Ngày 26/12, tại huyện Cư M’gar (Đắk Lắk), Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại việt Nam (VnSAT) tổ chức Diễn đàn Khuyến nông Nông nghiệp với chủ đề “Một số giải pháp thâm canh cà phê hợp lý để nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững”. Theo số liệu thống kê, ước tổng diện tích cà phê năm 2016 đạt hơn 643.000 ha.
Diện tích này đang trong thời kỳ khai thác rất tốt khiến cho năng suất cà phê Việt Nam cao gấp 2-4 lần thế giới. Năng suất cao ổn định là yếu tố quan trọng nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành cà phê Việt Nam so với thế giới.
Tuy nhiên, bên cạnh đó những hạn chế, tồn tại đang thách thức ngành sản xuất, chế biến cà phê. Cụ thể, theo quy hoạch của Bộ NN&PTNT đến năm 2020 cả nước có 600 ngàn ha, trong đó Tây Nguyên 530 ngàn ha, đến năm 2016 đã trồng 643,159 ngàn ha, vượt gần 7,2%, trong đó Tây Nguyên 577,786 ngàn ha, vượt 9,02% so với quy hoạch năm 2020.
Trước thực trạng sản xuất cà phê của các nông hộ chủ yếu chạy theo số lượng, chưa quan tâm thích đáng đến chất lượng, an toàn, bền vững.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã thống nhất giải pháp trong việc phát triển cà phê bền vững ở Tây Nguyên gồm: Phải thực hiện tốt kế hoạch tái canh; chuyển đổi cơ cấu giống; thực hiện tốt quy trình canh tác; tưới nước tiết kiệm; nâng cấp sơ chế cà phê nông hộ; tăng cường công tác khuyến nông.