Hai liên danh nhà thầu nhận được hồ sơ yêu cầu 2 gói thầu đầu tiên của 2 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 là Vinaconex-Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng và Công ty xây dựng Xuân Trường-Công ty CP 471-Công ty TNHH xây dựng Tự Lập.
Theo kết quả lựa chọn nhà thầu được nhận hồ sơ yêu cầu do Ban quản lý dự án Thăng Long (Bộ GTVT) phê duyệt, có 2 liên danh nhà thầu đã được lựa chọn đối với hai gói thầu đầu tiên thuộc hai dự án thành phần Bãi Vọt - Hàm Nghi và Hàm Nghi - Vũng Áng.
Cụ thể, đối với gói thầu 11-XL dự án đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi có chiều dài 35,2 km, giá trị 6.044 tỷ đồng, hồ sơ yêu cầu được phát hành cho liên danh Tổng công ty cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) - Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng.
Dự án thành phần Hàm Nghi - Vũng Áng có chiều dài 30 km, giá trị 4.456 tỷ đồng, liên danh được nhận hồ sơ yêu cầu là Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường - Công ty cổ phần 471 - Công ty TNHH xây dựng Tự Lập.
Về Vinaconex (MCK: VCG), doanh nghiệp tiền thân là Công ty Dịch vụ và Xây dựng nước ngoài, được thành lập năm 1988, cổ phần hóa năm 2006 và lên sàn HoSE vào năm 2020. VCG hiện là một trong những doanh nghiệp xây dựng lớn nhất cả nước khi có lợi thế vừa là nhà thầu vừa là đơn vị trực tiếp thi công.
Về tình hình kinh doanh, trong quý III/2022, doanh thu thuần của Vinaconex đạt 3.174,4 tỷ đồng, tăng 150% so với cùng kỳ năm trước. Khấu trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế trong kỳ của doanh nghiệp này là 249,4 tỷ đồng, tăng 129% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 9 tháng, công ty báo doanh thu, lợi nhuận sau thuế lần lượt ở mức gần 6.700 tỷ đồng và 969 tỷ đồng, tăng 85,6% và 170,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong năm 2022, VCG đặt kế hoạch tổng doanh thu là 15.300 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 1.400 tỷ đồng, lần lượt tăng 143% và 169% so với thực hiện trong năm 2021. Như vậy, với kết quả đã đạt được sau 3 quý đầu, VCG đã hoàn thành 43,8% kế hoạch doanh thu và 69,21% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra tại ĐHĐCĐ thường niên hồi tháng 4 vừa qua.
Trong khi đó, Tổng công ty 319, đơn vị trực thuộc sự quản lý của Bộ Quốc phòng, cũng là cái tên quen thuộc trong ngành xây dựng. Hiện, Tổng công ty 319 đang thi công hàng chục công trình trong lĩnh vực giao thông, dân dụng, rà phá bom mìn của nhiều chủ đầu tư trên cả nước.
Về liên doanh trúng dự án thành phần Hàm Nghi - Vũng Áng, Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường gắn liền với tên tuổi của "đại gia" Xuân Trường (ông Nguyễn Văn Trường) và là chủ đầu tư của các công trình tâm linh lớn như chùa Bái Đính (Ninh Bình); quần thể chùa Tam Chúc (Hà Nam); khu du lịch Tràng An...
Tuy vậy, doanh nghiệp này cũng từng bị Kiểm toán Nhà nước nhiều lần đưa vào danh mục kiểm tra, đối chiếu thuế. Theo Kiểm toán Nhà nước, Doanh nghiệp Xuân Trường không nộp Báo cáo tài chính liên tục trong nhiều năm; cơ quan kiểm toán phát hiện số nợ thiền thuê đất hàng chục tỷ đồng.
Còn Công ty TNHH xây dựng Tự Lập được thành lập vào tháng 8/2001, trụ sở tại Khu Hành Chính, Thị trấn Lâm Thao (huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ). Tính đến 1/2021, quy mô vốn điều lệ của Tự Lập ở mức 2.000 tỷ đồng.
Doanh nghiệp này là chủ đầu tư của nhiều dự án đình đám trên địa bàn tỉnh Phú Thọ như: Khu đô thị và Thương mại Việt Trì có tổng vốn đầu tư 715 tỷ đồng, liên danh với CTCP Xây dựng Việt Hùng trở thành nhà đầu tư dự án Khu dân cư mới phía Tây Nam thị trấn Đoan Hùng (huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ) với tổng vốn đầu tư 1.375,4 tỷ đồng; dự án Khu đô thị mới Phú Lợi ( tại các phường Hùng Vương và phường Phong Châu, tỉnh Phú Thọ) tổng vốn đầu tư 742,49 tỷ đồng,...
Để đáp ứng điều kiện khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 trước ngày 31/12/2022, trong đó có 2 dự án thành phần do Ban quản lý dự án Thăng Long làm chủ đầu tư, thời gian hoàn thành công tác đánh giá, thương thảo, ký hợp đồng được Bộ GTVT yêu cầu là trước ngày 25/12/2022.
Với dự án thành phần cao tốc đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh được chia làm 3 gói thầu, Ban quản lý dự án 85 đã chấp thuận danh sách nhà thầu được nhận hồ sơ yêu cầu gói thầu số 12-XL trị giá 3.055 tỷ đồng sẽ được được khởi công đầu tiên, đó là liên danh Công ty cổ phần xây dựng Trung Nam 18 E&C - Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu Việt Nam - Công ty cổ phần Phát triển xây dựng và Thương mại Thuận An - Công ty cổ phần Xây dựng dịch vụ và Thương mại 68 - Công ty cổ phần Hải Đăng.
Trong khi đó, gói thầu xây lắp đầu tiên tại dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021- 2025, đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ vừa xác định danh tính nhà thầu được nhận hồ sơ yêu cầu.
Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh đã chấp thuận danh sách nhà thầu nhận hồ sơ yêu cầu gói thầu XL1 dài gần 33 km, trị giá 3.361 tỷ đồng cho liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty cổ phần Xây lắp số 368.
Ở một dự án thành phần khác thuộc dự án cao tốc Bắc-Nam là đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (Bình Định), Ban Quản lý dự án 2 (Bộ GTVT) cũng vừa có quyết định chấp thuận danh sách nhà thầu nhận hồ sơ yêu cầu gói thầu XL1 thi công xây dựng đoạn Km0+000-Km30+000 dự án cao tốc Bắc-Nam đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn. Liên danh được nhận hồ sơ gói thầu là Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả - Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả - Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Dacinco.
Đối với 12 gói thầu cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 khởi công năm 2022, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã yêu cầu các Ban quản lý dự án khẩn trương thực hiện công tác chỉ định thầu, phối hợp chặt chẽ với các địa phương để giải ngân vốn giải phóng mặt bằng đã bố trí năm 2022, đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng, đáp ứng tiến độ khởi công 12 gói thầu/12 dự án thành phần trước ngày 31/12/2022.
Đối với 13 gói thầu còn lại, Bộ trưởng chỉ đạo các Ban quản lý dự án hoàn thành công tác lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán; phấn đấu khởi công toàn bộ các gói thầu trước ngày 15/1/2023 (trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023).