“Năm 2017, nền kinh tế sẽ tiếp tục có nhiều khó khăn, cần phải tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” qua việc thúc đẩy tiêu dùng trong nước với những mặt hàng Việt chất lượng tốt, giá rẻ để đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại”.
Đó là đề nghị của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2017 của Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động chiều 10/4.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Dự và chủ trì Hội nghị còn có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Trần Thanh Mẫn; Thứ trưởng Bộ Công Thương, Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Hồ Thị Kim Thoa; Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Trương Thị Ngọc Ánh.
Giám sát việc thực hiện Cuộc vận động ở các bộ ngành và địa phương
Theo Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, năm 2016, Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động và các Bộ, ngành đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng cho Ban chỉ đạo các tỉnh, thành phố, các đơn vị trực thuộc Bộ triển khai thực hiện Cuộc vận động, tăng cường công tác quản lý nhà nước, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện Cuộc vận động và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn phát biểu tại hội nghị.
“Cuộc vận động đã nâng cao nhận thức của người dân trong việc lựa chọn, tiêu dùng hàng Việt, giúp doanh nghiệp nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm, không ngừng cải tiến kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất, quản lý nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng, mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý, đảm bảo sức cạnh tranh sản phẩm, hàng hóa đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng”, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn khẳng định.
Về kế hoạch triển khai Cuộc vận động năm 2017, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động tiếp tục đẩy mạnh công tác triển khai và giám sát thực hiện Đề án “Phát triển thị trường trong nước”. Đẩy mạnh công tác triển khai thực hiện Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”.
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh trình bày báo cáo tại hội nghị.
Cùng với đó thực hiện giám sát việc thực hiện Cuộc vận động ở các bộ, ngành và địa phương, việc phát triển hệ thống kênh phân phối hàng Việt ở các địa phương năm 2016-2017. Giám sát việc tiêu thụ nông sản của Việt Nam trong các chợ truyền thống (tập trung vào các trung tâm thương mại và siêu thị). Đồng thời, khảo sát việc thực hiện chính sách nhập khẩu một số mặt hàng có nguy cơ gây phá giá đối với hàng hóa cùng chủng loại của Việt Nam.
“Ban chỉ đạo cũng sẽ phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Đảng ủy Khối các doanh nghiệp Trung ương xây dựng kế hoạch nghiên cứu thực trạng và giải pháp ứng xử của cơ quan quản lý nhà nước đối với một mặt hàng nhập khẩu cụ thể đang bán phá giá ở Việt Nam”, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh thông tin.
Chỉ rõ đơn vị sai phạm
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đánh giá, năm 2016 Cuộc vận động đã nhận được sự tham gia tích cực của nhiều Bộ, ngành địa phương. Cuộc vận động đã thực sự đi vào chiều sâu, được người tiêu dùng và doanh nghiệp quan tâm hưởng ứng.
“Khi xây dựng các điểm bán hàng Việt có những địa phương vùng sâu vùng xa miền núi có đến 2 hoặc 3 điểm bán hàng và người dân và doanh nghiệp đều hưởng ứng tích cực” - Thứ trưởng Thoa nói.
Trao đổi về nhiệm vụ năm 2017, Ban chỉ đạo sẽ phối hợp xây dựng kế hoạch nghiên cứu thực trạng và giải pháp ứng xử của cơ quan quản lý nhà nước đối với một mặt hàng nhập khẩu cụ thể đang bán phá giá ở Việt Nam, đại diện Bộ Công Thương cho rằng hiện Chính phủ đang nghiên cứu chống bán phá giá 3 mặt hàng thép, phân bón, thịt gà. Trong nhiệm vụ này đề nghị Ban Chỉ đạo xem xét để phối hợp thực hiện.
Theo ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và MTTQ Việt Nam, Bộ Y tế tích cực thực hiện Đề án Cuộc vận động ''Người Việt Nam dùng thuốc Việt Nam". Trong thời gian thực hiện, tỷ trọng thuốc Việt Nam trong các bệnh viện Trung ương, tỉnh, huyện tăng rõ rệt. Ở tuyến Trung ương, các bệnh viện tăng 2%, ở tuyến tỉnh tăng 12%, đặc biệt tuyến huyện tăng 20%.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường chia sẻ ý kiến tại hội nghị.
Phát huy kết quả đó, Bộ Y tế tiếp tục xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, sửa đổi bổ sung theo hướng ưu tiên thuốc Việt Nam sử dụng trong bệnh viện, đặc biệt chú trọng đến việc thuốc đủ đáp ứng đủ số lượng, chất lượng và giá cả phù hợp cho người dân.
“Trong thời gian tới, với việc chỉnh sửa văn bản quy phạm pháp luật thì chắc chắn tỷ lệ dùng thuốc trong nước tăng lên”, ông Trương Quốc Cường khẳng định.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo khẳng định trong việc đấu tranh với hàng giả, hàng nhái kém chất lượng cần chỉ rõ đơn vị nào sai phạm.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu ý kiến tại hội nghị.
“Một số cơ quan chức năng được phân công nhiệm vụ làm rõ sai phạm nhưng chưa công bố kết luận. Bộ đã đề nghị Chính phủ có văn bản phải xử lý nghiêm với các đơn vị làm sai, làm hàng giả, hàng kém chất lượng”, Thứ trưởng Bảo nêu.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa đề nghị, để triển khai Cuộc vận động cần quan tâm chất lượng mẫu mã hàng Việt, nâng cao hàng rào kỹ thuật để bảo vệ hàng trong nước. Bên cạnh đó là các dịch vụ chăm sóc khuyến mại, có biện pháp ưu tiên quảng cáo cho hàng hóa trong nước, Giáo dục lòng tự trọng yêu nước, tôn vinh khuyến khích hàng Việt.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa chia sẻ ý kiến tại hội nghị.
“Cần rà lại chính sách về đầu tư công. Đối với những công trình có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước phải ưu tiên hàng Việt và có chế tài trong sử dụng hàng Việt”, Thứ trưởng Thừa nêu.
Nghiên cứu chống bán phá giá với thịt gà nhập khẩu
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Cuộc vận động đi vào chiều sâu, tạo sự quan tâm, hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp địa phương, qua đó góp phần vào thành tựu chung của đất nước.
Tuy nhiên, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng thẳng thắn chỉ rõ thực tế năm 2016 có 16/28 bộ ngành và 18/63 tỉnh thành chưa có báo cáo. Điều này cho thấy nhiều bộ ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm đến Cuộc vận động này, sự chuyển biến chưa nhiều cần tiếp tục triển khai sâu rộng, quyết liệt Cuộc vận động trong thời gian tới.
“Trong quý III và quý IV-2017 đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động kiểm tra địa phương, bộ ngành không gửi báo cáo trong năm 2016”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị.
Quang cảnh hội nghị.
Theo người đứng đầu Mặt trận, năm 2017 sẽ tiếp tục có nhiều khó khăn cần phải tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" qua việc thúc đẩy tiêu dùng trong nước với những mặt hàng Việt chất lượng tốt, giá rẻ để đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại.
Đối với việc nghiên cứu đề xuất chống bán phá giá đối với mặt hàng trong nước, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị trong 3 nhóm hàng hóa là thép, phân bón, thịt gà mà Chính phủ đang đề xuất áp dụng nên nghiên cứu chống bán phá giá đối với thịt gà nhập khẩu.
“Tại Hà Giang, người nông dân đi bán gà tươi để mua gà đông lạnh không có nguồn gốc xuất xứ chỉ vì giá gà đông lạnh rẻ. Đây là mặt hàng nông nghiệp gắn với người nông dân. Đề nghị chọn thịt gà là mặt hàng để nghiên cứu chống bán phá giá ở Việt Nam. Việc nghiên cứu cần khởi động và hoàn thành trước 15/9, để trước kỳ họp Quốc hội có thể thông tin về mặt hàng này”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân chào mừng các đại biểu tham dự hội nghị.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng lưu ý trong năm 2017, Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động cần làm phiếu điều tra ý kiến của người tiêu dùng đối với một số mặt hàng để có thể đánh giá, lượng hóa đúng tác động của Cuộc vận động.
Bên cạnh đó cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Chỉ thị 13 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng vật tư, hàng hóa trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước và Quyết định 68 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016-2025.
Đặc biệt cần triển khai các chương trình chống gian lận thương mại để hàng Việt đến tận tay người tiêu dùng; tăng cường công tác khen thưởng những doanh nghiệp có sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá cao. Khen thưởng này cũng phải được Chính phủ công nhận để có sức lan tỏa.