Ngày 13/6, tại Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Goethe đã tổ chức tọa đàm “Tranh sơn mài: Chất liệu và nghệ thuật”.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên nhấn mạnh sự đóng góp to lớn cho nền hội họa Việt Nam của tranh sơn mài.
Cũng theo Thứ trưởng, tranh sơn mài là thuật ngữ sáng tạo riêng của người Việt Nam xuất hiện khoảng những năm 1930, chỉ thể loại tranh hội họa Việt Nam sử dụng chất liệu chính là sơn ta pha nhựa thông để tạo nên sơn cánh gián cho khả năng mài và đánh bóng. Tranh sơn mài muốn nhấn mạnh đến kỹ thuật vẽ đặc biệt là dùng đá, giấy ráp và nước để mài, tạo hiệu quả trên bề mặt tác phẩm.
Chính sự tìm tòi, thể nghiệm thành công này đã đặt ra tiền đề cho sự phát triển của tranh sơn mài Việt Nam. Buổi tọa đàm có sự tham gia của các nhà nghiên cứu, chuyên gia tới từ nhiều quốc gia như Đức, Pháp, Hà Lan cùng nhiều họa sĩ, chuyên gia về sơn mài đến từ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, các trường đại học mỹ thuật, viện nghiên cứu và các xưởng họa tư nhân trong nước…