Đây là ý kiến của các đại biểu tại hội thảo “Thúc đẩy cách tiếp cận tổng thể nhằm thực thi hiệu quả Luật Phòng chống tác hại thuốc lá” do Viện Nghiên cứu lập pháp - Quốc hội, Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD), tổ chức Điều phối Liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) phối hợp tổ chức mới đây tại Hà Nội.
TS. Trần Tuấn - Trưởng ban Điều phối Liên minh NCDs-VN cho hay, Việt Nam là quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề của nạn dịch thuốc lá: 15 triệu người thường xuyên sử dụng thuốc lá; thuốc lá cướp đi mạng sống của khoảng 40.000 người mỗi năm. Năm 2011, chi phí trực tiếp cho khám chữa bệnh và chi phí gián tiếp do thuốc lá của 5 loại trong tổng số 25 loại bệnh có liên quan đến thuốc lá chiếm hơn 24 ngàn tỷ đồng. Trong khi đó, thuế và giá thuốc lá ở Việt Nam vẫn rất rẻ, khiến hành vi hút thuốc được xã hội chấp nhận rộng rãi.
Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam phải chi 31.000 tỷ đồng/năm cho việc mua thuốc lá. Ngoài ra, tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất sức lao động vì đau ốm và tử vong sớm của 5 nhóm bệnh trong số 25 bệnh do hút thuốc lá gây ra như ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa, hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ là hơn 23.000 tỷ đồng/năm.
BS Nguyễn Trọng An - Phó Giám đốc Trung tâm RTCCD cho biết: Hút thuốc lá thụ động làm tăng nguy cơ ung thư phổi ở người không hút thuốc. Ngoài ra, hút thuốc lá thụ động là một nguyên nhân làm tăng 25 - 30% nguy cơ mắc bệnh và chết do bệnh mạch vành ở cả nam và nữ… Bên cạnh đó, nguy cơ sảy thai ở phụ nữ hút thuốc cao gấp 3 lần so với phụ nữ không hút thuốc, và là một nguyên nhân làm thai chết lưu và làm giảm cân nặng trẻ sơ sinh từ 200 - 400g.
Để phòng chống tác hại thuốc lá, Việt Nam đã ban hành hành lang pháp lý khá đầy đủ đơn cử như: Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (có hiệu lực từ năm 2013) đã quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng. Tại Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 14/11/2013 hay Nghị định 155/2016/NĐ-CP ban hành ngày 18/11/2016 (có hiệu lực từ ngày 1/2/2017) cũng đã quy định cụ thể các mức xử phạt hành chính với hành vi vi phạm hút thuốc lá tại nơi công cộng. Mặc dù vậy, việc triển khai gặp không ít thách thức, nhiều quy định vẫn nằm trên giấy, điển hình là đến nay vẫn chưa phạt được hành vi hút thuốc lá nơi công cộng dù cơ chế đã có.
Theo BS Nguyễn Trọng An, chúng ta khẳng định ngành công nghiệp thuốc lá có đóng góp về ngân sách nhưng không thể so sánh được với hậu quả ngành thuốc lá để lại khi có hàng triệu người chết và bị bệnh do các sản phẩm thuốc lá. Do đó, Chính phủ cần lựa chọn ưu tiên các chính sách về sức khỏe, giảm sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật. Đây là lựa chọn cho lợi ích lâu dài và là lựa chọn của hầu hết các quốc gia trên thế giới tham gia Công ước quốc tế.