Kinh tế

Tiếp tục giải pháp kích cầu thị trường nội địa

NAM ANH 24/05/2025 09:05

Trước những biến động của vòng xoáy thuế quan, vấn đề đặt ra cấp bách hiện nay là phải củng cố thị trường trong nước, giảm phụ thuộc vào xuất khẩu, đồng thời tăng cường sức chống chịu trước những biến động của thị trường thế giới...

ảnh trên
Nhiều giải pháp được đưa ra nhằm kích cầu thị trường nội địa. Ảnh: Nam Anh.

Củng cố vai trò của thị trường trong nước

Theo ông Bùi Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công thương), trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động khi chính quyền Mỹ đưa ra 90 ngày tạm hoãn áp mức thuế cao, xuất khẩu hàng hóa cần có giải pháp để tránh phụ thuộc vào một vài thị trường lớn, hay các thị trường truyền thống có rủi ro về thuế. Giải pháp được đưa ra như kích cầu tiêu dùng nội địa; đảm bảo nguồn cung và ổn định thị trường; thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển bền vững; phát triển hạ tầng thương mại hiện đại…

Ông Tuấn cho biết thêm, Bộ Công thương cũng đề xuất Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ tài khóa, như gia hạn giảm thuế giá trị gia tăng, chỉ đạo đồng bộ các chương trình phát triển thị trường trong nước. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên sẽ đảm bảo tính khả thi của kế hoạch, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế và củng cố vai trò của thị trường trong nước.

Đồng quan điểm, GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho hay, Việt Nam là nước có thu nhập trung bình cao và đang tiến tới thu nhập cao. Với quy mô khoảng 100 triệu dân, thị trường nội địa hấp dẫn không chỉ với doanh nghiệp (DN) trong nước mà còn với DN nước ngoài. Các DN Việt đủ sức thay thế DN nước ngoài sản xuất ô tô, xe máy, các dịch vụ khách sạn… Chính vì vậy, cần kích cầu, tiêu dùng nội địa.

Để kích cầu thị trường trong nước, GS.TSKH Nguyễn Mại đề xuất một số giải pháp, đó là: Đổi mới thể chế, luật pháp liên quan đến thị trường; đổi mới chính sách có liên quan đến thị trường; các DN cũng cần thay đổi chiến lược kinh doanh với tầm nhìn trung, dài hạn dựa trên nghiên cứu thị trường và dự báo biến động thị trường; DN cần có chiến lược xây dựng hình ảnh và thương hiệu; nâng cao năng lực quản trị của DN; tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D), bồi dưỡng nguồn nhân lực; khuyến khích doanh nghiệp trong nước liên kết theo chuỗi, tham gia chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu.

Nhấn mạnh đến vai trò của thị trường nội địa đối với tăng trưởng GDP, ông Trần Anh Thắng - thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) chia sẻ, tỷ trọng tiêu dùng thị trường nội địa đang dần đa dạng hơn và bán lẻ vẫn là trụ cột với gần 80% tổng mức chi tiêu. Số liệu cho thấy doanh thu dịch vụ tiêu dùng thị trường trong nước đóng vai trò hết sức quan trọng đối với tăng trưởng GDP. Với chính sách thuế quan của Mỹ như hiện nay, thì đây có thể tạo ra cơ hội cho hàng Việt thay thế một số mặt hàng ngoại, đưa tiêu dùng nội địa lên ngôi.

Đòn bẩy tín dụng tiêu dùng nội địa

Theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI, thị trường nội địa hiện nay được coi là thị trường hết sức tiềm năng. Để tăng tính cạnh tranh, DN trong nước phải có thương hiệu và hệ thống phân phối. Hiện nay, nhiều DN nước ngoài đang nắm giữ hệ thống phân phối, DN Việt gặp nhiều khó khăn đưa hàng hoá vào hệ thống phân phối này. Do đó, cần có sự hỗ trợ về chính sách của Nhà nước để DN có thể tiếp cận chuỗi phân phối này.

Trong khi đó theo ông Trần Hữu Linh - Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công thương), 4 nhiệm vụ trọng tâm, then chốt để phát triển thị trường nội địa như, hoàn thiện chính sách pháp luật; nâng cao năng lực cho doanh nghiệp; tăng cường giám sát thị trường và xúc tiến thương mại; phát triển hạ tầng thương mại.

Vẫn theo ông Linh, cần phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm quy trình không cần thiết và ban hành chính sách mang tính đột phá; ưu tiên mở rộng mạng lưới bán lẻ, phát triển mô hình outlet (trực tuyến và trực tiếp), kho bãi và trung tâm logistics... đó là những yếu tố để nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo đảm chuỗi cung ứng liền mạch và phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng.

Về các giải pháp tăng trưởng tín dụng tiêu dùng nội địa, ông Trần Anh Thắng, Thành viên HĐQT Eximbank đề xuất cần phát triển sản phẩm thông qua các gói vay nhỏ, linh hoạt, không tài sản đảm bảo phục vụ các nhu cầu chi tiêu thực: mua đồ gia dụng, học phí, du lịch nội địa, chăm sóc sức khỏe... Bên cạnh đó, mở rộng tín dụng tiêu dùng xanh, số như: vay mua xe điện, thiết bị tiết kiệm năng lượng, tiêu dùng bền vững; Tăng cường cho vay tiêu dùng qua kênh đối tác để tiếp cận khách hàng trẻ và số hóa.

Tăng cường phối hợp với DN bán lẻ, thương mại điện tử để triển khai các chương trình khuyến mãi trả góp 0%; Tăng cường tài chính tiêu dùng tại vùng nông thôn, khu công nghiệp, nơi nhu cầu vay cao nhưng độ phủ tín dụng còn hạn chế;…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiếp tục giải pháp kích cầu thị trường nội địa