Thuế thương mại điện tử: Kiểm soát chặt các nguồn thu

H.Hương 02/11/2023 07:08

Thời gian gần đây đã có nhiều nỗ lực trong việc thu thuế hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) và kinh tế số. Tuy nhiên, vấn đề thu thuế với TMĐT và kinh tế số còn gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có những giải pháp quyết liệt và hiệu quả hơn.

Thương mại điện tử phát triển đi cùng nhiều hành vi trốn thuế. Ảnh: Minh Anh.

Vô vàn cách “né” thuế

Theo quy định, cá nhân, hộ kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên phải nộp thuế theo tỷ lệ thuế đối với từng ngành nghề trên tổng doanh thu. Bởi bán hàng online là hoạt động phân phối, cung cấp hàng hóa nên tỷ lệ thuế giá trị gia tăng cho hoạt động này là 1%, tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân là 0,5%. Đối với những người làm trên nền tảng YouTube, Facebook, Google có thu nhập sẽ nộp mức thuế là 7% trên thu nhập (bao gồm 5% thuế giá trị gia tăng, 2% thuế thu nhập cá nhân).

Như vậy, dù là kinh doanh online thông qua các sàn TMĐT hay trên trang cá nhân theo hình thức thu cod (thanh toán khi nhận hàng) thì cá nhân, đơn vị kinh doanh đều phải thực hiện nộp thuế theo quy định của pháp luật.

Vậy nhưng thời gian gần đây, đã xuất hiện nhiều thủ thuật để “né” thuế. Người bán hàng có dấu hiệu làm giảm doanh thu để giảm số thuế phải nộp. Cụ thể, chủ gian hàng tự đăng đơn ảo (tự đặt hàng, giao hàng cho mình và người thân) để tăng lượt tương tác nhằm cạnh tranh hút khách và nhận đánh giá gian hàng nhiều sao. Hay người bán hàng trên sàn TMĐT hạ giá sập sàn để cạnh tranh... nên doanh thu không phản ánh đúng thực tế kinh doanh, lợi nhuận thấp.

Đã có trường hợp, một người bán hàng trên sàn TMĐT năm gần nhất đạt doanh thu khoảng 10 tỷ đồng, lũy kế 3 năm, doanh thu lên tới 40 tỷ đồng nhưng chưa kê khai, đăng ký thuế. Theo tính toán của cơ quan chức năng, số thuế bị truy thu lên tới 600 triệu đồng khi thu thuế giá trị gia tăng là 1% và tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân là 0,5% tính trên doanh thu. Khoản tiền này còn chưa tính tiền phạt vì đăng ký thuế chậm, xuất hóa đơn sai thời điểm, chậm nộp thuế cộng thêm các tình tiết tăng nặng nếu có.

Bà Tạ Thị Phương Lan - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) chia sẻ, cơ quan thuế gặp khó để quản lý đầy đủ các nguồn thu và các đối tượng kinh doanh không biên giới, không giới hạn về không gian, thời gian...

Đơn cử, Công ty cổ phần Cooky có số lượt giao dịch trong quý IV/2022 là 40.247 lượt trong khi quý I/2023 là hơn 9,034 tỷ lượt, chênh lệch lớn bất thường, gấp 225 lần số lượt giao dịch trong quý IV/2022. Sau khi rà soát, cơ quan thuế nhận thấy, Công ty Cooky khi gửi thông tin đến cơ quan thuế đã nhầm lẫn gửi con số lên đến hơn 9 tỷ giao dịch.

Đây là lỗi do phía sàn cung cấp thông tin không chính xác, dẫn đến dữ liệu của cơ quan thuế không đúng. Do đó, cơ quan thuế thông báo cho các sàn để điều chỉnh lại thông tin, bắt đầu từ quý sau, dữ liệu gửi sẽ phải chính xác. Như vậy, theo tính toán của Tổng cục Thuế, sau khi trừ đi số liệu kê khai không chính xác của Công ty Cooky, số lượt giao dịch qua các sàn TMĐT quý I/2023 chỉ còn khoảng 47 triệu lượt.

Phối hợp liên bộ để kết nối, chia sẻ dữ liệu

Đại diện Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh cho biết, trong thời gian qua, thông tin các sàn TMĐT cung cấp vẫn chưa đầy đủ. Nguyên nhân là do trong một thời gian dài họ chưa phải thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin cho cơ quan thuế và cơ quan quản lý nhà nước khác thường xuyên, liên tục, dẫn đến việc lưu giữ thông tin chưa tốt. Trường hợp các sàn cung cấp thông tin không đúng và thậm chí dẫn đến tiếp tay cho tổ chức, cá nhân trên sàn trốn thuế thì họ sẽ liên đới chịu trách nhiệm.

Các sàn TMĐT đều phải có trách nhiệm lưu giữ thông tin của các cá nhân kinh doanh trên sàn. Ngoài việc phải phối hợp với cơ quan thuế trong quản lý thu thuế, thì họ còn phải có trách nhiệm trong quản lý tiêu dùng, tránh hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Vì vậy, trách nhiệm của sàn TMĐT rất lớn trong việc cung cấp thông tin, lưu giữ thông tin cho cơ quan thuế và cơ quan quản lý nhà nước khác. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ phối hợp Bộ Công thương đưa ra những giải pháp nhằm chấn chỉnh các sàn TMĐT.

Mới đây trong một văn bản trả lời cử tri TPHCM, Bộ Tài chính cho rằng cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong các hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm liên quan đến TMĐT, xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu dùng chung giữa các lực lượng thực thi pháp luật. Bên cạnh đó, rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước được giao nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đối với hoạt động TMĐT, đảm bảo thống nhất, phù hợp với yêu cầu của chuyển đổi số quốc gia.

"Hiện nay, Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước để xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai việc kết nối, chia sẻ dữ liệu đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị 18/CT-TTg" – đại diện Bộ Tài chính cho biết.

Để đảm bảo thu đúng, thu đủ thuế TMĐT, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn (Giám đốc Hãng luật TGS) cho rằng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, hoàn thiện quy định pháp luật về thuế; tăng trách nhiệm của chủ sở hữu sàn TMĐT trong kê khai, nộp thuế thay cho người bán hàng. Cùng với đó, rà soát, cập nhật thông tin của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên sàn đầy đủ chi tiết để có thể áp chế tài khi các đơn vị này không thực hiện đúng thỏa thuận như đã cam kết về thuế, phí khi tham gia sàn TMĐT.

Mặt khác, cần áp dụng hình thức thanh toán thông qua tài khoản ngân hàng nhằm kiểm soát dòng tiền giao dịch, là tiền đề cho xã hội số hóa, không sử dụng tiền mặt trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thuế thương mại điện tử: Kiểm soát chặt các nguồn thu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO