD) là Chương trình tổng thể và dài hạn của Liên minh châu Âu (EU), được triển khai trên 9 lĩnh vực chính, trong đó có những lĩnh vực mang tính bao trùm trong và ngoài EU, như khí hậu, môi trường và đại dương, nông nghiệp…

Là thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam, EU thực hiện Thỏa thuận Xanh cũng sẽ ảnh hưởng tới một bộ phận đáng kể xuất khẩu của Việt Nam. Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các nhóm sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ chịu tác động mạnh nhất từ quá trình chuyển đổi xanh ở thị trường EU, bao gồm: Sản phẩm điện, điện tử, công nghệ thông tin, máy móc thiết bị, linh kiện liên quan; nông sản, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ; thực phẩm các loại; dệt may, giày dép…

Đáng chú ý là chiến lược “Từ trang trại đến bàn ăn” với các định hướng quan trọng về giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng và dù lượng tối đa cho phép đối với các chất trong nông sản thực phẩm; giảm lượng thuốc kháng sinh được phép sử dụng trên động vật và dù lượng trong các loại thịt, thủy sản; tăng cường các yêu cầu xanh về thiết kế, chất liệu các loại bao bì đóng gói thực phẩm; điều chỉnh cách thức ghi nhãn, vị trí nhãn, tăng cường các thông tin phải cung cấp cho người tiêu dùng về các đặc tính xanh của sản phẩm; thay đổi các yêu cầu về cách thức nuôi nhốt, vận chuyển, giết mổ vật nuôi...

Theo VCCI, riêng về dệt may, EU đã và đang là thị trường xuất khẩu quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Tuy nhiên, dệt may cũng lại đứng trong tốp đầu các ngành làm suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu. Do đó dệt may phải thực sự chuyển mình để đáp ứng đòi hỏi của EU.

“So sánh với nhiều lĩnh vực khác, các chính sách xanh của EU đối với nông sản, thực phẩm và dệt may được đánh giá là phức tạp và thách thức hơn đáng kể” - TS Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, VCCI nhận xét.

Đó là thách thức, tuy nhiên từ góc độ thị trường thì đây cũng chính là áp lực để DN có thể đi trước một bước, tiếp cận sớm thị trường các sản phẩm xanh. Không những thế, việc từng DN tham gia chuyển đổi xanh sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy tiến trình chuyển đổi xanh trong nội bộ nền kinh tế, từ đó đóng góp có ý nghĩa vào sự phát triển bền vững.

Cần có sự chuẩn bị, đầu tư và hành động từ sớm, từ xa, nhất là nắm bắt cơ hội là “người đi trước” trong phát triển xanh, đó không chỉ là khẩu hiệu mà là động lực để cộng đồng DN có sự chuyển biến mạnh mẽ, hòa vào dòng chảy chung trên phạm vi thế giới.

Doanh nghiệp xuất khẩu cần chú trọng “tính xanh”

Để không bị loại khỏi cuộc chơi bởi các tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội do các thị trường nhập khẩu đặt ra, ý kiến của giới chuyên gia cho rằng xuất khẩu của Việt Nam cần thay đổi tư duy, quan tâm tới “tính xanh” của chuỗi cung ứng và “tính xanh” trong thương mại quốc tế.

Theo ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) trên phạm vi toàn cầu, tiêu dùng xanh, tiêu dùng sạch đã là xu hướng. Nếu như trước đây tiêu dùng xanh chỉ được nhìn thấy ở phân khúc cao cấp, thì nay đã phổ biến trên mọi phân khúc, mọi thị trường đối với hàng hoá nhập khẩu.

Ông Bartosz Cieleszynski (Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam) cho biết, các FTA thế hệ mới có tiềm năng lớn để thúc đẩy thương mại xanh và hỗ trợ toàn diện các mục tiêu bền vững. Thương mại đối với công nghệ xanh và các sản phẩm bền vững đã trở thành xu hướng phổ biến ở các nước phát triển.

“Xuất khẩu xanh - hay chính xác hơn là việc xuất khẩu các sản phẩm carbon thấp hoặc sản phẩm môi trường là con đường đầy hứa hẹn cho các quốc gia mong muốn tách rời tăng trưởng kinh tế khỏi nạn suy thoái môi trường” – ông Cieleszynski nhấn mạnh.

Riêng ở lĩnh vực ngành hàng cụ thể, ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhận định, chuyển đổi xanh là xu hướng tất yếu nhưng hiện còn quá nhiều khó khăn cho DN theo đuổi mục tiêu xanh. Đặc biết, DN quy mô nhỏ hoặc ít kinh nghiệm trong xuất khẩu thuỷ sản vẫn e ngại chuyển đổi sang chiến lược xuất khẩu xanh.

Tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Pháp (tháng 7/2023) với chủ đề “Hướng tới phát triển xanh và bền vững”, chia sẻ về nền kinh tế tuần hoàn và khử carbon trong các ngành công nghiệp, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicholas Warnery cho biết, Chính phủ Pháp yêu cầu DN kéo dài tuổi thọ của các sản phẩm giảm tác động tới môi trường: bắt buộc sản phẩm điện và điện tử tiêu dùng phải có khả năng sửa chữa, tạo thuận lợi cho việc sửa chữa sản phẩm với các phụ tùng thay thế sẵn có... Pháp cũng đã giảm 10% chất thải sinh hoạt và chất thải tương đương cho mỗi cá nhân vào năm 2020, giảm chất thải phát sinh từ các hoạt động kinh tế trên một đơn vị giá trị sản xuất, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng và công trình công cộng so với năm 2010. Đổi mới sáng tạo toàn diện trong thiết kế sản phẩm, tăng cường tái sử dụng, tái chế đối với sản phẩm hữu cơ đến 55% vào năm 2020 và 65% vào năm 2025 đối với chất thải không độc hại, đặc biệt là thiết bị điện và điện tử, dệt may và đồ nội thất...

Để bảo đảm “tính xanh” của chuỗi cung ứng và “tính xanh” trong thương mại quốc tế, việc tìm hiểu thị trường là hết sức cần thiết. Từ áp lực chuyển đổi sẽ biến thành nỗ lực chuyển đổi xanh. Điều đó không chỉ là chiến lược quốc gia mà còn là sự vận động tự thân của từng DN, nếu như không muốn bị gạt ra khỏi cuộc đua.

Phát biểu tại hội thảo "Nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN dệt may trên lộ trình tăng trưởng xanh", bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Trưởng Văn phòng Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho biết hiện nay Việt Nam đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA) với 53 quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi để DN mở rộng thị trường và tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, các FTA thế hệ mới cũng đặt ra thách thức khi yêu cầu về tăng trưởng xanh ngày càng khắt khe. Hơn 80% DN vừa và nhỏ thiếu vốn đầu tư chuyển đổi sản xuất xanh, nhiều quy định (như chứng chỉ LEED, thẩm định chuỗi cung ứng, truy xuất nguồn gốc) và yêu cầu phức tạp về thiết kế sinh thái khiến nhiều DN còn chần chừ khi thực hiện chuyển đổi. Còn theo Phó Giám đốc VCCI chi nhánh TPHCM Nguyễn Hữu Nam thì đã đến lúc các DN cần chủ động đón đầu làn sóng chuyển đổi xanh để tiến xa hơn trên chuỗi cung ứng toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thúc đẩy chuyển dịch xanh