Chính quyền điện tử, luôn lấy người dân là đích đến của sự phục vụ, những năm qua, các địa phương đã và đang nỗ lực để có một nền hành chính vì dân phục vụ đúng nghĩa.
Để người dân không còn ngại đến cửa công
Để hướng tới một chính quyền phục vụ, trong nhiều năm, Hà Nội luôn xác định cải cách hành chính (CCHC) là khâu đột phá, trong đó trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Hà Nội luôn khuyến khích các đơn vị, cá nhân có sáng kiến, giải pháp, mô hình cải cách TTHC. Nhiều sáng kiến đã được công nhận, áp dụng vào thực tiễn và đem lại những hiệu quả tích cực.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết TTHC được các ngành, địa phương đẩy mạnh. Cụ thể, các quận như: Thanh Xuân, Long Biên, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy…đã xây dựng mô hình “khu dân cư, tổ dân phố điện tử”, giúp người dân không phải đi lại nhiều lần, nhờ vậy đã nhận được sự phản hồi tích cực của người dân.
Chị Nguyễn Thanh Vân (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy) cho biết: “Tôi chỉ cần khai thông tin qua mạng internet là có thể nhận kết quả, gồm cả giấy khai sinh, thẻ bảo hiểm y tế và đăng ký thường trú của con. Chỉ cần một cú kích chuột mọi việc sẽ được giải quyết, điều này đã tiết kiệm thời gian, tiền bạc cho người dân”.
Theo Phó trưởng phòng kiểm soát TTHC, Văn phòng UBND TP Hà Nội Nguyễn Thanh Nga, trong 5 năm gần đây, thực hiện chủ trương đơn giản hóa TTHC của Chính phủ, TP đã hoàn thành rà soát, đơn giản hóa 481 TTHC, ước tính chi phí tiết giảm thực hiện TTHC cho tổ chức, cá nhân là trên 91 tỷ đồng/năm. Cùng với đó, nhiều quyết định thực hiện liên thông TTHC, tạo thuận lợi cho người dân cũng được ban hành.
Giao dịch trực tuyến, đẩy mạnh chính quyền điện tử là việc mà các địa phương đang nỗ lực làm. Với TP Hồ Chí Minh, thời gian gần đây, người dân không còn lạ lẫm với những thiết bị điện tử khi nộp hồ sơ TTHC. Anh Trần Đình Thức, phường 26 (quận Bình Thạnh) chia sẻ: “Chỉ với vài thao tác qua ứng dụng trên điện thoại để nộp hồ sơ trực tuyến, 3 ngày sau tôi đã nhận được giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh tại nhà, không phải đến UBND quận”.
Là một trong 3 đơn vị được thành phố chọn thực hiện thí điểm đề án “Xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”, UBND quận 1 vừa ra mắt công trình nâng cấp, đồng bộ dịch vụ công trực tuyến với 25 TTHC tại UBND 10 phường, tích hợp liên thông dữ liệu quận - phường với trục liên thông dữ liệu của TP. Đến nay, UBND quận 1 đã triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho 40 TTHC.
Bà Vũ Thị Huỳnh Mai, Phó Chánh Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, đến nay TP đã cung cấp trên 800 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; 100% UBND quận, huyện thực hiện thủ tục đăng ký hộ kinh doanh qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Đặc biệt, từ năm 2017 đến nay, thời gian giải quyết TTHC giảm từ 30-50%, hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 99%, tỷ lệ hài lòng của người dân bước đầu đạt 80%. Hiện, TP đã tập trung thống nhất một đầu mối là UBND TP ban hành và công bố TTHC. Theo đó, đến nay có 1.789 TTHC được niêm yết công khai, giúp người dân, tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận, tìm hiểu TTHC dễ dàng hơn trước.
Mỗi cán bộ, công chức là một “đại sứ”
Dù đẩy mạnh cải cách như vậy, nhưng quan trọng vẫn là yếu tố con người, bởi mọi sự đơn giản hóa các TTHC sẽ là vô nghĩa nếu những cán bộ đang vận hành bộ máy vẫn đứng ngoài cuộc.
Theo UBND TP Hồ Chí Minh, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện TTHC chỉ là “phần cứng”, quan trọng nhất là “phần mềm”, đó là con người. Theo đó, TP chú trọng đào tạo cán bộ trẻ tuổi, những cán bộ này sẽ được ưu tiên bố trí làm công tác CCHC và trực tiếp tham gia giải quyết TTHC. UBND các quận, huyện tại TP Hồ Chí Minh cũng chủ động tham gia việc “nâng cấp” những “phần mềm” quan trọng này. Đơn cử, mới đây UBND quận 1 cho ra mắt “Bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND quận 1” và “Cẩm nang văn hóa giao tiếp, ứng xử trong gia đình và cộng đồng”.
Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Ngô Minh Châu cho biết, TP xác định CCHC là chìa khóa quan trọng để xây dựng hình ảnh chính quyền phục vụ nhân dân, thân thiện, hiện đại, hiệu quả. “Mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải là một “đại sứ” CCHC, thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, nhiệt tình, thân thiện, vui vẻ khi tiếp xúc, giải quyết công việc cho người dân, để giải quyết nhiệm vụ chính đáng của người dân.
Đồng quan điểm, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc Bùi Thị Thu Hằng chia sẻ: Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định mục tiêu hàng năm phấn đấu Chỉ số PCI và chỉ số PAPI nằm trong nhóm 10 tỉnh, TP dẫn đầu cả nước; chỉ số Par Index và Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông ICT thuộc nhóm 15 địa phương dẫn đầu cả nước. Mục tiêu này, vừa là động lực vừa là cam kết về chất lượng thực thi, văn hóa thực thi, chất lượng phục vụ người dân.