Thất nghiệp ở độ tuổi ngoài 40 đã khiến cơ hội việc làm của người lao động khó khăn hơn vì rào cản tuổi tác, sức khỏe và những yêu cầu khắt khe từ doanh nghiệp tuyển dụng.
Chật vật tìm việc
Nhằm giúp người lao động (NLĐ) mới, lao động mất việc sớm quay trở lại thị trường lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội liên tục tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối nhiều tỉnh, thành, phiên giao dịch việc làm lưu động tại các quận, huyện. Ghi nhận cho thấy, các doanh nghiệp (DN) bên cạnh tuyển dụng lao động 18 - 30 tuổi thì vẫn có những việc làm cho người 35 tuổi trở lên.
Chẳng hạn, Trung tâm dịch vụ hàng không thuộc Công ty cổ phần Đào tạo huấn luyện nghiệp vụ hàng không vẫn tuyển lao động 35 tuổi làm vệ sinh sân bay; bốc xếp hàng hóa; vận chuyển hàng hóa. Riêng vị trí lái xe, người 45 tuổi vẫn có thể ứng tuyển nếu đáp ứng điều kiện về sức khỏe, có bằng lái xe theo yêu cầu. Hay Công ty TNHH Ninsing Logistics có tuyển lao động trên 35 tuổi làm nhân viên giao nhận bằng xe máy, làm giờ hành chính từ thứ hai đến thứ bảy, được đóng bảo hiểm xã hội theo quy định và có thêm bảo hiểm 24/7. Tuy nhiên để tìm được công việc phù hợp với những lao động có độ tuổi ngoài 40 không hề dễ.
Có mặt tại Phiên giao dịch việc làm trực tuyến dành cho lao động bị mất việc làm do Trung tâm dịch vụ Hà Nội tổ chức với hy vọng sẽ tìm được cho mình một công việc phù hợp, song anh Nguyễn Quốc Trung (50 tuổi, Bắc Giang) đành phải thất vọng ra về. “Dù đã chuẩn bị sẵn 10 bộ hồ sơ song kết quả không như kỳ vọng vì đa phần DN tuyển dụng giới hạn độ tuổi. Tôi thất nghiệp gần 1 năm nay, để có tiền trang trải cuộc sống tôi phải làm rất nhiều việc, kể cả chạy grab trong khi trước đó tôi là một kỹ sư xây dựng” - anh Trung giãi bày.
Tương tự, dù được công ty hỗ trợ 2 tháng lương cùng những chính sách phúc lợi khác khi nghỉ việc nhưng chị Hương Trà (quê Hưng Yên) không khỏi sốc khi biết mình có tên trong danh sách.
“Ở tuổi 45 lại làm công nhân may nên đi xin việc lúc này với tôi không hề dễ. Đi làm nghề khác mà không có chuyên môn nên xin việc rất khó, giờ ở lại cũng không được mà về quê cũng không xong” - chị Trà chia sẻ.
Hỗ trợ lao động tìm việc làm mới
Phản ánh từ các địa phương cho thấy, thời điểm này trước đây, các DN đều có đơn hàng dồi dào và tăng cường tuyển dụng lao động để phục vụ sản xuất và các đơn hàng mới. Nhiều DN phải đăng thông tin tuyển dụng nhân lực. Song năm nay, số lượng DN thu hẹp quy mô sản xuất lớn, nhu cầu tuyển dụng giảm nên cơ hội việc làm của NLĐ ít hơn.
Đánh giá từ giới chuyên gia cũng cho biết, trong bối cảnh các DN bị cắt giảm đơn hàng, lao động ngoài 40 tuổi trở lên là nhóm có nguy cơ cao bị mất việc, giãn việc, giảm thu nhập. Nguyên nhân vì nhóm lao động ngoài 40 tuổi thường được các DN cho là có nhiều hạn chế với tuổi tác, ít cập nhật công nghệ, nâng cao kỹ năng nghề. Song cũng có DN lợi dụng tình hình để cắt giảm lao động lớn tuổi, vốn có lương cao để tuyển lao động trẻ tuổi với mức lương thấp và năng suất làm việc cao hơn. Vì thế, lao động lớn tuổi ít có cơ hội tìm được việc làm mới, cuộc sống cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.
Khảo sát của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM tại một số DN cắt giảm nhiều lao động cho thấy, đa số là lao động phổ thông và có độ tuổi trên 40. Mất việc khi lớn tuổi lại khó tìm việc làm mới khiến không ít NLĐ lúng túng.
Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, mỗi DN có phương án riêng trong công tác sử dụng lao động. Việc tuyển dụng lao động phụ thuộc vào vị trí việc làm ở từng DN. Ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, nếu DN sử dụng nhiều lao động làm trong dây chuyền sản xuất thì họ tuyển người trẻ, có sức khỏe tốt...
Trong bối cảnh hiện nay, để không bị mất việc, ông Thành khuyến cáo, NLĐ chủ động nâng cao tay nghề. Đồng thời cập nhật kiến thức liên quan đến vị trí việc làm của mình theo sự chuyển động của thị trường lao động. Trường hợp bất khả kháng xảy ra, NLĐ có kiến thức và kỹ năng thì việc chuyển dịch việc làm rất dễ.
Ở góc độ khác, ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, kỳ thị tuổi tác trong sử dụng lao động là mặt trái của nền kinh tế thị trường. Nguyên nhân chủ yếu là do cung lớn hơn cầu, dẫn đến DN cơ cấu lại lao động, tối ưu hóa nguồn lực nhằm đạt năng suất cao, chi phí ít nhất. Nhìn chung người có kỹ năng, trình độ chuyên môn thấp, lớn tuổi dễ bị đào thải.
Theo ông Huân, để giải quyết thực trạng này, cần tạo ra thị trường việc làm phong phú, để mất việc làm này NLĐ có thể làm việc khác hoặc học nghề khác.
Theo Tổng cục Thống kê, đây là nhóm đối tượng trong độ tuổi lao động, vẫn cần làm việc để có thu nhập duy trì cuộc sống. Nhà nước cần sớm có chính sách hỗ trợ DN duy trì sản xuất, nỗ lực không cắt giảm lao động; hạn chế tình trạng NLĐ, hơn 40 tuổi mất việc, phải xoay xở với những công việc tự do.