Xuất khẩu sản phẩm mây, tre, cói thảm là một thế mạnh của Việt Nam. Thế mạnh đó thể hiện ở con số tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2021 và ngay tháng đầu tiên của năm 2022.
Theo đó, tháng 1/2022, xuất khẩu sản phẩm mây, tre, cói, thảm đạt 107,65 triệu USD, tăng 9,4% so với tháng 12/2021; tăng 57,7% so với tháng 1/2021, đây là mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay. Các thị trường thế mạnh của sản phẩm mây tre đan xuất khẩu của chúng ta phải kể đến thị trường EU – xuất khẩu tháng 1/2022 đạt 27,13 triệu USD, tăng 59,2% so với tháng 1/2021. Đối với thị trường Mỹ, con số này đạt 46,59 triệu USD, tăng 67,4% so với tháng 1/2021.
Theo nhìn nhận của giới chuyên gia trong ngành, Mỹ và EU là hai thị trường tiềm năng của chúng ta bởi văn hóa tiêu dùng, sở thích của người tiêu dùng tại Mỹ và EU tập trung vào các sản phẩm gần gũi với thiên nhiên, thân thiện môi trường. Bởi vậy, các sản phẩm mây tre, đan, đồ cói… có nhiều cơ hội đến với hai thị trường này.
Tiềm năng là như vậy, song, ngành nghề này đang gặp khá nhiều rào cản, trong đó phải kể đến rào cản về công nghệ đang kìm chế sự phát triển của ngành nghề này. Một doanh nghiệp trong ngành cho biết, lợi nhuận trên doanh thu của nghề mây tre đan và tết bện rất thấp, không thể sánh với các dây chuyền sản xuất công nghiệp như các ngành khác.
Bởi vậy, các DN mong muốn nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước về việc thuê mặt bằng sản xuất, kinh doanh; giảm thuế thu nhập để kích thích nhiều nhà đầu tư…
Bên cạnh đó, để ngành mây tre đan phát huy được thế mạnh, chinh phục được nhiều thị trường trên thế giới, chỉ có sự nỗ lực của riêng các DN thôi là không đủ, cần sự đồng hành của nhà quản lý trong việc xúc tiến thương mại, cải thiện điều kiện sản xuất, xây dựng hệ thống truy xuất… tạo điều kiện để giúp các DN ngành mây tre đan có thể tiếp cận với thị trường thế giới.