Xã hội

Tiếng thở dài của núi

NGUYỄN CHUNG 26/05/2024 07:27

Những đứa trẻ với mái tóc khét nắng, gầy gò và đôi mắt buồn rười rượi mà tôi đã gặp trong chuyến ngược miền Tây của tỉnh Thanh Hóa lần này là nạn nhân của những cuộc hôn nhân đổ vỡ. Phía sau con dốc cổng trời hun hút - nơi chỉ có nắng và gió hoang hoải này, chúng như những thân cỏ mềm yếu và dễ bị tổn thương…

tao-hon-1.jpg
Một góc bản Pa Đén, xã Pù Nhi.

Những chuyện không muốn kể

Mãi đến khi mặt trời đã khuất bóng sau những đỉnh núi phía xa, Lâu Văn Tho mới khệ nệ ném bó củi to hơn cơ thể tuổi lên 10, gầy nhẵng của nó xuống triền con dốc dẫn vào bản để nghỉ lấy sức. Tho duỗi thẳng đôi ống chân đen nhẻm, chỉ có xương là xương và hai bàn chân to bè, nhằng nhịt những vết lách cắt xuống đám cỏ xơ xác bên vệ đường.

Trong bóng chiều, đôi mắt của Tho ngơ ngác như con bê lạc bầy, nhìn hút về phía cuối con dốc, nơi con đường 15C giờ đã nhập nhòa trong leo lét ánh đèn, như chờ đợi một điều gì đó không bao giờ đến…

Nhà của Tho (đúng hơn là nhà bà nội Tho) ở bản Pa Đén, xã Pù Nhi, huyện vùng cao Mường Lát. Từ ngày bố mẹ ly hôn, mỗi người một ngả, người vào Nam, kẻ ra Bắc tìm cuộc sống mới, Tho và em gái út về sống với bà nội, đứa em trai ít hơn nó 1 tuổi thì về ở với ông bà ngoại ở bản Pù Đứa, xã Quang Chiểu.

Nhà bà nội nghèo còn hơn cả nhà nó khi xưa nên ngày ngày, cứ một buổi đi học, một buổi Tho lại lên núi kiếm củi, đặt bẫy chim về phụ bà nuôi em. Nhiều bữa nhớ đứa em thứ hai quá, nó nói dối bà nội là đi học, định bụng sẽ trốn đi tìm thăm em nhưng với trí nhớ của Tho, Quang Chiểu xa lắm, nó lại không biết đường đành chạy lên đồi, ngồi khóc một mình.

Bố mẹ Lâu Văn Tho ly hôn đã hơn 2 năm, nhưng Chánh án Tòa án nhân dân huyện Mường Lát Nguyễn Tiến Dũng vẫn còn nhớ như in buổi phân xử hôm ấy.

“Dù đã xét xử nhiều vụ án nhưng cứ mỗi lần phải phân xử cho các cặp vợ chồng quyền nuôi con hậu ly hôn, lòng tôi lại tràn ngập nỗi buồn và sự day dứt đến khó tả. Bọn trẻ vô tội nhưng lại phải gánh chịu những hậu quả vô cùng ghê gớm do sự ích kỷ của đám “vợ chồng trẻ con” gây ra. Chuyện của bố mẹ Tho cũng vậy”, ông Dũng nói.

Rồi ông Dũng kể: Sau nhiều lần hòa giải của hai bên gia đình, rồi chính quyền địa phương, cuối cùng vấn đề của vợ chồng Lâu Văn Sung và Thao Thị Lợ (bố mẹ Lâu Văn Tho) ở xã Pù Nhi đã khép lại sau bản án của Tòa án nhân dân huyện Mường Lát. Sung và Lợ cùng tuổi (sinh năm 1999). Sung ở Pa Đén, xã Pù Nhi, còn Lợ người bản Pù Đứa, xã Quang Chiểu. Như nhiều trai gái người Mông, năm 2015, lúc chưa đầy 16 tuổi, “ưng cái bụng”, họ được gia đình tổ chức đám cưới để về chung một nhà.

Qua những mùa trăng, khi những rẫy sắn, nương ngô không thể đủ bữa cho gia đình 5 miệng ăn, hai người đã quyết định gửi 3 đứa con nhỏ nhờ ông bà nội nuôi nấng, rồi khăn gói ra Bắc Ninh làm công nhân từ khoảng năm 2018.

Thời gian đầu cuộc sống nơi đất khách, hai vợ chồng thuê chung một phòng trọ rồi chăm chỉ làm ăn.

Năm vài lần, dịp nghỉ lễ, tết, họ dành thời gian về thăm nhà, chơi với những đứa nhỏ để vơi phần nhung nhớ. Có tiền, những đứa trẻ nhà Sung cũng có thêm bộ quần áo mới, được học hành, bữa cơm có thêm miếng cá, miếng thịt.

Nhưng rồi là công nhân, vợ ca ngày, chồng ca đêm. Giữa chốn thị thành, đôi vợ chồng trẻ khó giữ được mối nhân duyên vợ chồng. Họ chạy theo những cám dỗ, mỗi người đều vun vén cho sự lựa chọn của riêng mình. Thành ra hạnh phúc rạn nứt từ đó.

Chỉ có những đứa trẻ của họ ở nhà chịu cảnh thiếu tình yêu thương, săn sóc của bố mẹ, bữa đói nhiều hơn bữa no, ngô sắn nhiều hơn cơm gạo. Kể cả Sung và Lợ, đến khi nộp đơn ra tòa ly hôn, tài sản chung chẳng có gì ngoài một chiếc xe máy cũ kỹ và bầy con nheo nhóc đang khóc ngất vì phải chia lìa.

Ngày ra tòa, Sung và Lợ thuận tình ly hôn. Biết tin, 3 đứa con, đứa đầu 9 tuổi, còn đứa út mới 6 tuổi, chúng lít nhít bủng beo, chẳng đứa nào không khóc. Theo bản án của tòa, Sung nuôi 2 đứa, đứa đầu và đứa út.

Còn Lợ nuôi đứa thứ hai. Sau phiên tòa, cả hai đều gửi chúng lại cho ông bà nội, ngoại nơi núi rừng Mường Lát để tha hương.

“Từ một gia đình tuy nghèo nhưng đầm ấm, có bố có mẹ, giờ những đứa trẻ ấy bữa đến trường, bữa lang thang nơi góc rừng, xó núi. Chẳng ai biết, rồi cuộc sống của chúng sẽ về đâu. Sung và Lợ còn trẻ, khỏe, ai rồi cũng có thể đi tiếp bước nữa, lo hạnh phúc cho riêng mình. Nhưng sau phiên tòa, những đứa con của họ, đứa được giao cho bố, đứa theo mẹ... khiến chúng đã phải chia lìa. Đau lắm”, ông Dũng xót xa.

tao-hon-3.jpg
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các vụ ly hôn tại Mường Lát là do nạn tảo hôn gây ra. Ảnh: Nguyễn Chung.

Hệ lụy từ nạn tảo hôn

Chuyện của vợ chồng Lâu Văn Sung và Thao Thị Lợ chỉ là một ví dụ điển hình cho nạn ly hôn của các cặp vợ chồng trẻ tại Mường Lát trong những năm qua.

Theo con số thống kê của Tòa án nhân dân huyện Mường Lát cho thấy: Số vụ ly hôn của vợ chồng trẻ trên địa bàn huyện đang tăng dần đều trong thời gian qua.

Cụ thể, năm 2023 Tòa án nhân dân huyện Mường Lát đã thụ lý, giải quyết 49 vụ án hôn nhân gia đình, tăng 10 vụ so với năm 2022.

Chỉ tính riêng từ ngày 1/10/2023 đến 20/3/2024, cơ quan này đã thụ lý và giải quyết 30 vụ hôn nhân gia đình. Chưa kể, án loại này tăng vào dịp cuối năm; và hầu hết số vụ ly hôn là thuận tình của những cặp vợ chồng tuổi 9x hoặc 2000.

Có một thực tế khác, theo tính toán sơ bộ của Tòa án nhân dân huyện Mường Lát, trong số những vụ ly hôn trẻ mà tòa thụ lý, giải quyết trong năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 thì số cặp vợ chồng có vợ hoặc chồng hoặc cả hai đi làm ăn xa chiếm đến quá nửa.

“Vậy đâu là nguyên nhân khiến tình trạng ly hôn ở đây đang gia tăng?” - tôi hỏi ông Nguyễn Tiến Dũng.

“Nguyên nhân chính dẫn đến ly hôn của các cặp vợ chồng trẻ được khái quát là do khó khăn về kinh tế, dẫn đến bất đồng quan điểm, không tìm được tiếng nói chung, vợ chồng thường xuyên cãi vã... Nhưng cái gốc của vấn đề, có một phần là họ kết hôn còn quá sớm, khi kiến thức, kỹ năng, sức khỏe còn chưa đảm bảo.

Phần lớn số vụ này là tảo hôn, vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình. Và khi đang còn tuổi ăn tuổi chơi, có thêm những đứa trẻ, lại thiếu kiến thức, nên những ông bố, bà mẹ ấy dễ dàng buông bỏ gia đình cũng là điều dễ hiểu”, ông Dũng lý giải.

*

Tho đem bó củi xếp vào chái bếp khi trong nhà, bà nội đang lọm cọm dọn bữa cơm tối lên chiếc bàn gỗ ám bụi khói. Đứa em gái lên 6 của Tho chạy ào ra ôm lấy chân anh ríu rít, trên mắt nó vẫn còn ầng ậng nước.

“Bố mẹ chúng thi thoảng có ghé về thăm con không?”- tôi hỏi bà nội Tho.

“Lâu rồi chẳng thấy chúng nó về. Thi thoảng có gọi điện thoại hỏi han dăm câu rồi cúp máy. Cả năm trời không gửi được một hào về cho con gọi là đồng quà tấm bánh. Nghĩ tội cho anh em nó”, giọng bà nội của Tho như hờn trách.

Lâu Văn Tho mò mẫm, dò từng bước chân kéo theo em đi xuống khe nước tự nhiên nằm ở ta luy dương quốc lộ 15C để tắm rửa.

Nó không muốn nghe tiếp câu chuyện giữa bà nội với người khách lạ. Có gì vui đâu, toàn chuyện không muốn nhắc, mỗi lần nghe lại trào lên mắt nỗi buồn vời vợi, không thể nào quên đi được. Hôm rồi mẹ gọi điện, hứa đến khi anh em nó nghỉ hè sẽ về thăm và đưa chúng sang Quang Chiểu thăm bà ngoại, chơi với đứa em đã hơn 1 năm nay không được gặp.

Lời hứa ấy đã làm đứa em gái bé bỏng của Tho vui suốt mấy ngày nhưng nó thì không tin nhiều vào lời hứa ấy. Mới đây thôi, bố cũng đã từng hứa như thế nhưng rồi mãi vẫn chưa thấy về…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiếng thở dài của núi