Trong năm 2021, ngành ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu.
"Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu để xử lý quyết liệt những tồn tại, yếu kém của hệ thống, trọng tâm là các TCTD yếu kém", là một trong những nhiệm vụ ngành ngân hàng đưa ra trong năm 2021 được Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú chia sẻ đầu xuân.
Theo khẳng định của Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú, trong năm 2021, ngành ngân hàng đặt ra nhiều nhiệm vụ quan trọng. Trong đó tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu để xử lý quyết liệt những tồn tại, yếu kém của hệ thống, trọng tâm là các TCTD yếu kém.
Nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh, cả về năng lực tài chính và quản trị hướng tới chuẩn mực, thông lệ quốc tế; tăng cường tính minh bạch và tuân thủ, kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của các TCTD.
NHNN tiếp tục bám sát diễn biến của thị trường trong nước và quốc tế để sử dụng linh hoạt các công cụ nhằm đạt được mục tiêu của chính sách tiền tệ là kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả huy động và phân bổ nguồn vốn trong nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Điều hành chính sách tín dụng theo hướng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; Lồng ghép các nội dung về phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh trong các chương trình, dự án tín dụng.
Bên cạnh đó, NHNN cũng tăng cường hiệu lực, hiệu quả hệ thống thanh tra, giám sát ngân hàng, đặc biệt là đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, các đối tượng là TCTD còn yếu kém, đảm bảo giữ vững an toàn hệ thống. Tăng cường ứng dụng công nghệ và chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho công tác thanh tra, giám sát ngân hàng.
NHNN cũng tập trung xây dựng Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025 phù hợp với thông lệ quốc tế và sự phát triển của hoạt động ngân hàng số trong thời kỳ CMCN 4.0; Tiếp tục xây dựng hạ tầng thanh toán quốc gia nhằm đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng trong nền kinh tế số; Tăng cường quản lý, giám sát đối với các hệ thống thanh toán, đảm bảo an ninh, an toàn, hiệu quả và thông suốt. Triển khai các giải pháp thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ, phương thức thanh toán hiện đại; đẩy mạnh triển khai các mô hình thanh toán tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Nhìn lại trong năm 2020, ngành ngân hàng cũng đã thực hiện nhiều giải pháp đẽ giúp doanh nghiệp vượt khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 gây ra.
Cụ thể NHNN đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 13/3/2020, tạo cơ sở pháp lý để các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, giúp người dân và doanh nghiệp giảm áp lực trả nợ để tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh; ban hành Chỉ thị 02/CT-NHNN ngày 31/3/2020 chỉ đạo các TCTD tăng cường triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch.
NHNN quyết liệt chỉ đạo TCTD tập trung mọi nguồn lực, đẩy mạnh cải cách quy trình thủ tục nội bộ, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn để nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng. Kịp thời điều chỉnh tăng mức tăng trưởng tín dụng của các TCTD hoạt động hiệu quả, có điều kiện mở rộng tín dụng lành mạnh vào các lĩnh vực phục vụ cho tăng trưởng kinh tế.
Theo thống kê chất lượng tín dụng được cải thiện rõ rệt qua các năm: Tốc độ tăng tín dụng giảm từ mức 18,25% năm 2016 xuống 13,65% năm 2019, nhưng tăng trưởng kinh tế tăng từ mức 6,21% lên 7,02% trong cùng giai đoạn.
Mặt bằng lãi suất hiện nay giảm mạnh, chỉ bằng 40% so với mức lãi suất nửa cuối năm 2011. Số liệu thống kê của IMF cho thấy, so với các nước láng giềng ASEAN có trình độ phát triển tương đồng, lãi suất cho vay bình quân của Việt Nam ở mức trung bình.
Ước đến 31/12/2020, tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 10,4%; tín dụng lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tăng khoảng 9,8%; tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 11%.