Lượng tồn kho bất động sản tiếp tục tăng hơn so với cùng kỳ năm trước – đây là thông tin được Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) đưa ra trong Công bố thông tin chính thức về nhà ở và thị trường bất động sản quý II/2023 vừa phát hành.
Theo Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (BĐS), tỷ trọng tồn kho chủ yếu ở phân khúc BĐS nhà ở riêng lẻ, đất nền của các dự án và căn hộ nghỉ dưỡng của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhà ở và nghỉ dưỡng. Giá trị tồn kho BĐS hiện nay lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.
Thống kê từ số liệu báo cáo chưa đầy đủ của các địa phương (có 17/63 tỉnh) cũng cho thấy, lượng tồn kho BĐS trong quý II năm 2023 vào khoảng 16.688 căn (bao gồm chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền). Trong số đó, chung cư khoảng 1.714 căn, nhà ở riêng lẻ 7.473 căn và đất nền 7.501 sản phẩm. Như vậy, tỷ trọng tồn kho chủ yếu vẫn tập trung ở phân khúc BĐS nhà ở riêng lẻ và đất nền của các dự án.
Bộ Xây dựng nhận định, trong quý II năm 2023, mặc dù có những tín hiệu tích cực về cơ chế chính sách, lãi suất ngân hàng đang trong xu hướng giảm, tuy nhiên vẫn còn nhiều dự án BĐS đang phải tạm dừng do vướng mắc liên quan đến quy định pháp lý, liên quan đến điều chỉnh quy hoạch, giải phóng mặt bằng và biến động nguyên vật liệu… Ngoài ra, các dự án còn gặp khó về hạn chế vốn tín dụng ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp.
Nhận định về thị trường BĐS, giới chuyên gia nhấn mạnh, những điểm nghẽn của thị trường một phần không nhỏ liên quan đến pháp lý. Nói như chuyên gia kinh tế - TS Võ Trí Thành: “70% khó khăn của thị trường BĐS đến từ những vấn đề pháp lý”.
Theo các chuyên gia, hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng, kinh doanh BĐS… vẫn còn bất cập cần sửa đổi như: Chưa thống nhất về hình thức lựa chọn (đấu giá, đấu thầu, chỉ định) chủ đầu tư dự án có sử dụng đất.
Thêm vào đó, hiện thị trường BĐS rất thiếu vốn trung và dài hạn ổn định. Kênh huy động vốn qua trái phiếu doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Dòng vốn ứng trước của khách hàng và vốn chủ đầu tư chỉ chiếm khoảng 15-30% tổng mức đầu tư của dự án.
Ông Thành nhận định, BĐS có độ lan tỏa lớn và cần nhìn nhận BĐS theo nghĩa BĐS dịch vụ, đa công năng, khai thác công trình và xây dựng. BĐS luôn cần nguồn vốn lớn nên có sự liên quan chặt chẽ tới hệ thống tài chính và ổn định kinh tế vĩ mô.
Cũng khẳng định những khó khăn của tính pháp lý đối với thị trường bất động sản, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam nhấn mạnh rằng, nếu khó khăn về pháp lý thì dòng vốn cũng sẽ ách tắc. Cần có sự cải cách mạnh mẽ về thể chế, từ đó sẽ tạo lực đẩy cho thị trường.
Số liệu từ Công ty TNHH Savills Việt Nam cho thấy, vướng mắc pháp lý đang là nguyên nhân khiến hơn 700 dự án tại Hà Nội và TPHCM bị “treo”. Không ít ý kiến cho rằng, pháp lý là nguyên nhân lớn nhất khiến thị trường BĐS mất đi sức hút.
Do đó, nhà quản lý cần đưa ra những giải pháp thực tế và nhanh chóng để thu hút nguồn lực, nhất là dòng vốn đầu tư nước ngoài vào BĐS. Đặc biệt, nhanh chóng tháo gỡ “nút thắt” pháp lý để khơi thông dòng vốn cũng chính là mong muốn của nhiều doanh nghiệp BĐS hiện nay.
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu muốn thị trường BĐS "tan băng" phải có cơ hội về dòng tiền, bên cạnh đó mặt bằng giá cần giảm xuống một mức nào đó đủ để người mua tin tưởng và chấp nhận. Còn nếu chủ đầu tư nào cũng muốn giữ giá cao để chờ đợi cơ hội thì thị trường sẽ khó có thể chuyển biến theo hướng tích cực.
Thống kê từ số liệu báo cáo chưa đầy đủ của các địa phương (có 17/63 tỉnh) cũng cho thấy, lượng tồn kho bất động sản trong quý II năm 2023 vào khoảng 16.688 căn (bao gồm chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền). Trong số đó, chung cư khoảng 1.714 căn, nhà ở riêng lẻ 7.473 căn và đất nền 7.501 sản phẩm.