Sức khỏe

Tiềm ẩn nguy cơ lây lan cúm gia cầm sang người

Đức Trân 25/03/2024 07:10

Dịch cúm gia cầm vẫn được ghi nhận rải rác trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương trên cả nước. Bên cạnh đó, hiện đang là giai đoạn chuyển mùa và thời tiết có nhiều thay đổi bất ngờ có lợi cho virus cúm gia cầm phát triển. Vì vậy, luôn tiềm ẩn nguy cơ lây lan cúm gia cầm sang người.

anh-bai-chinh-13.jpg
Cán bộ CDC Khánh Hòa tiến hành tiêu độc, khử trùng phòng, chống các dịch bệnh lây nhiễm qua người. Ảnh: Phan Sáu/TTXVN.

Mới đây, ca tử vong đầu tiên do cúm gia cầm (A/H5) tại Việt Nam trong năm 2024 đã được ghi nhận. Cụ thể, bệnh nhân (21 tuổi, học Trường Đại học Nha Trang) khởi phát bệnh từ 11/3, tự mua thuốc uống nhưng bệnh không thuyên giảm. Đến ngày 15/3, nam sinh trở về nhà ở thị xã Ninh Hòa, tiếp xúc với mẹ và em gái, sau đó đến khám tại cơ sở 2 của Trung tâm Y tế thị xã Ninh Hòa.

Bệnh nhân được chẩn đoán viêm họng - thanh quản cấp/theo dõi sốt xuất huyết Dengue, được đề nghị nhập viện nhưng không đồng ý, xin kê đơn về điều trị ngoại trú. 1 ngày sau, bệnh nhân sốt cao, đau bụng quanh rốn, tiêu chảy, nhập Khoa Cấp cứu Bệnh viện đa khoa khu vực thị xã Ninh Hòa và được chẩn đoán nhiễm khuẩn ruột, nhiễm trùng huyết có dấu hiệu cảnh báo và chuyển vào Khoa Truyền nhiễm điều trị.

Đến ngày 17/3, bệnh diễn biến nặng, bệnh nhân được chuyển vào Bệnh viện đa khoa Khánh Hòa. Kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của Viện Pasteur Nha Trang ngày 20/3 cho thấy bệnh nhân dương tính với cúm A/H5. Sau đó, bệnh nhân được cách ly điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa với tình trạng hôn mê, huyết áp gần bằng 0, phải thở máy.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa đã hội chẩn với các Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, Nhiệt đới TPHCM, Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa nhưng không thể cứu sống được bệnh nhân.

Cúm gia cầm, hay còn gọi là cúm A/H5 là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với vật dụng bị nhiễm mầm bệnh, tiếp xúc và sử dụng gia cầm ốm, chết do nhiễm cúm A/H5, ăn thịt gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa nấu chín kỹ.

BS Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết: Bệnh cúm A/H5 thường lây truyền ở động vật nhưng cũng có thể truyền nhiễm, ảnh hưởng đến con người. Thế nhưng, không giống như những loại bệnh cúm khác ở người, cúm A/H5 ít lây truyền từ người sang người. Con người bị nhiễm virus cúm A/H5 chủ yếu thông qua việc tiếp xúc trực tiếp/gián tiếp với động vật mắc bệnh. Nguy cơ nhiễm virus cúm này cao hơn cả xảy ra khi một người tiếp xúc với gia cầm mắc bệnh hoặc những bề mặt bị ô nhiễm nước bọt, lông, phân gia cầm.

Người mắc cúm A/H5 có những triệu chứng diễn biến cấp tính giống với các loại cúm thông thường, nhưng nguy hiểm hơn, như sốt cao liên tục trên 38 độ C; đau ngực, tim đập nhanh; đau họng... Virus cúm A/H5 khi tấn công vào cơ thể người sẽ xâm nhập vào tế bào chủ sau đó nhanh chóng tự nhân bản ra khắp cơ thể. Điều này khiến hệ miễn dịch của người bệnh yếu đi nhanh chóng và sau cùng là không còn khả năng chống đỡ. Các triệu chứng cúm A/H5 diễn ra nặng hơn chỉ sau nửa ngày. Lúc này, người bệnh có thể bị suy hô hấp cấp với các triệu chứng như thở nhanh, khó thở, tím tái da, thậm chí cảm thấy đau toàn thân, mê man.

BS Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết, với trường hợp bệnh nhân không may bị lây nhiễm cúm gia cầm, tỷ lệ diễn biến nặng cao và có thể tử vong đến 50 - 60%, nên đây là bệnh nguy hiểm. Dù vậy, cúm gia cầm lây nhiễm rất hạn chế từ gia cầm sang người, nên chưa gây ra đợt dịch lớn.

BS Cấp lưu ý, cần hết sức cảnh giác với dịch cúm gia cầm, nếu một chủng cúm gia cầm có biến đổi về mặt di truyền có thể lây lan dễ dàng từ người sang người, thì có thể gây ra một đại dịch mới. Do vậy, về mặt phòng dịch, cộng đồng phải luôn cảnh giác trước dịch cúm gia cầm.

Được biết, tại Việt Nam, ca nhiễm virus A/H5 đầu tiên xuất hiện vào năm 2003. Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận nhiều ca bệnh và ca tử vong do nhiễm virus cúm này. Cúm A/H5 đã biến đổi liên tục thành các tuýp cúm mới có độc lực mạnh, tỷ lệ tử vong cao.

Vì thế, các bác sĩ khuyến cáo, mỗi người cần chủ động ngăn ngừa nguy cơ mắc phải bệnh lý này. Đặc biệt, người bị cúm A/H5 cần đến bệnh viện để được chữa trị. Nếu tự điều trị không đúng cách tại nhà có thể gây nguy hiểm cho cả bản thân người bệnh cũng như người chăm sóc. Nếu bệnh ở mức độ nghiêm trọng, người bệnh cần tiến hành nhập viện để được bác sĩ theo dõi, chữa trị, chăm sóc, ngăn ngừa nguy cơ nhiễm khuẩn thứ phát.

Cúm gia cầm chỉ lây nhiễm từ gia cầm và các loài chim hoang dã sang người. Do vậy, để tránh lây nhiễm cúm gia cầm, người dân cần lưu ý, khi phát hiện gà, vịt ốm chết thì không tiếp xúc, không chế biến và ăn gia cầm bị ốm, chết.

“Gia cầm nuôi như gà, vịt… bị ốm, chết phải được tiêu hủy. Những người chăn nuôi, giết mổ gia cầm cần có những biện pháp phòng hộ như đeo khẩu trang, rửa tay sạch trước khi ăn và tránh những sản phẩm từ gia cầm chưa được nấu chín như tiết canh…” – BS Cấp nhấn mạnh.

Đề phòng bệnh cúm A/H5 lây nhiễm sang người, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, người dân không giết mổ, sử dụng gia cầm ốm/chết chưa rõ nguyên nhân. Không buôn bán, dùng trứng, thịt và sản phẩm gia cầm chưa rõ nguồn gốc. Không ăn tiết canh, trứng, thịt gia cầm chưa được chế biến kỹ lưỡng. Khi phát hiện có gia cầm bị ốm/chết bất thường phải báo kịp thời cho chính quyền địa phương. Nếu xuất hiện những triệu chứng cúm có liên quan đến việc tiếp xúc với gia cầm, người bệnh cần đến cơ sở y tế thăm khám, điều trị.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiềm ẩn nguy cơ lây lan cúm gia cầm sang người

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO