Tinh hoa Việt

Tiến sĩ Ngô Thị Thanh Mai: Phát sinh những nguy cơ về sức khỏe tâm thần

Việt Quỳnh (thực hiện) 21/04/2025 09:48

Tiến sĩ Ngô Thị Thanh Mai (Học viện Phụ nữ Việt Nam) là một chuyên gia tâm lý. Chị có 18 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo và phát triển các chương trình kỹ năng sống, giá trị sống, chăm sóc sức khoẻ tinh thần.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, mạng xã hội ảnh hưởng lớn đến tình trạng sức khỏe tâm thần của con người, đặc biệt là với giới trẻ. Chị có ý kiến như thế nào về điều này?

TS Ngo Thi Thanh Mai
TS Ngô Thị Thanh Mai.

- Chúng ta có thể thấy rằng, điện thoại thông minh, Internet và mạng xã hội giờ đây là một phần không thể thiếu trong cuộc sống ngày nay, đặc biệt là giới trẻ. Việt Nam là một trong những nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ người dùng Internet; trong đó ba nền tảng mạng xã hội được dùng nhiều nhất tại Việt Nam là Facebook, Zalo, TikTok. Theo thông tin của Bộ Lao động Thương binh & Xã hội năm 2023, thời gian trẻ em Việt Nam sử dụng mạng xã hội là 5-7 giờ mỗi ngày.

Với những tính năng mạnh mẽ, mạng xã hội đem đến cho người dùng những trải nghiệm và lợi ích rõ ràng như tiếp cận thông tin, hỗ trợ việc học tập và phát triển kỹ năng, tăng cường kết nối,… Song đây cũng là nơi tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, và việc sử dụng quá mức sẽ làm phát sinh những nguy cơ về sức khỏe tâm thần đối với người dùng, đặc biệt là giới trẻ - những người sử dụng nhiều thời gian trong ngày để truy cập mạng xã hội.

Thời gian qua, có thể thấy việc “hóng drama” đang là mối quan tâm thu hút hàng triệu lượt theo dõi từ cộng đồng mạng. Từ câu chuyện quảng cáo kẹo rau củ sai sự thật của Chị Em Rọt, Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục, hoa hậu Thùy Tiên, tới vụ "sao kê" từ thiện của Phạm Thoại và Mẹ Bắp. Gần đây là ồn ào tình ái, trong phiên live ban đêm của ViruSs thu hút tổng 4,8 triệu người xem. Điều này đang phản ánh điều gì về đời sống tinh thần của con người thời “xã hội số”, đặc biệt là giới trẻ? Việc quá quan tâm đến những câu chuyện tiêu cực trên mạng xã hội có thể gây ra những ảnh hưởng tai hại đến đời sống tinh thần, tâm lý sức khỏe ra sao?

Nghiên cứu trên thế giới cho thấy thanh thiếu niên sử dụng mạng xã hội hơn 3 tiếng mỗi ngày có nhiều khả năng gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn lưỡng cực, hành vi gây hấn và hành vi chống đối xã hội. Các em có thể trải nghiệm nỗi lo sợ bỏ lỡ (FOMO) với cảm giác rằng những người khác đang có những trải nghiệm tốt và vui vẻ hơn mình; sự lệ thuộc của cảm xúc vào “kike” làm ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức về bản thân, cảm nhận bị đánh giá hay loại trừ, giảm lòng tự trọng bên cạnh cảm giác cô đơn, áp lực vì phải thể hiện một phiên bản hoàn hảo của mình. Bên cạnh đó, có nhiều em bị tổn thương khi bị bắt nạt với những lời lẽ bình phẩm, khiêu khích, tấn công trên mạng xã hội.

Có thể thấy rằng, những yếu tố đến từ mạng xã hội có thể gây ra những vấn đề sức khỏe tâm thần đối với thanh thiếu niên, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, học tập, mối quan hệ,… của các em.

VISA Cover 1
VISA đều là một đại sứ của văn hóa VIệt Nam.

Hiện nay, những thông tin xấu và độc hại, các video nhảm nhí đang ngập tràn mạng xã hội và nhất là các “drama” đang rất thu hút người xem. Theo chị, điều này tác động như thế nào đến giới trẻ?

- Các thông tin tiêu cực, gây sốc nhằm câu “view” và các video không mang tính định hướng giá trị, chứa nhiều nội dung độc hại đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội. Điều đáng lo ngại là thanh thiếu niên lại là những đối tượng chính mà các video này nhắm tới.

Tiếp xúc với những nội dung ngắn, nhảm nhí khiến các em quen với những thông tin ngắn, dễ dãi, từ đó làm suy giảm khả năng suy nghĩ sâu sắc và tư duy phản biện. Thay vì chủ động tìm hiểu kiến thức hữu ích, các em lại rơi vào tình trạng lướt mạng vô thức, thụ động tiếp nhận nội dung không chủ đích và chọn lọc. Những tin tức tiêu cực có thể khiến các em thấy bi quan, lo lắng về tương lai; cảm thấy bất lực, mất niềm tin vào con người và cuộc sống. Và khi cho rằng những hành vi diễn ra trên mạng là bình thường, chấp nhận được, đặc biệt những hành vi này có thể đem lại cho các em cảm giác chơi trội và gây chú ý; các em có thể thể hiện chúng ở thế giới thực và gánh chịu những hệ quả khó lường cho chính các em và người khác.

Bên cạnh đó, sự kích thích, mới mẻ, gây sốc của các video cùng những thuật toán của mạng xã hội như tự động phát video mà không có điểm kết thúc, ghi lại hành vi của người dùng mạng để lôi cuốn, thúc đẩy liên tục khiến các em khó dừng lại. Nhiều em đã lãng phí thời gian, quên những nhiệm vụ chính, quan trọng của mình như học tập, làm việc, vui chơi, giao lưu xã hội; thậm chí sao lãng cả những nhu cầu cơ bản của bản thân như ăn, ngủ. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần mà còn gây hại cho toàn bộ cuộc sống của các em.

Rõ ràng rằng, các em tiếp xúc, tương tác với thế giới ảo trên mạng xã hội nhưng những hậu quả đem đến cho các em lại rất thực.

Vậy theo chị, đâu là giải pháp cho vấn đề này?

- Đây thực sự là một câu hỏi lớn cần đến sự chung sức từ rất nhiều nguồn lực để đưa ra cách giải quyết. Dưới góc nhìn của một người làm việc trong lĩnh vực tâm lý - xã hội và giáo dục, tôi quan tâm đến ý nghĩa của những trải nghiệm mà các em đang có liên quan thế nào đến sự phát triển toàn diện của các em. Làm thế nào để các em vẫn có thể tận dụng những lợi ích lớn lao của công nghệ một cách an toàn mà không bỏ lỡ những trải nghiệm quý giá để kết nối, tận hưởng và học hỏi những điều tốt đẹp trong thế giới thực?

Tôi nhìn nhận các giải pháp theo cách tiếp cận quản lý ở các mức độ. Vai trò của các cơ quan quản lý ở góc độ chính sách và pháp lý; vai trò của doanh nghiệp công nghệ quản lý nền tảng trên tinh thần trách nhiệm với xã hội; nhà trường quản lý thông qua các hoạt động giáo dục và phát hiện sớm các dấu hiệu bất ổn từ phía học sinh; gia đình gần gũi nhất sẽ hướng dẫn các kĩ năng bảo vệ bản thân trên mạng, giám sát việc sử dụng thiết bị và vun bồi cho các em các giá trị nền tảng. Sự phối hợp có trách nhiệm của các bên trong việc hỗ trợ các em đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Cấp độ cuối cùng đến từ phía các em chính là tự quản lý bản thân. Các em cần là “người chủ” để quản lý chứ không phải là “nô lệ” của mạng xã hội. Tuy vậy, để làm được những điều này, rất cần đến nội lực mạnh mẽ của bản thân các em.

Chị có thể chia sẻ thêm về cách giới trẻ có thể rèn luyện nội lực của mình để không bị chi phối bởi mạng xã hội?

- Nội lực là nền tảng quan trọng để thanh thiếu niên phát triển bền vững trong xã hội đầy biến động và cám dỗ hiện nay. Nội lực không chỉ là ý chí, mà còn bao gồm tư duy tích cực, sự tự nhận thức và tự tin, khả năng kiểm soát cảm xúc, tinh thần chịu trách nhiệm, kỉ luật bản thân, khả năng thích ứng và phục hồi.

Khi tham gia mạng xã hội, các em thể hiện nội lực của mình qua nhiều khía cạnh. Các em hiểu rõ mình vào mạng để làm gì để tránh việc lạc hướng, lướt mạng vô thức; đặt giới hạn thời gian vào mạng mỗi ngày, chỉ cài đặt theo dõi các trang có nội dung lành mạnh, mang tính giáo dục. Khi tiếp cận thông tin, em đặt ra câu hỏi: “Thông tin này có đáng tin không?” và không dễ dàng tin vào những gì nghe, thấy trên mạng mà cần kiểm chứng thông tin trước khi tiếp nhận. Các em cũng cần nhận diện những cảm xúc tiêu cực như tự ti, so sánh, ghen tỵ, tức giận,... khi lướt mạng hay khi đăng tải bài và nhận bình luận; biết dừng lại và tìm đến người đáng tin cậy khi thấy tâm lý mình bất ổn.

Bên cạnh đó, tìm kiếm ý nghĩa và mục tiêu rõ ràng như học tập, rèn luyện và phát triển bản thân, xây dựng các mối quan hệ lành mạnh sẽ giúp các em ít bị cuốn vào những điều phù phiếm, tiêu cực trên mạng.

Lối sống giản dị giúp chúng ta nhận ra điều gì là đủ và quan trọng với chính mình; từ đó không chạy theo vật chất và ảo tưởng, biết tự hài lòng và tự chủ thay vì phụ thuộc vào người khác để cảm thấy hạnh phúc. Nếu tỉnh thức, chúng ta sẽ thấy có rất nhiều tốt đẹp ở xung quanh đang chờ chúng ta trải nghiệm và khám phá. Thiên nhiên là một ví dụ. Thiên nhiên rất hào phóng, chỉ cần chúng ta sẵn lòng đón nhận, chúng ta đã cảm thấy đủ đầy. Đồng thời, gia đình là nơi gần gũi nhất và là nơi vun bồi các giá trị sống quan trọng. Mối quan hệ tin cậy, tôn trọng và thấu hiểu trong gia đình cũng có ý nghĩa quan trọng để thanh thiếu niên không bị cám dỗ bởi mạng xã hội.

Xin cảm ơn những chia sẻ hữu ích của chị!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiến sĩ Ngô Thị Thanh Mai: Phát sinh những nguy cơ về sức khỏe tâm thần