Sáu tháng đầu năm nhờ quyết liệt triển khai các giải pháp, cả nước đã có 64,6 triệu người tham gia BHYT, tăng 2,7 triệu người. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu BHYT toàn dân rất cần sự linh hoạt trong việc triển khai chính sách cũng như sự quyết tâm chung tay của toàn xã hội.
Người DTTS luôn là đối tượng cần được ưu tiên của chính sách BHYT
Ảnh: Hồng Kiều
Tăng 2,7 triệu người tham gia BHYT
Theo Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh, tính đến ngày 31-5-2015, cả nước đã có 64,6 triệu người tham gia BHYT, tăng 2,7 triệu người, tương đương 4,4 % so với cùng kỳ năm trước, đạt tỷ lệ bao phủ 71,4% dân số. Đáng chú ý là, nhóm đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình đã có sự gia tăng theo hướng tích cực. Năm 2015, ngành BHXH đã tổ chức ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với 2.089 cơ sở y tế, đồng thời, phối hợp chặt chẽ với ngành y tế để tổ chức KCB một cách thuận tiện nhất cho người bệnh BHYT. Ngoài ra thực hiện rà soát các TTHC với cơ sở KCB để từ đó giảm thiểu các TTHC đối với người bệnh tham gia BHYT. Quyền lợi của người tham gia BHYT được đảm bảo theo đúng quy định, những thay đổi cơ bản theo hướng mở rộng, nâng cao quyền lợi và đảm bảo sự công bằng trong thụ hưởng quyền lợi của chính sách BHYT đã được người dân hưởng ứng, tạo dư luận tích cực trong xã hội để tăng cường tính hấp dẫn của chính sách BHYT. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, đã có gần 60 triệu lượt bệnh nhân khám chữa bệnh theo chế độ BHYT với tổng số tiền được chi trả từ quỹ BHYT là gần 20 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong thực tiễn, công tác triển khai thi hành Luật BHYT vẫn còn có những khó khăn, vướng mắc như: nhiều tỉnh/thành phố chưa đưa chỉ tiêu phát triển đối tượng và tỷ lệ bao phủ BHYT là một trong những chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHYT tại các doanh nghiệp vẫn diễn ra khá phổ biến và kéo dài qua nhiều năm. Theo thống kê, có khoảng 49% số người trong các doanh nghiệp không tham gia BHYT nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp để giải quyết có hiệu quả.
Đáng chú ý một số xã, huyện được đưa ra khỏi danh sách vùng kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 1049/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Dân tộc nên đối tượng này giảm do không được ngân sách nhà nước mua BHYT. Ngoài ra theo lộ trình xóa đói, giảm nghèo hằng năm các tỉnh phấn đấu giảm 2% người thuộc hộ cận nghèo, do đó số người không thuộc hộ cận nghèo không được ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% mức đóng sẽ không tham gia BHYT. Nhiều địa phương chưa có cơ chế hỗ trợ 30% mức đóng còn lại cho hộ gia đình cận nghèo tham gia BHYT.
Theo bà Nguyễn Thị Minh, hầu hết là những người có thu nhập không ổn định hoặc phụ thuộc về tài chính, sẽ gặp nhiều khó khăn khi tham gia BHYT nếu không có cơ chế hỗ trợ thích hợp và hiệu quả. Tỉ lệ bao phủ BHYT các địa phương không đồng đều, nhiều tỉnh, thành phố có tỷ lệ tham gia BHYT thấp hơn mức bình quân chung của cả nước. Do đó, để hoàn thành mục tiêu phấn đấu 75% dân số có BHYT trong năm 2015, chúng ta còn phải phát triển khoảng trên 3,2 triệu người (tương đương 3,6% dân số cả nước).
Linh hoạt sửa đổi hướng tới BHYT toàn dân
Việc thực hiện BHYT toàn dân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, hướng đến người bệnh được khám chữa bệnh, được hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao nhất. Quy định bắt buộc mua BHYT hộ gia đình thực chất là để khắc phục tình trạng “lựa chọn ngược” (chỉ những người có bệnh mới mua BHYT- PV) mà người khỏe mạnh cũng phải có trách nhiệm tham gia; đồng thời, đẩy mạnh việc tham gia BHYT trong toàn dân chứ không phải là để hạn chế việc tham gia BHYT của người dân. Thực tế những khó khăn trong thời điểm giao thời thực hiện quy định mới là khó tránh khỏi, song nếu chúng ta không linh động, mềm mỏng, không đặt quyền lợi người dân lên trên thì không thể thực hiện BHYT theo hộ gia đình. Từ đó cũng không thể nào thực hiện được BHYT toàn dân.
Theo ông Thế Viên - Giám đốc Sở Y tế Bắc Giang, việc quy định : Tổng kinh phí khám bệnh, chữa bệnh tại Trạm y tế xã tối thiểu bằng 10% và tối đa không vượt quá 20% của quỹ khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú tính trên số thẻ BHYT đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại Trạm y tế xã. Quy định như vậy sẽ không phù hợp với thực tế trong việc chi trả chế độ BHYT cho bệnh nhân cùng các hoạt động khám, chữa bệnh và các dịch vụ kỹ thuật khác.Do đó, Bộ Y tế nên điều chỉnh mức phí khám, chữa bệnh tại các Trạm y tế cấp xã quy định tại Thông tư số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24-11-2014.
Trước những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai BHYT toàn dân, phát biểu tại Hội nghị sơ kết thực hiện chính sách BHYT 6 tháng đầu năm 2015 mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: “Chỉ tiêu 75% dân số tham gia BHYT là mức tối thiểu các địa phương phải đạt được”.