Thủy sản vào thị trường EAEU: Lợi nhưng chưa thuận

Duy Phương 20/08/2015 10:15

Sau 2 năm đàm phán, Việt Nam và Liên minh kinh tế Á Âu (EAEU) đã chính thức ký kết Hiệp định thương mại vào cuối tháng 5 vừa qua. Theo giới chuyên gia, Hiệp định có hiệu lực, đồng nghĩa với việc các sản phẩm thủy sản vào thị trường này đều được áp dụng mức thuế suất 0%. Đây là cơ hội lớn cho các DN thủy sản. Tuy nhiên, theo phản ánh của Vasep, nhiều quy định của thị trường này “chẳng giống ai” nên đang gây ra những trở ngại lớn cho các DN.


Lợi thì có lợi…

Theo đánh giá của Bộ Công thương, Việt Nam trở thành đối tác ký Hiệp định thương mại tự do đầu tiên với Liên minh kinh tế Á – Âu (EAEU) gồm các nước: Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan, mở ra những cơ hội lớn cho các DN trong nước. Đây là Hiệp định khá toàn diện, bao quát rất nhiều lĩnh vực: Chất lượng hoá thương mại, sở hữu trí tuệ… “Bước chân vào khu vực kinh tế này, các ngành như dệt may, da giày, thủy sản… đảm bảo được tất cả các lợi ích, vì trước đó, hai bên cũng đã có một quá trình khá dài để đàm phán, đi đến quyết định thống nhất tập trung vào những nhóm hàng thật sự có lợi cho cả hai phía” – lãnh đạo Bộ Công thương đánh giá.

Một trong những ngành hưởng lợi nhiều từ FTA Việt Nam – EAEU phải kể đến ngành thủy sản. Theo báo cáo của Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công thương), mặt hàng thuỷ sản và thuỷ sản chế biến, EAEU mở cửa có lộ trình với 95% tổng số dòng thuế, tối đa trong 10 năm (trong đó hơn 71% dòng thuế được xoá bỏ hoàn toàn ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 100% tổng kim ngạch xuất khẩu trung bình trong 3 năm từ 2010-2012 của Việt Nam vào EAEU), 5% dòng thuế còn lại là các mặt hàng Việt Nam không có thế mạnh xuất khẩu.

Tuy nhiên, tại buổi tọa đàm “FTA Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á-Âu: Để doanh nghiệp chủ động nắm bắt cơ hội” do Cổng Thông tin Chính phủ tổ chức hôm qua (19-8), ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (Vasep) cho hay, mặc dù có những cơ hội lớn, song các DN xuất khẩu thủy sản vẫn đang gặp phải những rắc rối cần phải được sớm giải tỏa, nếu không sẽ bị tuột mất nhiều cơ hội.

Cụ thể, theo ông Nam, bên cạnh những quy định về quy tắc xuất xứ, EAEU còn đặt ra những yêu cầu rất khắt khe về kiểm dịch và kiểm tra an toàn thực phẩm. Hầu hết các mặt hàng thủy sản được hưởng quy tắc xuất xứ linh hoạt, song nguyên liệu chế biến phải có nguồn gốc nội địa.

Riêng mặt hàng tôm và cá ngừ, do phụ thuộc nhập khẩu nên EAEU cho phép sử dụng nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất và chế biến, song vẫn phải đáp ứng yêu cầu hàm lượng nội địa từ 40% trở lên.

Cánh cửa đã mở, nhưng DN thủy sản vào EAEU vẫn khó.

… Vẫn khó chen chân

EAEU không những là thị trường rất khó tính khi đưa ra những quy định khắc nghiệt về kiểm dịch, hơn thế, những yêu cầu về an toàn thực phẩm còn thiếu sự minh bạch, nên cho dù nhiều DN thủy sản đã rất nỗ lực để có thể đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn của phía đối tác nhưng vẫn rất chật vật khi muốn bước chân vào thị trường này. Phó Tổng Thư ký Vasep cho hay, hiện số DN được chấp nhận xuất khẩu sang thị trường này chiếm tỷ lệ khá nhỏ so với nhu cầu doanh nghiệp đăng ký với Bộ NN&PTNT. Trong số 400 DN đăng ký, mới chỉ có 30 DN được chấp nhận xuất khẩu sang thị trường Nga.

Với con số khá khiêm tốn như vậy, có thể thấy, cánh cửa khu vực kinh tế Á – Âu, mặc dù đã rộng mở nhưng các DN xuất khẩu thủy sản vẫn khó chen chân được vào thị trường này. “Chúng tôi vẫn luôn xác định đây là thị trường tiềm năng lớn, các mặt hàng thủy sản của ta hầu như không có đối thủ cạnh tranh trực tiếp nên các DN xuất khẩu thủy sản có nhiều lợi thế. Duy chỉ có “điểm nghẽn” liên quan đến vấn đề kiểm dịch, an toàn thực phẩm và cả khâu phê duyệt danh sách các DN được phép xuất khẩu, tôi mong là những điểm nghẽn đó cần sớm được “khơi thông” để tạo cơ hội cho các DN khi thời cơ đến” – Phó Tổng Thư ký Vasep nêu quan điểm.

Ông Dương Hoàng Minh - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công thương) cho hay, biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) và hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) là vấn đề mà Bộ Công thương cũng như các hiệp hội ngành hàng có sự quan tâm rất lớn khi đàm phán thời gian qua. Trong tất cả các cuộc đàm phán, phía chúng ta đã phối hợp, làm việc với phía Nga cũng như Liên minh Kinh tế Á-Âu làm sao có giải pháp tăng cường thúc đẩy xuất khẩu thủy sản. Tuy nhiên, có một vấn đề là, các DN Việt Nam đã quen xuất khẩu sang thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản…

Ở các thị trường này, mặc dù những quy định liên quan đến vấn đề kiểm dịch, an toàn thực phẩm khá nghiêm ngặt, song đó là những quy định mà các DN Việt Nam đã làm quen và đáp ứng được lâu nay. Trong khi đó, những quy định về vấn đề này tại thị trường EAEU lại có nhiều điểm hoàn toàn khác biệt nên gây khó khăn cho thủy sản Việt.

Trước khó khăn nói trên, ông Minh cho hay, hai bên vẫn đang tiếp tục đàm phán để có thể tạo môi trường minh bạch, thông thoáng hơn cho các DN xuất khẩu thủy sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thủy sản vào thị trường EAEU: Lợi nhưng chưa thuận

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO