Thụy Điển - thiên đường mới của người nhập cư

11/07/2017 10:00

Một bảng xếp hạng quốc gia tốt nhất dành cho những người nhập cư đã đặt Thụy Điển lên vị trí hàng đầu, tiếp sau đó là Canada, Thụy Sỹ, Australia và Đức. Mỹ, một quốc gia được thành lập phần lớn là nhờ vào làn sóng người nhập cư đổ về, lại chỉ đứng ở vị trí thứ 7.

Thụy Điển đứng đầu xếp hạng các nước có chính sách ưu đãi người nhập cư. (Nguồn: AFP).

Hai hãng tin US News và World Report của Mỹ, bên đứng ra thực hiện bảng xếp hạng trên, cho hay, họ đã đưa ra đánh giá trên dựa vào các tiêu chí như sự bình ổn của nền kinh tế, bình đẳng thu nhập và các thị trường công ăn việc làm đồng thời thực hiện cả một bản nghiên cứu dư luận đặc biệt được thực hiện trên 21.000 lãnh đạo doanh nghiệp cũng như các thành viên cộng đồng.

Các tác giả của bản nghiên cứu này còn cho hay, họ sử dụng cả dữ liệu lấy từ Ngân hàng Thế giới (WB) và LHQ liên quan tới vấn đề người nhập cư ở nhiều quốc gia khác nhau, cũng như nghiên cứu số lượng những người nhập cư bị gửi trả về nước.

Được biết dự án nghiên cứu về người nhập cư này chỉ là một phần trong một bảng xếp hạng lớn hơn do US News và World Report công bố hồi năm ngoái, trong đó quyết định xem đâu là quốc gia “tốt nhất” thế giới dựa trên một hệ thống đánh giá tương đương với bảng xếp hạng các trường đại học, bệnh viện và xe hơi tốt nhất thế giới của họ.

Eric Gertler, đồng Chủ tịch của tờ US News và New York Daily, nói rằng việc đánh giá xếp hạng các nước tốt nhất trên thế giới dành cho người nhập cư đã cho họ thấy rằng có rất nhiều người xem vấn đề nhập cư là vấn đề quan trọng hàng đầu của thế giới.

“Trong bối cảnh mà người dân toàn thế giới đang chú ý tới vấn đề nhập cư ở Mỹ và nhiều nước khác, chúng tôi muốn đi sâu vào các lợi ích và thách thức đối với một quốc gia khi phải tiếp nhận dòng người nhập cư” - ông Gertler nói.

Đặc biệt hơn, vấn đề người nhập cư ở Thụy Điển mới đây đã trở thành một chủ đề tranh luận rộng rãi bất thường ở nước Mỹ trong năm nay, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nói trong một sự kiện tổ chức tháng 2 vừa qua rằng, người nhập cư đã dẫn tới nhiều vấn đề ở Thụy Điển, và rằng quốc gia này nên được xem là một ví dụ điển hình để Mỹ cấm cửa người nhập cư.

“Họ đã tiếp nhận một số lượng lớn người nhập cư và giờ họ đang có vô số vấn đề mà họ chưa từng nghĩ tới” - Tổng thống Trump nói trong một tuyên bố làm dấy lên sự bất bình từ phía Thụy Điển.

Trong vài năm trở lại đây, Thụy Điển đã trở thành một điểm đến lý tưởng cho người di cư đến từ châu Phi và Trung Đông. Thụy Điển tiếp nhận nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác ở khu vực châu Âu trong thời kỳ đỉnh điểm của khủng hoảng di cư năm 2015.

Dù bảng xếp hạng của US News và World Report không được thực hiện để đào sâu vào các vấn đề chính sách nhập cư hay tị nạn của Thụy Điển, nhưng nó vẫn đưa ra một số biện pháp khắc chế tình trạng tiếp nhận ồ ạt người tị nạn.

“Dù phương pháp của chúng tôi không tập trung đặc biệt vào người tị nạn, nhưng nó có đề cập tới các chính sách nhập cư và các biện pháp hội nhập cho người nhập cư” - Deidre McPhillips, nhà báo thuộc nhóm thực hiện bảng xếp hạng của US News, nhận định - “Mục đích của chúng tôi với bảng xếp hạng này là tập trung vào các khía cạnh kinh tế của vấn đề nhập cư và ảnh hưởng mà nó có thể gây ra đối với một quốc gia”.

Tuy nhiên, Thụy Điển không phải quốc gia Bắc Âu duy nhất có chính sách cởi mở đối với người nhập cư, mà một số quốc gia khác trong khu vực này như Na Uy, Phần Lan và Đan Mạch cũng nằm trong top 10 của bảng xếp hạng này, phần lớn nhờ vào đánh giá tích cực về nền kinh tế, bình đẳng thu nhập từ phía cộng đồng người dân.

Các quốc gia khác đang nắm giữ các vị trí cao trong bảng xếp hạng, như Canada và Thụy Sỹ, cũng được đánh giá là “thiên đường” đối với người nhập cư, không chỉ nhờ vào nền kinh tế phát triển mà còn nhờ các biện pháp hội nhập hết sức hiệu quả dành cho cộng đồng người di cư - ví dụ như các khóa học tiếng bản địa.

Trong khi đó, dù đang áp dụng một phần lệnh cấm nhập cảnh đối với người di cư đến từ Trung Đông, nhưng Mỹ vẫn đứng ở vị trí thứ 7 của bảng xếp hạng này. US News cho hay Mỹ tụt hạng là do tình trạng bất bình đẳng thu nhập.

Nước Anh thậm chí còn đứng ở vị trí thấp hơn - thứ 17 - trong bảng xếp hạng này dù có nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ. Điều này được cho là do chính sách nhập cư của nước này không hề cởi mở, và chính phủ chỉ tập trung vào lợi ích của công dân Anh, trong khi ít để ý tới lợi ích của cộng đồng nhập cư. Chính sách này của Anh cũng giống như một số quốc gia khác như Arab Saudi và Myanmar.

Xét tổng thể, các quốc gia thuộc khu vực châu Âu và Bắc Mỹ vẫn được xếp hạng cao nhất, dù một số nước ở châu Âu - đáng chú ý nhất là Serbia (xếp hạng 68) và Cộng hòa Séc (50) - có xếp hạng rất thấp.

Quốc gia có thứ hạng cao nhất ở khu vực Trung Đông chính là Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) khi đứng ở vị trí thứ 15, trong khi quốc gia châu Á có thứ hạng cao nhất là Singapore (18). Brazil là quốc gia có thứ hạng cao nhất ở khu vực Nam Mỹ (32) và Nam Phi là quốc gia có vị trí cao nhất ở châu Phi (45).

Xét trên tổng bảng xếp hạng gồm 80 quốc gia này thì Kenya hiện là nước đứng cuối bảng, trước đó là Guatemala và Tunisia.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thụy Điển - thiên đường mới của người nhập cư