Tiềm lực liên danh Vietur vượt qua vòng kỹ thuật gói thầu hơn 35.000 tỷ đồng sân bay Long Thành

Văn Thanh 02/08/2023 11:02

Liên danh Vietur do nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu là đơn vị duy nhất đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật thi công gói thầu 35.000 tỷ đồng sân bay Long Thành.

Chứng khoán Vietcap ước tính, tổng lợi nhuận ròng mà liên danh trúng thầu thu được sẽ rơi vào khoảng 1.000 tỷ đồng.
Vietur là liên danh duy nhất lọt vào vòng mở hồ sơ tài chính gói thầu 35.000 tỷ đồng sân bay Long Thành.

Liên quan đến gói thầu 5.10 “Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách” trị giá 35.233 tỷ đồng dự án thành phần 3 thuộc dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, lãnh đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), chủ đầu tư dự án sân bay Long Thanh, cho biết Liên danh Vietur do nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu là đơn vị duy nhất đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật thi công gói thầu này.

Ngày 4/8 tới đây sẽ mở hồ sơ đề xuất về tài chính và đơn vị cần thời gian đánh giá, chỉ khi kết quả tổng hợp hai gói được thông báo, ACV mới phát hành thông tin chính thức.

Được biết, đây là một trong những gói thầu xây lắp và cung cấp thiết bị lớn nhất trong lĩnh vực hàng không cũng như xây dựng hạ tầng kỹ thuật cao từng được triển khai tại Việt Nam.

Gói thầu trị giá hơn 35.000 tỷ đồng sân bay Long Thành là đấu thầu rộng rãi quốc tế, không qua mạng, không sơ tuyển; đã bao gồm việc thiết kế bản vẽ thi công và thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách.

Công tác đánh giá năng lực nhà thầu dựa trên hồ sơ dự thầu trên tinh thần chính xác, khách quan, công bằng nhằm chọn nhà thầu đảm bảo chất lượng, tiến độ và giá cả cạnh tranh nhất.

Việc Vietur là đơn vị duy nhất đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật thi công gói thầu này khiến dư luận quan tâm về tiềm lực của liên danh này.

Theo tìm hiểu, liên danh Vietur bao gồm 10 thành viên gồm: Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng IC ISTAS, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Ricons, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Newtecons, Công ty CP Đầu tư Xây dựng SOL E&C, Tổng Công ty Xây dựng Số 1, Công ty CP Kết cấu Thép ATAD, Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Công ty CP Xây dựng Phục Hưng Holdings, Công ty cổ phần Hawee Cơ điện, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội.

Đứng đầu liên danh Vietur là IC ISTAS (thành lập năm 1969), trực thuộc Tập đoàn IC Holding (Merkez Mahallesi Silahşör Caddesi Hilton Otel Apt. No: 42/1 Bomonti şişli, Thổ Nhĩ Kỳ).

IC ISTAS được giới thiệu nằm trong top 3 nhà thầu lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ, đã tham gia thi công nhiều cảng hàng không lớn trên thế giới.

Ngoài ra, trong liên danh này còn có nhiều doanh nghiệp trong "hệ sinh thái" của doanh nhân Nguyễn Bá Dương như: Ricons, Newtecons, SOL E&C.

Trong khi đó, Vinaconex cũng là đơn vị thuộc top doanh nghiệp xây dựng lớn nhất Việt Nam 2023. Vinaconex có kinh nghiệm trong các dự án hạ tầng lớn trong nước như Nhà ga T2 Nội Bài, sân bay Phú Bài, sân bay Cam Ranh... Ngoài ra, Vinaconex cũng đang tham gia liên danh đấu thầu gói thầu xây lắp nhà ga T3 Tân Sơn Nhất với giá trị 9.000 tỷ đồng..

Tham gia gói thầu 5.10 sân bay quốc tế Long Thành còn có hai liên danh khác là Liên danh CHEC-BCEG-Vietnam Contractrors và Liên danh Hoa Lư.

Liên danh Hoa Lư gồm một số công ty xây dựng hàng đầu trong nước như Coteccons, CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng Delta, Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Unicons, CTCP Xây dựng Central, CTCP Xây dựng An Phong, Tổng Công ty Thành An và Powerline Engineering PCL, nhà thầu đến từ Thái Lan.

Còn liên danh CHEC-BCEG-Vietnam Contractrors do hai nhà thầu xây dựng hàng đầu Trung Quốc là Công ty Kỹ thuật Cảng Trung Quốc (CHEC) và Tập đoàn Kỹ thuật Xây dựng Bắc Kinh (BCEG) đứng đầu, đã xây dựng nhiều sân bay ở Trung Quốc và nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiềm lực liên danh Vietur vượt qua vòng kỹ thuật gói thầu hơn 35.000 tỷ đồng sân bay Long Thành

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO