Ngày 27/7, tại TP Cần Thơ, Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội Dương Thanh Bình chủ trì Hội nghị giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến thu hồi đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - Xã hội
Ông Dương Thanh Bình cho biết, mục đích của hội nghị là để làm rõ hơn những tồn tại hạn chế trong chính sách, pháp luật về đất đai, trong tổ chức thực hiện quản lý đất đai của các cơ quan có thẩm quyền, công tác thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội và việc giải quyết khiếu nại tố cáo phát sinh, đồng thời chỉ ra nguyên nhân chủ yếu để đề ra giải pháp và kiến nghị nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng như hoạt động giám sát của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử trong công tác này.
Những năm qua, Chính phủ cùng chính quyền địa phương mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, tuy nhiên, tình hình khiếu nại tố cáo đông người, vượt cấp vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Đa số liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư do xác định không đúng loại đất, áp giá bồi thường thấp, diện tích thu hồi không đúng, vị trí tái định cư không phù hợp; liên quan đến việc thu hồi đất, cưỡng chế thu hồi không tổ chức họp, lấy ý kiến người dân, thu hồi không nằm trong quy hoạch…;
Thiếu công khai, minh bạch trong việc cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đên việc công bố quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất …; liên quan đến những sai phạm trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai như thu hồi, cấp, giao đất cho các tổ chức cá nhân trái pháp luật, thu hồi không có quyết định thu hồi…Theo đó, qua tổng hợp, rà soát có 44/63 địa phương xuất hiện các vụ việc khiếu nại tố cáo đông người tại Trụ sở Tiêp Công dân Trung ương với 221 vụ việc.
Tại đây, các đại biểu cùng nhau tập trung trao đổi, thảo luận về các nội dung trọng tâm như những tồn tại, hạn chế trong các quy định luật đất đai năm 2013 về thu hồi đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội và một số quy định của Luật Đất đai chưa đảm bảo đồng bộ, thống nhất với các quy định tại Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Quy hoạch, Luật Lâm nghiệp…từ đó, đưa ra các kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điều luật cụ thể trong Luật Đất đai năm 2013;
Những hạn chế, vướng mắc trong tổ chức thực hiện việc thu hồi đất và trong công tác giải quyết khiếu nại tố cáo liên quan đến thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, xác định nguyên nhân, tìm ra giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại tố cáo; Trình tự xem xét thẩm tra dự thảo nghị quyết của HĐND cấp tỉnh, thành phố về danh mục các dự án thu hồi đất do UBND cấp tỉnh trình, những khó khăn vướng mắc trong thực tiễn hoạt động thẩm tra và giám sát việc thu hồi đất để thực hiện mục đích phát triển kinh tế, xã hội; Quy trình Đoàn đại biểu Quốc hội thực hiện giám sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo của các cơ quan có thẩm quyền, các giải phằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động giám sát.
Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, công tác tiếp nhận và giải quyết khiếu nại tố cáo về đất đai tại địa phương đã được quan tâm chỉ đạo thường xuyên, công tác phối hợp giữa Trung ương và địa phương, giữa Thanh tra TP với các sở ngành ngày càng chặt chẽ và hiệu quả hơn trước.
Qua công tác phối hợp đã tạo sự đồng thuận, theo đó nhiều vụ việc đã chấm dứt khiếu nại kéo dài. Từ năm 2019 đến nay, UBND TP đã giao cho Sở TN&MT tham mưu giải quyết 54 vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền, kết quả cho thấy khiếu nại sai 52 vụ, khiếu nại đúng 1 vụ, khiếu nại đúng 1 phần 1 vụ.
Ông Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, “Khi thu hồi đất đối với các các dự án phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng các khu đô thị mới cần phải có kế hoạch thu hồi rõ ràng, giá trị đền bù đất phải phù hợp và cần được thống nhất với nhau theo đúng mức giá cụ thể, áp giá thị trường hay nhà nước, đặc biệt khi quy hoạch hoặc điều chỉnh quy hoạch, cần công khai, minh bạch họp dân lấy ý kiến thông qua khi có quy hoạch điều chỉnh quy hoạch…Cách làm trong thời gian qua còn nhiều nhập nhằng, mỗi nơi giải thích một kiểu, thiếu sự nhất quán trong cách giải quyết, giải thích giữa các cấp, các ngành từ trung ương và địa phương, cần phải có sự thống nhất trên dưới với nhau".