Giáo dục

Thực phẩm bẩn quanh trường học

Lam Nhi 08/04/2024 08:16

Liên tiếp các ca ngộ độc thực phẩm do ăn đồ ăn, kẹo lạ quanh khu vực cổng trường học được ghi nhận tuần qua.

anhbaitren(1).jpg
Học sinh dễ dàng mua đồ ăn vặt ngay trước cổng trường. Ảnh: Khắc Trí.

Nỗi lo an toàn vệ sinh thực phẩm

Ngày 5/4, nhiều học sinh (HS) ăn sáng trước một cổng trường trên địa bàn TP Nha Trang gồm các món cơm gà xé, bánh mì hamburger gà, bánh mì que. Sau khi vào lớp, các em có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, sau đó đã được đưa đi cấp cứu.

Cùng ngày, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng xác nhận có vụ việc 30 HS cấp 2 phải nhập viện kiểm tra sức khỏe sau khi ăn kẹo lạ mua ở trước cổng trường vì có biểu hiện đau đầu, đau bụng, buồn nôn. Bước đầu xác định các em không bị ngộ độc thực phẩm thông thường. Các em có triệu chứng bệnh hysteria ở thể nhẹ: mệt mỏi, hụt hơi, khó thở, đau nhức. Bệnh lý thường được thể hiện bằng rối loạn vận động, rối loạn cảm giác, rối loạn giác quan và rối loạn tâm thần. Hiện cơ quan chức năng đã lấy mẫu kẹo để kiểm tra và có văn bản báo cáo cơ quan chức năng cấp trên đề nghị xác minh.

Trước đó, ngày 3/4, 19 HS ở Vĩnh Long bị ngộ độc phải đi cấp cứu do mua “bom hôi” (Fart bomb, có nguồn gốc nước ngoài) từ bên ngoài vào sân trường chơi. Đây là một chất cấm, tuy nhiên vẫn được HS mua bán dễ dàng trước cổng trường.

Ngày 20/3, một số HS lớp 3, 4 ở Trà Cú, tỉnh Trà Vinh mua 11 quả bóng nổ, còn được gọi là bóng thối. Các em mang số bóng này vào lớp, dùng tay tác động mạnh cho quả bóng phình to để chơi dẫn đến phát nổ. Đến khoảng 7 giờ, giáo viên của trường vào lớp phát hiện 21 HS có biểu hiện nôn ói, nhức đầu nên đưa các em đi cấp cứu.

Còn nhớ thời điểm cuối tháng 12/2023, nhiều HS ở Hà Nội đã phải nhập viện kiểm tra sức khỏe khi ăn những loại kẹo có chữ nước ngoài in trên bao bì. Ngay sau đó, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội đã chỉ đạo lãnh đạo Phòng GDĐT 30 quận, huyện, thị xã và các đơn vị, trường học trực thuộc yêu cầu tăng cường quản lý, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học. Các trường học sau đó đều phát thông báo, gửi tin nhắn đến toàn thể cha mẹ HS ở các lớp để cảnh báo về loại kẹo lạ nói riêng cũng như cần chú ý đến các thực phẩm, đồ ăn, đồ chơi không rõ nguồn gốc quanh khu vực cổng trường để nhắc nhở con em mình, đảm bảo sức khỏe.

Dẫu vậy, hiện nay nhiều gia đình không cho con ăn sáng tại nhà mà đưa con đến trước cổng trường mua đồ ăn hoặc cho con tiền tự ăn sáng. Khi có tiền trong tay, một số em ăn suất ít hơn còn lại để dành mua quà bánh, đồ chơi. Những hàng quán mọc lên nhan nhản và nhiều người bán hàng rong, xe đẩy dạo quanh các khu vực cổng trường là hình ảnh thường thấy xuất hiện ở hầu hết các trường học hiện nay.

Siết chặt quản lý

Trước nỗi lo về an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn sức khỏe của HS, ngành giáo dục các địa phương đã có nhiều văn bản gửi tới phòng GDĐT, các trường học trên các địa bàn chỉ đạo phối hợp với chính quyền địa phương trong việc nhắc nhở, cấm bán hàng rong trước cổng trường; quản lý tốt HS giờ ra chơi. Đồng thời tuyên truyền tới phụ huynh, HS các kiến thức về lựa chọn thực phẩm an toàn, nhận biết và thông tin tới nhà trường và các cơ quan quản lý về hành vi kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, không xuất xứ, không rõ hạn sử dụng.

Tuy nhiên, để quản lý tốt các điều kiện về an toàn thực phẩm loại hình trên, đảm bảo sức khỏe cho HS, đòi hỏi không chỉ ngành giáo dục mà còn là cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng. Trong đó, phòng Y tế, phòng Kinh tế, Quản lý thị trường… cần phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra, đôn đốc các hộ bán hàng rong chấp hành các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt yêu cầu không được bán đồ ăn vặt và các thực phẩm khác không rõ nguồn gốc, không xuất xứ, không rõ hạn sử dụng; việc bày bán phải đảm bảo không có sự xâm nhập của khói bụi, côn trùng, động vật gây hại..., không gây mất an toàn giao thông, an ninh trật tự. Cùng với đó, thường xuyên kiểm tra, giám sát các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm của các hộ kinh doanh hàng rong thực phẩm trước cổng trường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, để hạn chế thấp nhất việc HS sử dụng đồ ăn vặt kém chất lượng trước cổng trường, các lực lượng chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra và xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, nhà trường, giáo viên và gia đình cũng cần phối hợp trong việc tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho HS về những nguy hại khi sử dụng đồ ăn vặt không rõ nguồn gốc, xuất xứ trước cổng trường nhằm bảo vệ sức khỏe của chính mình.

HS cần được hướng dẫn để các em hiểu biết về an toàn vệ sinh thực phẩm, không mua những đồ ăn vặt, đồ chơi độc hại thay vào đó, các em cần sử dụng những loại thực phẩm có nhãn mác, được quản lý theo tiêu chuẩn chất lượng, thương hiệu rõ ràng. Chính các bậc phụ huynh không nên dễ dãi cho các em mang theo tiền đến lớp sẽ hạn chế được nguy cơ mua đồ ăn vặt không rõ nguồn gốc bày bán trước cổng trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thực phẩm bẩn quanh trường học