Tiếp tục không tăng học phí, trường đại học gặp khó?

Nguyễn Hoài 06/08/2023 14:00

Việc không tăng học phí nhằm giảm gánh nặng cho người học tuy nhiên phía các trường đại học lại đang gặp khó.

Ngân sách các trường càng eo hẹp

Nhằm chia sẻ, đồng hành với sinh viên, trong năm học tới, một số trường đại học chủ động xây dựng đề án hỗ trợ sinh viên, trong đó có trường quyết định không tăng học phí theo lộ trình.

Trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM vừa thông báo đến sinh viên sẽ không tăng học phí năm học 2023- 2024. Theo đó, học phí chương trình đào tạo chuẩn là 354.000 đồng/tín chỉ. Học phí chương trình chất lượng cao là 770.000 đồng/tín chỉ. Học phí này được duy trì liên tục 4 năm nay mà không tăng.

Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh của trường đại học.

Năm học 2023-2024, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội quyết định không tăng học phí theo lộ trình nhằm chia sẻ, đồng hành với người học.

Trường Đại học Thương mại vừa thông báo về mức học phí năm học 2023 - 2024 áp dụng cho sinh viên chính quy trình độ đại học.

Trường Đại học Thương mại cho biết, nhà trường sẽ thực hiện đúng chủ trương, quy định của Chính phủ, Bộ GDĐT không tăng học phí năm học mới, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao và trách nhiệm xã hội với cộng đồng, người học.

Trước đó, Trường Đại học Thương mại công bố mức thu học phí năm học 2023 - 2024 chương trình chuẩn dao động từ 23 - 25 triệu đồng, chương trình chất lượng cao, tích hợp 35,2 - 40 triệu đồng.

Theo đại diện Trường Đại học Thương Mại, việc không tăng học phí 3 năm liên tiếp khiến nhà trường gặp rất nhiều khó khăn trong việc cân đối tài chính.

Không chỉ vậy, từ sau ngày 1/7, Chính phủ thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức giảng viên lên mức 1.800.000 đồng/tháng, tương đương tăng 20,8% so với mức lương cơ sở trước đó.

Để đáp ứng được chính sách tăng lương cho giảng viên theo quy định chung, Trường Đại học Thương Mại dự chi ngân sách mỗi năm sẽ tăng lên vài chục tỷ đồng. Mức thu học phí không tăng, nhưng lương giảng viên, nhân viên lại tăng khiến ngân sách của trường ngày càng eo hẹp.

Bộ GDĐT nói gì?

Về lo lắng của các trường đại học sau 3 năm liên tiếp không tăng học phí, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Chính phủ đặt ra mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Do đó, việc không tăng học phí giúp người dân giảm gánh nặng học phí phải chi trả cho con em.

Theo đó, Bộ GDĐT sẽ hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81. Đây là thách thức lớn cho ngành Giáo dục.

Học phí không phải là nguồn thu duy nhất, chính sách học phí không phải chính sách duy nhất. Tuy nhiên, đối với giáo dục đại học, khoản thu từ học phí chiếm khoảng 50% - 90%.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, trường đại học đóng vai trò cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn lực khoa học công nghệ, có sứ mệnh thực hiện một trong ba đột phá chiến lược.

Các chính sách về học phí (Nghị định 60 và Nghị định 81) hiện chưa thực hiện được. Nguồn lực cho các cơ sở giáo dục đại học không tăng trong ba năm nay. Trong điều kiện giá cả tăng, đây là thách thức lớn để giữ chân đội ngũ giảng viên, giáo viên.

Để hỗ trợ các trường, Bộ GDĐT nỗ lực đảm bảo chi thường xuyên cho giáo dục đại học, chưa thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ giáo dục đại học. Bộ cũng sẽ đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ các trường trong bối cảnh khó khăn 3 năm liền không tăng học phí, giống như hỗ trợ doanh nghiệp.

Văn phòng Chính phủ ban hành thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Theo đó, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GDĐT khẩn trương tiếp thu ý kiến các đại biểu dự họp, thống nhất với các bộ có liên quan để hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2021/NĐ-CP.

Việc sửa nghị định theo hướng quy định rõ một số điều khoản về việc chưa triển khai, chưa áp dụng lộ trình cơ chế thu, quản lý học phí quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP, trình Chính phủ trước ngày 8/8. Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu không tăng học phí năm học 2023 - 2024.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiếp tục không tăng học phí, trường đại học gặp khó?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO