Gần 3 năm nay, tiếng kẻng bảo vệ trật tự an ninh tại xã Bạch Đích, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang đã trở thành âm thanh quen thuộc, là hiệu lệnh để các thành viên trong tổ, nhóm đi tuần tra, giữ gìn trật tự an ninh trong thôn xóm.Đến xã Bạch Đích, chúng tôi phát hiện một điều đặc biệt là mỗi gia đình ở đây đều có chiếc kẻng làm bằng ống sắt hoặc ống tre treo trước nhà. Anh Nguyễn Sinh Lưu, trưởng công an xã Bạch Đích đi cùng chúng tôi cho biết: “Đó là chiếc kẻng giữ gìn an ninh trật tự và cứu hộ,
Tiếng kẻng bảo vệ an ninh cho người dân
Chỉ tay về những ngọn núi sừng sững, ông Lưu cho biết thêm: Trong 19 thôn của xã Bạch Đích thì xã đã có 6 thôn giáp với nước bạn Trung Quốc với tổng chiều dài hơn 7km. Trong 6 thôn giáp biên, thì đã có khoảng 15 đường mòn người và ngựa có thể đi qua. Những con đường mòn này có từ thời xa xưa để lại, trở thành con đường mòn nối dài các thôn, bản. Bên cạnh mặt tích cực của con đường trong việc giao lưu bản - bản với nước bạn thì tội phạm hình sự ở ven biên giới đã lợi dụng địa bàn để cấu kết với các đối tượng hình sự người địa phương hình thành ổ nhóm hoạt động xuyên quốc gia với tính chất nguy hiểm, đặc biệt là tội phạm giết người, chiếm đoạt trẻ em.
Dẫn chúng tôi tới thăm gia đình anh Giàng A Chư tại thôn Na Coóng, cách đây hơn một năm, gia đình anh đã bị đối tượng lạ mặt vào chuồng bắt trộm trâu. Kể về những chuyện đã qua, anh Chư nhớ lại: Vào mùa đông năm ngoái, khi mọi người đang ngủ rất say sưa vì cả nhà vừa tổ chức ăn mừng mùa lúa mới. Bất ngờ thấy tiếng động phát ra từ chuồng trâu ở đầu nhà. Thấp thoáng thấy bóng người lạ, anh Chư đã dùng mõ tre báo động, hô hoán mọi người xung quanh khiến cho đối tượng hoảng sợ bỏ lại tài sản. Nghe thấy tiếng động, bà con quanh bản mỗi người cầm một chiếc gậy an toàn, chặn mỏi ngả đường không cho kẻ gian tẩu thoát. Chỉ sau vài tiếng đồng hồ, bà con thôn Na Coóng đã bắt được 2 kẻ gian đột nhập vào bản trộm cắp tài sản. Còn hộ gia đình bà Nông Thị Tẻng, bản Cốc Choóng năm ngoái bị cháy nhà. Một người hàng xóm phát hiện đã đánh kẻng, hô hoán mọi người cùng đến dập lửa. Khi nghe tiếng kẻng, tiếng hô bà con trong bản người dùng gáo, người dùng thùng múc nước dập lửa khiến gia đình bà Tẻng không bị thiệt hại quá nặng nề.
Ông Lưu cho biết thêm: Với hình thức huy động sức dân và vì dân, “tiếng kẻng an ninh biên giới và chiếc gậy an toàn” ra đời đã khơi dậy nét đẹp trong đời sống xóm làng và đã trở thành người bạn đồng hành của đông đảo bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực giáp biên trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ Quốc. Nhờ đó, đến nay, toàn bộ 22 thôn, bản trong xã đã thực hiện mô hình trên. “Sắp tới công an huyện sẽ phối hợp cùng công an xã tổ chức các lớp tập huấn, trang bị kỹ năng cũng như dụng cụ để nhân dân yên tâm giữ gìn an ninh trật tự thôn, bản. Đây là 1 trong 19 tiêu chí quan trọng để các xã trên địa bàn huyện về đích nông thôn mới”, ông Lưu cho biết thêm.
Khẳng định thành công của mô hình, ông Bàn Đức Vinh, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Hà Giang cho biết: “Tiếng mõ an ninh biên giới và chiếc gậy an toàn” ra đời đã nhanh chóng bắt nhịp với bà con dân tộc giáp biên. Mô hình trên ra đời là để bảo vệ tài sản, tính mạng của chính người thân, gia đình mình nên bà con có ý thức tham gia rất tích cực. Hiện nay, mỗi bản làng vùng cao, thì mỗi hộ gia đình đều có từ 1 - 2 chiếc gậy trong nhà, mỗi gia đình có ít nhất 1 đèn pin và nuôi 1 con chó. Khi có động hoặc biến cố đều có mõ, kẻng báo động. Nhờ đó, 2 năm trở lại đây Hà Giang chỉ xảy ra 5 vụ bắt cóc trẻ em qua biên giới, các đối tượng nghiện ma túy giảm hẳn, hiện chỉ còn khoảng 400 đối tượng. Từ thành công đó chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình này vào những năm tiếp theo.
Tiếng kẻng một thời là âm thanh không thể thiếu của mỗi làng quê Việt Nam. Thứ âm thanh đó tưởng chừng đã bị lãng quên. Nhưng hôm nay, ở các bản, làng vùng biên của tỉnh vùng cao biên giới Hà Giang, âm thanh ấy lại vang lên như một nét đẹp văn hóa để bảo vệ bình yên cho cuộc sống của người dân.