Kinh tế

Thúc đẩy tiềm năng xuất khẩu thủy sản

Khanh Lê 06/12/2024 09:14

Về cơ hội cho thủy sản Việt Nam trong tháng cuối năm, nhiều chuyên gia cho rằng, do nhu cầu tăng cao nên lượng tồn kho của các nhà nhập khẩu giảm, các doanh nghiệp bước vào chu kỳ nhập hàng mới, cùng với đó là làn sóng dịch chuyển các đơn hàng từ thị trường thế giới… sẽ giúp thúc đẩy tiềm năng xuất khẩu của toàn ngành.

ảnh trên
Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu. Ảnh: Quang Vinh.

Tăng tốc về đích

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sau khi đạt mức đỉnh 1 tỷ USD trong tháng 10, xuất khẩu thủy sản tháng 11 tuy chững lại nhưng vẫn đạt con số ấn tượng, với giá trị đạt 924 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế đến cuối tháng 11, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt gần 9,2 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm trước.

Về thị trường, Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) đã vượt lên dẫn đầu trong các thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam, với mức tăng trưởng 61% trong tháng 11, nâng tổng kim ngạch lũy kế lên hơn 1,7 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường Mỹ cũng ghi nhận sự tăng trưởng tích cực 21% trong tháng 11, đạt 1,67 tỷ USD sau 11 tháng và dự báo sẽ tiếp tục khả quan trong tháng cuối năm trước khi chính quyền Mỹ có thể áp dụng các mức thuế mới. Mặc dù thị trường Nhật Bản, EU và Hàn Quốc không có sự bứt phá lớn trong tháng 11, nhưng vẫn đóng góp đáng kể vào tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản.

VASEP nhận định, năm 2024 đang chứng kiến đà tăng trưởng mạnh mẽ trong xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, khi xuất khẩu tiếp tục đạt được những thành tựu ấn tượng, không chỉ về giá trị mà còn về sự đa dạng và ổn định của các thị trường và sản phẩm xuất khẩu. Trong đó, “làn sóng” đơn hàng từ một số thị trường lớn và nhu cầu tiêu thụ tăng cao trong những tháng tới sẽ là động lực thúc đẩy xuất khẩu thủy sản cuối năm tăng tốc.

Là 2 sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam, hàng năm kim ngạch xuất khẩu tôm chiếm khoảng trên 40%, cá tra chiếm hơn 20% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Do đó, để cá tra đạt chất lượng theo tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu, giữ vững thị trường, ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, khâu đầu tiên yêu cầu phải có nguồn giống sạch bệnh, đạt tiêu chuẩn chất lượng. Những công nghệ mới nhất cần được ứng dụng vào ngành hàng cá tra, trong đó, giống chất lượng cao là khâu then chốt, yếu tố quyết định để ngành hàng cá tra phát triển bền vững.

Chuyển dịch sang sản xuất xanh

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng nguồn giống, xu hướng nuôi trồng và chế biến thủy sản giảm phát thải khí nhà kính cũng sẽ giúp doanh nghiệp (DN) đảm bảo các chỉ tiêu môi trường phù hợp các chứng nhận quốc tế.

Theo VASEP, việc chuyển dịch theo hướng xanh, sản xuất tuần hoàn là xu thế của nhiều DN ngành thủy sản nhằm đáp ứng tốt hơn những đòi hỏi từ quy định, luật lệ, tiêu chuẩn về môi trường. Tuy nhiên, việc theo đuổi chiến lược xuất khẩu xanh không phải ngay lập tức giúp DN đạt được hiệu suất tài chính tốt, mà cần thời gian để DN tạo dựng và phát triển được lợi thế cạnh tranh. Khi DN đã đạt được lợi thế cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu thì lúc đó mới đạt được hiệu suất tài chính.

Xu hướng nuôi trồng và chế biển thủy sản giảm phát thải khí nhà kính, đang giúp các DN đảm bảo các chỉ tiêu môi trường phù hợp các chứng nhận quốc tế. Nhiều công ty thủy sản lớn như: Skretting Việt Nam, De Heus, Minh Phú, Thăng Long, Việt Nam Food (VNF)… đang đầu tư nghiên cứu và phát triển hướng tới nuôi trồng thủy sản giảm phát thải ròng.

Theo ông Nguyễn Thanh Mỹ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Rynan Technologies, việc ứng dụng công nghệ số vào quản lý chuỗi giá trị thủy sản giúp quản lý hiệu quả hơn các nguồn lực, giảm thiểu thất thoát và nâng cao chất lượng sản phẩm. Các công nghệ như IoT, blockchain và AI có thể giúp giám sát và dự đoán các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường nuôi, từ đó điều chỉnh kịp thời để giảm tác động tiêu cực lên môi trường.

Mặc dù chuyển đổi sang kinh tế xanh mang lại nhiều lợi ích, song quá trình này cũng đối mặt với không ít thách thức. Đầu tiên là chi phí chuyển đổi cao và sự hạn chế về công nghệ hiện đại trong ngành thủy sản. Nhiều hộ nông dân và DN nhỏ gặp khó khăn khi áp dụng công nghệ mới do thiếu vốn và kiến thức.

Theo các chuyên gia, việc nắm bắt cơ hội chuyển đổi xanh và phát triển bền vững không chỉ giúp Việt Nam đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế mà còn góp phần nâng cao vị thế quốc gia, đóng góp vào các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu. Phát triển xanh, bền vững là con đường ngắn nhất để các ngành sản xuất có thể gia tăng giá trị xuất khẩu, bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi giá trị. Đây là bước đi chiến lược để Việt Nam củng cố vị thế trong chuỗi giá trị quốc tế, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, giảm tác động tiêu cực đến môi trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của cả nền kinh tế.

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng trưởng 11,5% so với năm 2023 và đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển xuất khẩu của ngành này. Trong đó, tôm và cá tra sẽ tiếp tục là hai trụ cột chính đóng góp vào thành công của ngành thủy sản, với tôm dự báo đạt 4 tỷ USD và cá tra có thể cán mốc 2 tỷ USD.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thúc đẩy tiềm năng xuất khẩu thủy sản