Việc tổ chức các Liên hoan phim (LHP) quốc tế không chỉ là quảng bá du lịch, ngoại giao văn hóa mà còn là dịp đón nhận những “tinh hoa” của nền điện ảnh thế giới. Tuy nhiên, để xây dựng được thương hiệu cho điện ảnh Việt Nam thông qua các LHP vẫn còn đó một hành trình đầy chông gai.
Tìm cơ hội trên sân nhà
Trong những năm qua, bên cạnh những giải thưởng truyền thông như Cánh diều vàng, Bông sen vàng, Mai vàng, Ngôi sao xanh… điện ảnh Việt Nam đang mở rộng “sân chơi” với các cuộc thi như LHP quốc tế Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… Mới đây nhất LHP châu Á Đà Nẵng. Thông qua các LHP quốc tế được tổ chức tại Việt Nam đã trở thành “cánh tay nối dài” giúp công nghiệp điện ảnh trong nước có cơ hội tiệm cận hơn với tư duy, cách làm phim của thế giới.
Theo thống kê của Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), mỗi kỳ LHP đều đón trên dưới 1.000 đại biểu tham dự. Số lượng khán giả xem phim và số rạp tham gia chiếu giới thiệu phim trong LHP đều tăng. Số khán giả trực tiếp xem phim và giao lưu với nghệ sĩ điện ảnh đạt từ 3.000 đến hơn 12.000 lượt người. LHP có vai trò rất lớn trong phát triển nền điện ảnh, là “chấ xúc tác” cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và quảng bá hình ảnh quốc gia, dân tộc.
Dù mới lần thứ 2 được tổ chức LHP Châu Á Đà Nẵng (DANAFF II) cũng đang định vị được thương hiệu của mình với hướng đi ngày một chuyên nghiệp. Mới đây, LHP quốc tế TP Hồ Chí Minh (HIFF) lần thứ nhất cũng đã quy tụ gần 200 nhà làm phim, đạo diễn, diễn viên từ nhiều nơi trên thế giới. Không chỉ là một sự kiện điện ảnh lớn, mang đến cơ hội giao lưu, học hỏi cho những người làm nghề, HIFF còn mở ra hy vọng xây dựng một LHP tên tuổi, uy tín tại Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam Ngô Phương Lan, việc tổ chức các LHP quốc tế là hoạt động kéo điện ảnh hội nhập với thế giới một cách nhanh nhất. Cùng lúc, chúng ta có thể mời nhiều bạn bè, những nhà làm phim, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực điện ảnh của thế giới. Chúng ta cũng có cơ hội cọ xát, học hỏi đồng nghiệp quốc tế, trao đổi để hiểu tầm quan trọng và xu hướng phát triển công nghiệp điện ảnh như thế nào. Có thể nói LHP như là nhịp cầu đưa điện ảnh Việt ra với thế giới, đưa điện ảnh thế giới đến với Việt Nam.
Nhiều kỳ vọng
Có thể nói, việc đăng cai tổ chức các LHP quốc tế chính là dịp ghi nhận và tôn vinh những thành tích, nơi những người làm nghề nhìn lại và sẻ chia những cơ hội, nơi khán giả được giao lưu gặp gỡ với nghệ sĩ mà mình yêu thích, nơi tiếp thị các sản phẩm, dịch vụ điện ảnh... Tuy nhiên, để xây dựng được thương hiệu cho điện ảnh Việt Nam thông qua các LHP thì vẫn còn nhiều việc phải làm.
Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Nguyễn Thị Thu Hà cũng nhận định, hầu hết LHP chưa có sự đổi mới về cách thức tổ chức và chưa có kế hoạch đổi mới nhằm phù hợp với cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật cũng như đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của tình hình thực tế. Việc LHP tổ chức tại nhiều địa điểm cũng chưa phát huy được hết các hiệu quả cho địa phương nhằm quảng bá hình ảnh và thu hút khách du lịch, kích thích phát triển cơ sở hạ tầng và kinh tế…
Đồng quan điểm, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn cho rằng, điểm yếu trong việc tổ chức LHP chính là việc quảng bá. “Một số bạn bè quốc tế cho biết, về LHP quốc tế Hà Nội họ hầu như không có thông tin nên không tham dự. Đó là một điều đáng tiếc” – ông Tuấn nói.
Các chuyên gia cho rằng điện ảnh Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng kinh nghiệm thành công của quốc tế để tạo dựng thương hiệu LHP tầm cỡ, tạo sức bật mới cho ngành điện ảnh. Tuy nhiên, để làm được việc này đòi hỏi sự chung tay của các nhà quản lý, các địa phương.
Theo TS Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, Luật Điện ảnh sửa đổi đã được thông qua tháng 6/2022 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển công nghiệp điện ảnh. Luật cũng xác định điện ảnh là một ngành công nghiệp, một ngành kinh tế. Khung pháp lý đã có nhưng theo bà Lan, để hiện thực hóa vào đời sống cần những cơ chế, chính sách cụ thể và phù hợp để phát huy hết năng lực sáng tạo của các nhà làm phim, thu hút nguồn đầu tư trong và ngoài nước cho điện ảnh, khuyến khích hợp tác công tư trong sản xuất, phát hành phim, để phát triển thị trường điện ảnh.