Tìm cách giữ chân lao động

M.Sang- K.Lê 17/02/2022 07:12

Trong năm 2021, thị trường lao động cả nước phải đối mặt với những tác động tiêu cực do dịch Covid-19 gây ra: Số người có việc làm giảm sâu, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, thu nhập bình quân tháng của người lao động sụt giảm nghiêm trọng… Dự báo, sự thiếu hụt lao động tiếp tục tăng vào thời gian cuối quý I và quý II/2022.

Sau Tết nhiều doanh nghiệp thiếu hụt nguồn lao động. Ảnh: Quang Vinh

Lao động thiếu hụt trầm trọng

Nhìn nhận về bức tranh thị trường lao động, ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), cho biết năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Kinh tế phục hồi sẽ thúc đẩy thị trường lao động Việt Nam khởi sắc, tiến tới đạt được các mục tiêu về lao động, việc làm và an sinh xã hội.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 có thể diễn biến phức tạp, khó kiểm soát ở một số địa bàn làm cho khả năng phục hồi và phát triển thị trường lao động vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức ở một số khu vực.

Ông Bình đưa ra dự báo, trong năm 2022, với kịch bản khả quan nhất (dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, đến hết quý I/2022 hoàn thành mục tiêu về tỷ lệ dân số được tiêm phòng Covid -19) thì đại dịch Covid -19 vẫn tiếp tục tác động tiêu cực đến hơn 5 triệu lao động.

“Vẫn còn tình trạng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ, thiếu hụt lao động tại các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong khi tại các tỉnh, thành phố dư cung lao động, lại thiếu việc làm”, ông Bình cho hay.

Thực tế cho thấy, sau Tết Nguyên đán, dù thị trường lao động ghi nhận nhiều điểm sáng nhưng vẫn xảy ra tình trạng DN thiếu nguồn lao động dù các DN đã tổ chức những chuyến xe về quê đón lao động hay những chính sách tuyển dụng linh hoạt.

Nói về nhu cầu tuyển dụng nhân lực tại TP HCM, ông Phan Kỳ Quan Triết - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM cho biết, nhu cầu nguồn nhân lực trong năm 2022 khá dồi dào, trong trường hợp dịch bệnh có chiều hướng phức tạp thì thành phố vẫn có nhu cầu tuyển dụng gần 80.000 lao động, nếu trường hợp dịch kiểm soát tốt thì nhu cầu lên tới gần 90.000 vị trí.

“Sau Tết Nguyên đán, nguồn nhân lực đã đáp ứng khoảng 85%, nhưng cái thiếu hiện nay chính là nguồn nhân lực chất lượng cao. Do đó, các DN vừa tiếp nhận, vừa đào tạo. Những ngành nghề có thể sử dụng được ngay, đòi hỏi công nghệ thấp thì có thể có lực lượng ngay, nhưng những ngành nghề đòi hỏi công nghệ cao thì phải có thời gian phục hồi. Do đó, các DN hiện đang phối hợp rất chặt chẽ với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các Trung tâm hướng nghiệp để thực thi nhiệm vụ này” - Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung.

Ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở LĐTB&XH TP HCM cho biết, hiện nay, nhu cầu tuyển dụng của các DN tập trung vào các ngành nghề sử dụng nhiều lao động không yêu cầu tay nghề cao. Do đó, mức lương khởi điểm khi bắt đầu công việc chưa thể bảo đảm cuộc sống cho người lao động và những người phụ thuộc.

Bên cạnh đó, một số DN chưa có các chính sách chăm lo tốt cho người lao động để họ yên tâm làm việc nên việc gặp khó khăn khi tuyển dụng lao động là khó tránh.

“Quý I/2022 vừa rơi vào thời điểm Tết Nguyên đán, vừa là thời điểm hàng năm các DN cần tuyển nhiều lao động để bổ sung lực lượng lao động chuyển đổi việc làm hoặc người lao động về quê chưa quay trở lại sau Tết.

Nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt, tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội, dự kiến nhu cầu nhân lực quý I/2022 cần khoảng 75.000 chỗ làm việc cho việc phát triển và mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh” - ông Tấn thông tin.

Tương tự, tại tỉnh Bình Dương, trên trang website của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương thường xuyên có hàng trăm DN đăng tin tuyển lao động. Theo thống kê của trung tâm này, từ cuối năm 2021 đến đầu năm 2022 các DN có nhu cầu tuyển thêm hơn 50.000 lao động để đáp ứng nhu cầu các đơn hàng đã ký kết, đơn hàng mới, tập trung ở các ngành nghề: Giày da, dệt may, điện tử, gỗ, thực phẩm, thương mại Dịch vụ…

Còn tại Hà Nội, ngay từ những ngày đầu năm, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội đã nhận được đơn hàng của nhiều DN với số lượng vị trí lên đến hàng nghìn vị trí tuyển dụng. Nhu cầu tuyển dụng là rất lớn nhưng theo thống kê sơ bộ, hiện các DN mới tuyển đủ từ 70% đến 90% nguồn nhân lực.

Thực hiện tốt các chính sách phúc lợi, chế độ lương thưởng là giải pháp tốt nhất để doanh nghiệp giữ chân người lao động. Ảnh: Quang Vinh

Cần nhiều giải pháp “kép”

Theo khảo sát của Bộ LĐTB&XH, tại các tỉnh, thành phố, vùng kinh tế trọng điểm, dự kiến trong năm 2022, các DN sẽ có nhu cầu tuyển dụng khoảng 700.000 lao động. Sự thiếu hụt lao động chưa xảy ra vào đầu năm mà có thể tăng vào thời gian cuối quý I và quý II/2022, khi các DN bắt đầu hoạt động trở lại với công suất cao nhất thì, nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ tăng cao.

Phản ánh từ nhiều DN cho thấy, họ đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, mà điều này khó có thể giải quyết trong một sớm một chiều. Trong bối cảnh bùng nổ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cùng với việc Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới thì yêu cầu lao động chất lượng cao là tất yếu.

Bởi thế, nhiều ngành, nghề đang “khát” nhân lực chất lượng cao, nhất là những lĩnh vực liên quan đến chuyển đổi số, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng.

Theo TS Ngô Quỳnh Anh (ĐH Kinh tế quốc dân), để phục hồi thị trường lao động trong thời gian tới, cần có những giải pháp hỗ trợ tốt nhất cho người lao động và DN. Theo đó, về phía DN cũng cần cải thiện năng lực sẵn sàng trong các tình huống khẩn cấp.

“Chúng ta cần tăng cường quản lý về lao động trên thị trường lao động để hỗ trợ DN có thông tin về danh tính người lao động trong quá trình tuyển dụng, hỗ trợ trong quá trình quản lý người lao động chứ không để DN tự làm việc này. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay rất cần số hóa thị trường lao động, đây là giải pháp then chốt, cần đẩy nhanh gấp 5-10 lần so với lộ trình đặt ra”, TS Ngô Quỳnh Anh nói.

Còn theo bà Nguyễn Thị Thủy - Phó Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam, trong giai đoạn này cam kết đảm bảo việc làm, thu nhập là cách níu công nhân ở lại hiệu quả nhất.

“Những ngày đầu năm 2022, các nhà máy đã ký được đơn hàng lấp đầy đến hết quý III/2022. Thông tin này được công bố rộng rãi đến toàn bộ người lao động để họ an tâm. Bên cạnh đó, các DN dệt may phải duy trì lương thưởng, không cắt giảm các khoản phúc lợi sẽ giúp công nhân tin tưởng vào tài chính vững chắc của DN” – bà Thủy nói.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg về việc đôn đốc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.

Theo đó, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ LĐTB&XH chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương liên quan theo dõi chặt chẽ, nắm tình hình lao động để kịp thời có phương án hỗ trợ DN khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động sau Tết, hỗ trợ người lao động quay trở lại nơi làm việc, nhất là các khu vực đang vào đà phục hồi, khôi phục và phát triển.

Tăng cường các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, kết nối cung cầu lao động, đáp ứng đủ lao động cho các địa phương, nhất là tại các vùng kinh tế trọng điểm, các ngành nghề sử dụng nhiều lao động.

Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội:

Thực hiện tốt các chính sách phúc lợi

Theo ghi nhận tại Hà Nội, tình trạng “nhảy việc” sau Tết hiện nay gần như không xảy ra. Điều này thể hiện qua việc số lao động đến làm thủ tục nhận bảo hiểm thất nghiệp năm 2021 trên địa bàn Hà Nội giảm hơn so với các năm trước gần 20.000 lượt người. Tuy nhiên, tâm lý e ngại dịch bệnh của người lao động vẫn còn, do đó, nếu nơi làm việc mà không kiểm soát tốt dịch bệnh thì cũng sẽ có tác động đến quyết định trở lại làm việc của người lao động (NLĐ).

Giải pháp tốt nhất để DN giữ chân NLĐ là thực hiện tốt chế độ lương, thưởng, phúc lợi. Đồng thời có thêm các chính sách hỗ trợ người lao động quay trở lại làm việc như chi phí đi lại, xét nghiệm Covid-19… Bên cạnh đó, để hỗ trợ DN và NLĐ, chúng ta cần triển khai tiếp các chính sách hỗ trợ để DN phục hồi, vì chỉ khi DN phục hồi mới tạo nhiều cơ hội việc làm và thu nhập cho NLĐ.

Bà Ngô Thị Ngọc Lan - Giám đốc khu vực miền Bắc Navigos Search:

Văn hóa doanh nghiệp có thể giữ chân người lao động

Việc thiếu hụt nguồn nhân lực với DN không chỉ gây đình trệ sản xuất mà còn là mất lợi thế đơn hàng, lợi thế cạnh tranh. Giải pháp trước mắt và tác động ngay đến NLĐ đó là các giải pháp về tiền lương, thưởng.

Ngoài ra, các DN cũng có thể đưa ra các giải pháp như tạm ứng lương cho người lao động, để giúp người lao động cảm thấy muốn quay trở lại với DN nhiều hơn. Bên cạnh việc làm sao có thể “giữ chân” người lao động, bản thân công ty cần xây dựng văn hóa DN thực sự tốt thì mới có thể “giữ chân” NLĐ.

Việc triển khai xây dựng được văn hóa DN cần nhiều thời gian, tuy nhiên văn hóa minh bạch, văn hóa gắn kết, văn hóa phát triển để giúp NLĐ có cơ hội để phát triển là nhân tố quan trọng tạo mối liên kết giữa giữa NLĐ và DN, khi mối liên kết được tạo dựng chặt chẽ thì khi đó NLĐ sẽ gắn bó lâu dài với DN hơn. Xong về lâu dài cần sự đồng hành từ phía Nhà nước, trong đó vai trò quản lý của cơ quan Nhà nước tại các địa phương là rất quan trọng.

Lê Bảo(ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm cách giữ chân lao động