Trong số các lớp đầu cấp, tuyển sinh vào lớp 6 và lớp 10 luôn là cuộc đua khốc liệt, nhất là ở các nhóm trường chuyên, trường hot ở Hà Nội.
Trường chuyên tỉ lệ chọi 1/15
Theo thống kê thí sinh đăng ký dự thi lớp 10 Trường THPT chuyên Ngoại ngữ (Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội) năm 2022, trường nhận được tổng 3.973 hồ sơ, cao hơn năm ngoái 500 hồ sơ. Xét theo từng lớp chuyên, tiếng Anh áp đảo với 2.012 thí sinh đăng ký.
Trong khi đó, lớp tiếng Pháp nhận được 379 hồ sơ nhưng chỉ tuyển 25 học sinh. Tỷ lệ chọi do đó lên tới 1/15,2, tức trong 15 học sinh, chỉ một em được chọn. Tiếng Hàn và Trung cũng là hai lớp có tỷ lệ chọi trên 10, các lớp tiếng Đức, Nhật, Nga dao động 9,8-7,8.
Năm ngoái, mức cạnh tranh vào trường THPT chuyên Ngoại ngữ thấp hơn, dao động 1/8,2 đến 1/13,9, trong đó lớp chuyên tiếng Nga cao nhất.
Lâu nay, tuyển sinh đầu cấp ở Hà Nội luôn là cuộc chạy đua khốc liệt. Không riêng thi vào lớp 10, tuyển sinh vào lớp 1, lớp 6 cũng căng thẳng không kém, nhất là các nhóm các trường hot, trường có tiếng của Hà Nội. Với khối lớp 6, một số trường chuyên, trường hot cũng có tỉ lệ chọi lên đến 1/20, hoặc 1/30.
Năm nay, nhiều trường ngoài công lập hot ở Hà Nội thông báo tuyển sinh sớm. Theo tìm hiểu, nhiều trường sử dụng hình thức tuyển sinh kết hợp xét tuyển và đánh giá năng lực, tư duy về số học, ngôn ngữ, các kỹ năng cần đạt khác.
Chỉ tiêu tuyển sinh của Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh năm học 2022 - 2023 tăng lên 360 chỉ tiêu/cơ sở (năm ngoái 280 chỉ tiêu/cơ sở). Trường tuyển sinh lớp 6 bằng phương thức xét tuyển học bạ lớp 1-5 và kiểm tra đánh giá năng lực đầu vào.
Riêng học bạ, trường không yêu cầu học sinh phải đạt 5 năm “Hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện”, mà chấm điểm học bạ theo kết quả học tập từng năm. Trong đó, chủ yếu vẫn là kết quả bài kiểm tra, đánh giá năng lực 3 môn Toán, tiếng Việt, tiếng Anh.
Mỗi bài kiểm tra dự kiến học sinh thực hiện trong 60 phút với nội dung chủ yếu trong chương trình, sách giáo khoa lớp 5.
Tương tự, Trường Marie Curie Hà Nội cũng tuyển sinh lớp 6 kết hợp xét tuyển và kiểm tra đánh giá năng lực cho cả 2 cơ sở.
Cụ thể, nhà trường xét tuyển đối với học sinh lớp 5 của trường và kiểm tra, đánh giá kiến thức đối với học sinh các trường khác có nguyện vọng đăng ký bằng hai bài trắc nghiệm khách quan gồm Toán với 40 câu hỏi (thời gian làm bài 60 phút), Tiếng Anh với 60 câu hỏi (60 phút). Dự kiến, học sinh dự kiểm tra đánh giá năng lực Toán và Tiếng Anh vào ngày 19/6.
Cha mẹ cần làm gì?
Áp lực cạnh tranh lớn kéo theo đó là cuộc chạy đua rốt ráo tìm các lớp học thêm cho con với kỳ vọng con “chắc chân” vào những trường tốp đầu. Càng sát thời gian tuyển sinh, cuộc chạy đua lại càng “nóng”.
Trên các diễn đàn hiện nay, nhiều phụ huynh tham gia chủ yếu để tìm kiếm các bộ đề minh họa đánh giá năng lực của các trường, thông tin về các thầy cô dạy thêm các môn Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh giỏi, uy tín hay chia sẻ kinh nghiệm ôn luyện cho con
Tham khảo thông tin trên các diễn đàn này cho thấy, nhiều phụ huynh không tiếc tiền bạc đầu tư cho con luyện thi từ khá sớm, thậm chí có không ít người cho con học thêm để luyện thi ngay từ năm học lớp 4, thậm chí lớp 2, lớp 3.
Với nhiều học sinh, khi hoàn thành bài kiểm tra cuối học kỳ II, các em sẽ được xả hơi, có nhiều thời gian thư giãn hơn, nhưng con gái chị Nguyễn Hoài Phương (quận Ba Đình, Hà Nội) lại ngược lại. Con chị Phương học lớp 5, Trường Tiểu học Chu Văn An (quận Tây Hồ).
Nguyện vọng con lên lớp 6 được học hệ song bằng Trường THCS Chu Văn An nên với hai mẹ con chị Phương, đây là giai đoạn nước rút.
Chị Phương cho biết: “Do xác định mục tiêu muộn nên lớp 5 cháu mới bắt đầu luyện thi, trong khi nhiều bạn học từ rất sớm. Thế nên, thời điểm này, lịch học thêm của con tương đối dày. Tôi phải sắp xếp công việc để có thời gian đưa đón con học thêm. Tôi hi vọng con đạt được kết quả như mong muốn”.
Để con có một suất được học ở các trường tốp đầu, không ít phụ huynh xoay xở bằng nhiều cách để đáp ứng những điều kiện khắt khe mà các trường đưa ra. Thời gian gần đây, hiện tượng học bạ toàn điểm 10 của học sinh tiểu học khiến nhiều giáo viên, chuyên gia ái ngại.
Kinh nghiệm nhiều năm dạy lớp 5, cô Lê Thị L. , một giáo viên trên địa bàn quận Tây Hồ cho rằng, để đạt được học bạ toàn điểm 10 kèm theo các giải thưởng từ các cuộc thi đối với học sinh rất khó. Các con sẽ vô cùng áp lực khi phải học thêm quá nhiều và từ rất sớm. Cá nhân cô không ủng hộ việc này.
Ông Nguyễn Đình Sơn, chuyên gia tâm lý tuổi vị thành niên, Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, một bộ phận phụ huynh có con chuẩn bị vào các lớp đầu cấp thường ấn định lựa chọn của mình vào một số trường có tiếng nên dẫn đến tình trạng quá tải trong tuyển sinh đầu vào.
Qua kinh nghiệm tư vấn của ông Sơn, nhiều cha mẹ đặt nhiều kỳ vọng vào con cái, khiến áp lực học hành nặng nề hoặc dẫn đến tình trạng con học lệch.
Vì vậy, ông Sơn đưa ra lời khuyên: “Các bậc phụ huynh cần cân nhắc rằng ngoài việc học tập, con còn có phát triển nhân cách, thói quen tốt vào tiểu học và phát triển những hành vi có trách nhiệm và biết chịu trách nhiệm với bản thân và cộng đồng khi vào bậc THCS. Vậy cha mẹ cần xem cách nhà trường đó sẽ đồng hành với con mình thế nào để đảm bảo đầu ra một ngôi trường thân thiện, hạnh phúc giúp con mỗi ngày đến trường là một niềm vui”.
Về tuyển sinh đầu cấp, Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, năm học 2022-2023, toàn ngành phấn đấu huy động ít nhất 50% trẻ em độ tuổi nhà trẻ, 100% trẻ em độ tuổi mẫu giáo ra lớp; 100% trẻ 6 tuổi đủ sức khỏe vào lớp 1 và 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6.
Chủ trương được quán triệt trong toàn ngành đối với việc tuyển sinh là bảo đảm chính xác, minh bạch, công bằng, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi nhất cho cha mẹ học sinh. Các phòng giáo dục và đào tạo tham mưu UBND quận, huyện, thị xã tổ chức phân tuyến tuyển sinh phù hợp, không để xảy ra hiện tượng quá tải ở một số trường.