Thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên nền tảng số

Minh Phương 12/06/2021 07:58

Với mục tiêu hỗ trợ đầu ra cho nguồn vải thiều Bắc Giang, không chỉ các sàn thương mại điện tử vào cuộc, mà các siêu thị lớn như VinMart,  BigC/Go, Foodmap… cùng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng đã triển khai Chương trình “Chung tay ủng hộ vải Bắc Giang” trên nền tảng số.

Mùa vải ở Bắc Giang.

Tiết giảm chi phí logistics

Từ đầu vụ vải đến nay, cả xã hội chứng kiến sự vào cuộc mạnh mẽ của các sàn thương mại điện tử như Lazada, Sendo, Tiki, Shopee, Voso, Postmart trong việc hợp tác với các địa phương tiêu thụ vải thiều. Số liệu của Bộ Công thương cho biết, tính đến thời điểm này, bất chấp dịch bệnh, toàn tỉnh Bắc Giang đã tiêu thụ hơn 55.000 tấn vải, giá bình quân 12.000-32.000 đồng/kg tại thị trường trong nước và giá 58.000 đồng/kg đối với vải xuất khẩu sang Nhật Bản.

Đáng chú ý, không chỉ các sàn thương mại điện tử vào cuộc, thời gian qua, các siêu thị lớn như VinMart, BigC,Go! Foodmap... cũng đã cùng đồng lòng triển khai chương trình “Chung tay ủng hộ vải Bắc Giang” trên nền tảng số. Theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế, đây là năm đầu tiên có sự kết hợp như vậy trong phương thức phân phối sản phẩm vải thiểu của Bắc Giang.

Trước đây các nhà bán hàng trên sàn thương mại điện tử có thể chủ động nguồn hàng tận gốc hoặc nhập qua doanh nghiệp (DN) đầu mối, tuy nhiên cả hai phương thức đều phải chịu chi phí lớn về logistics hoặc phí cho lợi nhuận của DN đầu mối.

Trong khi đó, các siêu thị thường tập trung vào phương thức phân phối truyền thống với năng lực phân phối quy mô lớn của hệ thống siêu thị, nguồn hàng và logistics được vận hành tốt từ trước là một lợi thế lớn của hệ thống các siêu thị.

Trong bối cảnh dịch bệnh, việc hạn chế tiếp xúc giữa bên mua và bên bán khiến cho các kênh siêu thị đã suy giảm đáng kể lượng khách hàng. Bản thân khách hàng cũng rất e dè khi đến các kênh trực tuyến để mua sắm.

Chính vì vậy, việc cùng các sàn thương mại điện tử lớn đẩy mạnh phân phối online được các siêu thị lựa chọn thực hiện mục tiêu kép. “Sự kết hợp giữa siêu thị truyền thống và nhà bán hàng trực tuyến thực sự mang lại nhiều lợi ích cho các bên bán và người tiêu dùng. Hệ thống siêu thị có thể tận dụng được năng lực vận hành thương mại điện tử cũng như tập khách hàng rộng của nhà bán hàng trực tuyến, trong khi đó các nhà bán hàng trực tuyến có thể giảm được chi phí logistics đồng thời mở rộng được phạm vi các tỉnh thành có khả năng phân phối, và tăng được lượng hàng hóa bán ra” – ông Bùi Huy Hoàng - Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết đồng thời nhấn mạnh, với mô hình này, thực sự hai bên đã tận dụng được những lợi thế của nhau để cùng bắt tay tạo ra lợi thế trong phân phối sản phẩm vải thiều”.

Phát triển thị trường thương mại điện tử

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc kết nối tiêu thụ nông sản trên môi trường trực tuyến được đánh giá là một trong những giải pháp hiệu quả, là cánh tay nối dài bên cạnh phương thức phân phối truyền thống, từ đó giúp bà con nông dân mở rộng thị trường tiêu thụ khắp 63 tỉnh thành, tận dụng lợi thế của công nghệ, kết hợp phát triển thị trường thương mại điện tử.

Bộ Công thương cho biết, từ ngày 8/6 đến hết tháng 7/2021, vải thiều Bắc Giang chính thức lên sàn Lazada thông qua 2 gian hàng chính hãng của VinMart, FoodMap cùng với nhiều ưu đãi về giá bán và phí vận chuyển. Toàn bộ nguồn hàng được thu mua, bảo quản, đóng gói theo quy trình nghiêm ngặt tại kho hàng của VinMart và FoodMap, đảm bảo tối đa hương vị tươi ngon của loại trái cây đặc sản này.

Theo đại diện Lazada, số lượng vải được khách hàng “order” trên kênh trực tuyến, chỉ sau 4h khách hàng sẽ nhận được sản phẩm mình cần. Tương tự, với sàn thương mại điện tử Kiti, khách hàng cả nước có thể dễ dàng mua sắm và ủng hộ vải thiều Bắc Giang thông qua gian hàng của BigC, Go!

Đại diện Bộ Công thương cho biết, riêng với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, các đơn hàng vải thiều sẽ được áp dụng giao nhanh trong ngày. Dự kiến, lượng vải thiều tiêu thụ trong chiến dịch này sẽ lên đến 16 tấn. Đây sẽ là một hướng đi mới góp phần không nhỏ vào cuộc chuyển giao công nghệ và phân phối hiện đại trong lĩnh vực nông nghiệp, giúp các hợp tác xã có những giải pháp bền vững và lâu dài đối với bài toán tiêu thụ hàng hoá nói chung và nông sản nói riêng của DN địa phương.

Sự đồng hành của các sàn thương mại điện tử và các hệ thống siêu thị cùng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số trong Chương trình “Chung tay ủng hộ vải Bắc Giang” đã giúp bà con, các hợp tác xã nhanh chóng tiếp cận với các hoạt động chuyển đổi số, dần hoàn thiện phương thức kinh doanh, phân phối đa kênh, đồng thời đảm bảo an toàn mua sắm trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên nền tảng số