Mới đây, đại biểu của các tỉnh Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ đã có những góp ý thiết thực về Bộ tiêu chí nông thôn mới (NTM) các cấp giai đoạn 2021-2025; thông qua cuộc hội thảo do Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu Quốc gia phối hợp với tỉnh Gia Lai tổ chức.
Làm đường giao thông nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở Gia Lai.
Được biết, về định hướng giai đoạn 2021-2025, trên cơ sở giữ nguyên 19 Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2016-2020, Ban Chỉ đạo Trung ương sẽ có những điều chỉnh bổ sung, khắc phục những hạn chế nhằm phù hợp với điều kiện thực tế và đặc thù từng vùng miền. Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025 thống nhất có 3 cấp độ tiêu chí NTM: Bộ tiêu chí xã NTM, Bộ tiêu chí huyện NTM, Bộ tiêu chí tỉnh NTM. Đối với xã và huyện mỗi cấp sẽ có 3 mức độ NTM: Đạt chuẩn, nâng cao và kiểu mẫu. Đối với cấp tỉnh, trước mắt chỉ tập trung xây dựng Bộ tiêu chí tỉnh đạt chuẩn NTM.
Điểm nổi bật trong mục tiêu xây dựng Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025 là nâng cao đời sống người dân nông thôn. Trong đó nhắm tới các mục tiêu: Hoàn thiện và nâng cấp hệ thống hạ tầng phát triển kinh tế, xã hội nông thôn đồng bộ, kết nối với đô thị; thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM để hình thành nền nông nghiệp hiện đại; nâng cao chất lượng y tế, giáo dục và các thiết chế văn hóa, thể thao; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn.
Tại hội thảo, các ý kiến cũng đã tập trung bàn sâu đến việc nâng cao đời sống cho người dân vùng nông thôn; hạ tầng giao thông; các tiêu chí hướng đến mục tiêu phát triển bền vững; các tiêu chí áp dụng riêng cho từng vùng, đặc biệt là các vùng khó khăn, vùng giáp biên giới…
Một số ý kiến cũng cho rằng, đời sống của người dân các tỉnh Tây Nguyên còn rất khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo cao nên việc đáp ứng bộ tiêu chí NTM gặp nhiều trở ngại. Cụ thể, trong tiêu chí về giao thông, ngoài quy định chung về cấp độ xây dựng đường giao thông còn bắt buộc phải làm rãnh thoát nước, trồng cây xanh dọc 2 bên đường sẽ rất khó thực hiện, vì địa hình phần lớn là đồi núi, có những con đường nông thôn dài vài chục km sẽ rất tốn kém kinh phí. Vì vậy, riêng với tiêu chí về giao thông, nên để UBND tỉnh quy định cụ thể về tiêu chuẩn xây dựng, trồng cây xanh để cho phù hợp với địa phương.
Về tiêu chí thu nhập cũng không đơn giản. Một số ý kiến cho rằng, chỉ tiêu 41 triệu đồng/người/năm áp dụng cho các tỉnh Tây Nguyên sẽ khó thực hiện. Với tiêu chí về điện, việc phải ngầm hóa nguồn điện trên các tuyến đường nông thôn xem ra khó khả thi. Vì điều đó đối với những tuyến đường ở các đô thị lớn cũng còn khó khăn.
Nhìn chung, nhiều ý kiến cho rằng, để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 ở Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ, thì cần mạnh dạn trao quyền cho các địa phương, để triển khai đúng trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với thực tế.
Phát biểu ý kiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, về cơ bản 19 tiêu chí sẽ không thay đổi nhiều mà chủ yếu chỉnh sửa cho phù hợp với điều kiện thực tế, nhất là với các vùng khó khăn, vùng đặc thù. Ông Nam khẳng định, sẽ không hạ thấp tiêu chuẩn, chất lượng của các tiêu chí quan trọng như thu nhập, giảm hộ nghèo, giáo dục, lao động, môi trường, an ninh trật tự.. để đảm bảo việc xây dựng NTM đạt hiệu quả.