Kinh tế

Tìm động lực thúc đẩy tăng trưởng bền vững

Hồ Hương 07/04/2025 10:00

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% vào năm 2025 và duy trì đà tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo, Việt Nam cần nhận diện rõ các động lực mới và đầu tư cho phát triển bền vững. Trong đó, không thể thiếu vai trò của kinh tế tư nhân.

Bối cảnh tăng trưởng năm 2025

Bối cảnh kinh tế toàn cầu năm 2025 đang dần được định hình với nhiều yếu tố phức tạp, khó lường và bất định, rủi ro gia tăng. Theo đó, Hoa Kỳ đang chủ động tái cấu trúc liên kết, ưu tiên sản xuất nội địa và theo đuổi các thoả thuận có đi có lại một cách quyết liệt. Điều này đặt ra cho thương mại toàn cầu nhiều thách thức khi chủ nghĩa bảo hộ có nguy cơ trỗi dậy mạnh mẽ. Đặc biệt việc Hoa Kỳ tập trung vào các quốc gia có thặng dư thương mại lớn, trong đó có Việt Nam làm dấy lên lo ngại về những biện pháp bảo hộ thương mại tiềm tàng nhắm vào Việt Nam trong thời gian tới.

bai tr17]
Cần thêm nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Ảnh: Quang Vinh.

Trong bối cảnh chính sách thương mại Hoa Kỳ trở nên khó đoán định, các doanh nghiệp (DN) Trung Quốc đang hoạt động tại Việt Nam cũng bắt đầu thể hiện sự lo lắng. Xu hướng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam để tránh thuế quan Mỹ trước đây có thể sẽ không còn là giải pháp tối ưu, khi chính sách ưu tiên Mỹ có khả năng mở rộng. Điều này thúc đẩy các DN Trung Quốc xem xét chuyển hướng đầu tư sang các quốc gia Đông Nam Á khác được cho là ít rủi ro hơn, tạo ra một làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư ra khỏi Việt Nam. Do đó, theo các chuyên gia kinh tế, chính sách thương mại mới của Mỹ không chỉ tạo ra những rào cản trực tiếp đối với xuất khẩu của Việt Nam, mà còn gián tiếp gây ra những tác động tiêu cực thông qua kênh lạm phát, lãi suất và tỷ giá, tạo ra một môi trường kinh tế vĩ mô bên ngoài đầy thách thức cho DN Việt Nam trong năm 2025 và những năm tới.

Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 – 2025, năm tăng tốc, bứt phá, về đích. Tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 cần đạt 8% trở lên, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số trong thời gian đủ dài (bắt đầu từ năm 2026).

Giới chuyên gia kinh tế nhận định, cần phát huy vai trò dẫn dắt tăng trưởng của các vùng động lực, hành lang kinh tế và cực tăng trưởng. Trong đó tăng trưởng GRDP của các địa phương năm 2025 tối thiểu 8 – 10% nhất là Hà Nội, TPHCM, các địa phương tiềm năng, thành phố lớn là đầu tàu, cực tăng trưởng cần phấn đấu mức tăng trưởng cao hơn bình quân chung của cả nước; có cơ chế khuyến khích phù hợp đối với các địa phương tăng trưởng cao... Đặc biệt, cần tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, củng cố niềm tin thị trường, đẩy mạnh đầu tư tư nhân, công nghiệp chế biến, chế tạo. Thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao; sớm rà soát, tháo gỡ, thưc hiện các dự án đang tồn đọng...

Bên cạnh đó phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nhân lực chất lượng cao để trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng trong trung và dài hạn.

Theo TS Đặng Xuân Thanh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% vào năm 2025 và duy trì đà tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo, Việt Nam cần nhận diện rõ các động lực mới cho phát triển bền vững.

Nền kinh tế cần chuyển mạnh từ các động lực truyền thống như lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên thiên nhiên sang các yếu tố hiện đại và bền vững.

Còn theo TS Nguyễn Hải Nam - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, Việt Nam vẫn có cơ hội để bứt phá nếu kiên định và quyết liệt trong đổi mới thể chế và cải cách môi trường đầu tư. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng như kỳ vọng, Việt Nam cần khơi thông các điểm nghẽn pháp lý, thúc đẩy đồng thời 3 trụ cột: Đầu tư công, tiêu dùng và xuất khẩu. Bên cạnh đó, đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển các ngành công nghiệp mới như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), năng lượng tái tạo...

Khẳng định vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân

TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh, phải xác định sứ mệnh của kinh tế tư nhân không chỉ là động lực quan trọng nhất của tăng trưởng kinh tế, mà còn là lực lượng tiên phong, chủ lực trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong thực hiện những công trình quan trọng của quốc gia nhằm nâng cao vị thế, năng lực cạnh tranh, sức chống chịu của nền kinh tế. Nếu khu vực này không đạt tăng trưởng khoảng 10% thì nền kinh tế chắc chắn sẽ không đạt được mục tiêu đề ra.

Ông Cung cũng phân tích về 2 động lực để kinh tế tư nhân phát triển. Thứ nhất là cải cách thể chế. Tháo được “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, tạo “đột phá của đột phá” thì trọng tâm của trụ cột này phải chuyển đổi, tháo bỏ. Tháo bỏ, chuyển đổi hệ thống pháp luật chồng chéo, trùng lặp, không rõ ràng, không hiệu quả, không cụ thể, minh bạch…

Hệ thống pháp luật thiên về quản lý, “không quản được thì cấm”, cần phải được chuyển sang một hệ thống pháp luật thông thoáng, tạo môi trường thực sự tự do kinh doanh, tự do sáng tạo, bình đẳng với một chi phí tuân thủ thấp, không gặp rủi ro pháp lý trong hoạt động kinh doanh. DN được thể hiện hết khả năng của mình để cống hiến làm giàu cho bản thân và đất nước. Đồng thời, những tranh chấp xảy ra được giải quyết một cách công bằng, hiệu quả.

Trụ cột thứ hai, cần tạo ra một môi trường, hệ thống chính sách hỗ trợ, khuyến khích thúc đẩy phát triển doanh nghiệp tư nhân. Ở đây, tạo cho DN một môi trường tiếp cận vốn, đất đai, khoa học công nghệ, dữ liệu… kịp thời, đủ lớn về quy mô và đồng bộ để họ bứt phá lên một cấp độ mới, từ siêu nhỏ đến vừa, vừa đến lớn - một ngưỡng rất khó của DN.

“Khuôn khổ để DN phát triển không chỉ là vốn tín dụng, mà còn là vốn đầu tư dài hạn. Như vậy, Nhà nước cần mở ra thị trường vốn đầu tư đa dạng hơn. Phải phát triển thị trường vốn có các loại quỹ, điều mà hiện nay chúng ta đang thiếu rất nhiều” – TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

Còn theo Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn, hiện đang tồn tại 8 rào cản lớn kìm hãm sự phát triển của DN và nền kinh tế, trong đó đáng chú ý là môi trường pháp lý còn thiếu thuận lợi, các chính sách hỗ trợ DN chưa cụ thể, cùng với những bất cập trong việc tiếp cận các nguồn lực thiết yếu như đất đai, tín dụng hay thông tin thị trường. Từ việc nghiên cứu kinh nghiệm phát triển của một số nền kinh tế như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Việt Nam có thể rút ra những bài học phù hợp để vận dụng vào quá trình hoạch định chính sách.

Theo ông Tuấn, để khu vực kinh tế tư nhân “cất cánh”, cần có những hành động quyết liệt, đồng bộ và dài hạn, trong đó đặc biệt tập trung vào ba yếu tố then chốt là thể chế, tài chính và nguồn lực. Ngoài ra, vai trò dẫn dắt của các DN tư nhân lớn trong việc mở đường cho các DN nhỏ hơn cùng phát triển cũng tạo ra một hệ sinh thái DN năng động và bền vững.

Thông tin mới nhất về việc xây dựng chính sách phát triển khu vực kinh tế tư nhân được bà Bùi Thu Thủy - Phó cục trưởng Cục Phát triển DN tư nhân và Kinh tế tập thể (Bộ Tài chính) cho biết, điểm đột phá của dự thảo Nghị quyết lần này là thiết kế chính sách theo hướng phân tầng, phù hợp với từng nhóm DN. Dự thảo tích hợp nhiều nội dung quan trọng như Đề án phát triển DN nhỏ và vừa, Đề án phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam.

Dự thảo Nghị quyết sẽ đề xuất nhiều giải pháp mạnh mẽ, cụ thể về cải cách thể chế, chính sách tiếp cận nguồn lực, đặc biệt là đất đai, tài chính cho khu vực tư nhân. Dự thảo sẽ đưa ra nhóm giải pháp hỗ trợ DN tư nhân lớn vươn lên dẫn dắt nền kinh tế, tham gia các dự án trọng điểm, phát triển công nghiệp hỗ trợ và chuỗi cung ứng.

“Việt Nam cần sớm hoàn thiện và đưa vào khai thác hiệu quả các cơ sở dữ liệu quốc gia. Điều này bao gồm cơ sở dữ liệu tiêu dùng, dữ liệu tài chính, bảo hiểm, sàn giao dịch việc làm, công chứng số, xử lý vi phạm hành chính và an sinh xã hội.

Đối với sàn dữ liệu, cần xây dựng các dịch vụ trung gian dữ liệu để các tổ chức có thể khai thác và kết nối với đối tác một cách hiệu quả.

bai tr17 ôg Lâm
Ông Trần Phong Lãm - Giám đốc Kinh doanh Khối Chính phủ, Công ty Cổ phần Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS).

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần sớm xây dựng và ban hành danh mục các nền tảng số quốc gia, nền tảng dùng chung theo ngành, lĩnh vực và vùng. Điều này đảm bảo hệ thống số hoạt động liên thông và thống nhất, chẳng hạn như nền tảng bệnh án điện tử, nền tảng mua sắm tập trung, nền tảng quản lý sản phẩm và truy xuất nguồn gốc” - ông Trần Phong Lãm - Giám đốc Kinh doanh Khối Chính phủ, Công ty Cổ phần Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm động lực thúc đẩy tăng trưởng bền vững