Trường đại học phải công khai tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm - quy định không mới nhưng tính thực chất của tỉ lệ này tới đâu đang là băn khoăn của người học trước mùa tuyển sinh 2023.
Con số như mơ
Từ mùa tuyển sinh năm 2018, Bộ GDĐT quy định, các cơ sở giáo dục đại học phải công bố công khai tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau ra trường của các năm trước. Đây là một trong những căn cứ quan trọng cho chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm của các cơ sở đào tạo.
Từ ngày 13/6/2023, Thông tư 10/2023/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT (sửa đổi, bổ sung thông tư cũ) quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học bắt đầu có hiệu lực.
Trong đó, có quy định chỉ tiêu tuyển sinh đại học của lĩnh vực không được tăng so với năm tuyển sinh trước liền kề với năm xác định chỉ tiêu và tổ chức tuyển sinh của lĩnh vực đó nếu tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng của lĩnh vực đó đạt dưới 80%.
Như vậy, số liệu thống kê tỉ lệ sinh viên sau tốt nghiệp có việc làm sẽ là căn cứ quan trọng để Bộ GDĐT giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường.
Theo công bố tỉ lệ sinh viên có việc làm của nhiều trường đại học, con số này đạt rất cao, nhiều trường đạt trên 90%, thậm chí từ 98-100%.
Theo GS.TS Chúc Anh Tú - Trưởng ban Khảo thí và Quản lý chất lượng (Học viện Tài chính), tính đến 30/6/2022, tổng quy mô đào tạo của học viện trên 20.400 nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên. Tỉ lệ sinh viên hệ đại học chính quy có việc làm trong 1 năm sau khi tốt nghiệp đạt bình quân trên 97%.
Tại lễ khai giảng hệ đại học chính quy khóa 59 của Học viện Tài chính, lãnh đạo nhà trường cũng thông tin về kết quả khảo sát hằng năm, tỉ lệ sinh viên của học viện có việc làm sau khi tốt nghiệp lên tới 98%.
Theo kết quả khảo sát của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, trên 97% sinh viên tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp tại các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp hoặc tự khởi nghiệp...
Theo "Bảng báo cáo tình hình việc làm của sinh viên" năm tốt nghiệp 2021 của Trường Đại học Ngoại thương, tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm nằm ở ngưỡng rất cao: 95,65% - 99,29%.
Tỉ lệ sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tốt nghiệp năm 2021 ra trường có việc làm dao động trong khoảng 84,24% - 97,73%, không hề kém cạnh so với Trường Đại học Ngoại thương. Ngành có tỉ lệ cao nhất là Khoa học máy tính là 97,73%. Ngành Kinh doanh quốc tế lại có tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm thấp nhất là 84,35%.
Tương tự, con số tỉ lệ sinh viên có việc làm ở nhiều trường đại học khác cũng rất ấn tượng. Ví dụ như: Trường Đại học Hoa Sen công bố tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp năm 2021 có việc làm sau một năm của 4 khối ngành đều trên 94% (trong đó khối ngành III tỉ lệ 97,8%).
Đầu năm 2023, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP HCM công bố báo cáo kết quả khảo sát cựu sinh viên sau một năm tốt nghiệp đạt tỉ lệ 97,31% (số liệu đã bao gồm chưa có việc làm vì phải học nâng cao); chỉ có 1,73% đã xin việc nhưng chưa có việc làm.
Trong số các trường đại học công bố tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm, đáng chú ý có trường đạt tỉ lệ 100%. Có thể nhắc đến như Trường Đại học Giao thông vận tải TP HCM, Trường Đại học Kiến trúc TP HCM.
Cần chứng minh rõ ràng
TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm là con số biết nói thể hiện năng lực, chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục đại học đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Tuy nhiên, theo TS Lê Viết Khuyến, những số liệu đó không phải “bốc thuốc” mà được thống kê, khảo sát bài bản, khoa học và có đủ cơ sở tin cậy. Muốn vậy, các trường cần có minh chứng rõ ràng, thực chất để xã hội tin tưởng.
Trong khi theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, tính riêng trong quý 1/2023, số lao động nghỉ giãn việc của các doanh nghiệp trên cả nước là gần 294 nghìn người; số lao động mất việc làm là 149 nghìn người thì số liệu về sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau khi ra trường 2 năm trở lại đây vẫn rất cao. Nhiều câu hỏi đã được đặt ra, liệu bao nhiêu phần trăm trong số đó là thống kê thực chất?
Đây cũng là băn khoăn của không ít người học khi mùa tuyển sinh năm 2023 đang cận kề bởi con số này là căn cứ quan trọng để người học quyết định việc chọn ngành nghề phù hợp.
TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT) cũng bày tỏ hoài nghi về con số thống kê của các trường đại học trong khi tỉ lệ người lao động mất nghiệp, không có việc làm hằng năm vẫn cao.
Đặt câu hỏi: “Trong tỉ lệ sinh viên có việc làm mà các trường công bố, không chỉ ra cụ thể việc làm ở đây là việc làm gì, có đúng chuyên ngành đào tạo hay không hay sinh viên ra trường làm xe ôm công nghệ cũng tính là có việc làm?”, từ đó TS Hoàng Ngọc Vinh phân tích, chỉ tiêu này tỉ lệ tốt nghiệp phụ thuộc nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Con số này chỉ nên tham khảo, để các trường tự soi, đánh giá hiệu quả, chất lượng đào tạo chứ không nên lấy đó là một động lực để tăng chỉ tiêu đào tạo.
TS Hoàng Ngọc Vinh lo ngại: “Quy định này sẽ như việc kiểm định, khi cần thì làm cho đủ thủ tục. Như vậy sẽ mang tính hành chính, quan liêu và không thực chất”.
Ông Vinh nhìn nhận, việc thống kê tỉ lệ sinh viên ra trường không thực chất nhằm mua lòng tin người học, sẽ rất nguy hiểm. Nhưng khi cơ quan quản lý nhà nước đưa ra chính sách thì các trường sẽ có đối sách là điều dễ hiểu. Nếu cơ quan quản lý không kiểm soát được thì như vậy sẽ không đảm bảo quyền lợi cho người học.
"Việc công khai tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp là trách nhiệm của các trường, nhưng Bộ GDĐT phải có trách nhiệm kiểm chứng, không thể để các trường muốn nói sao cũng được.
Hơn nữa, bộ đã có quy định nếu tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm thấp sẽ không được tăng chỉ tiêu, do đó nếu không có sự kiểm chứng thì quy định này trở nên vô nghĩa. Có lẽ phải có giám sát bởi bên thứ ba và phải có chế tài nghiêm khắc nếu gian lận.
Trong điều kiện công nghệ và năng lực quản lý, giám sát hạn chế, tốt nhất nên bỏ điều này ra khỏi quy chế tuyển sinh và nên sử dụng tiêu chuẩn số sinh viên/giảng viên ngành học nào đó vừa đảm bảo chất lượng, vừa điều tiết cơ cấu quy mô theo ngành. Điều này được Luật GDĐH cho phép".
TS Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT)