Tìm hướng đi cho quả bưởi Việt Nam

QUỐC ĐỊNH 01/07/2021 07:35

Các loại bưởi bị rớt giá thê thảm từ đầu năm đến nay, thậm chí có những nhà máy tồn đọng hàng nghìn tấn bưởi. Việc thu hút doanh nghiệp (DN) và hợp tác xã (HTX) liên kết tham gia đầu tư cho khâu chế biến sâu với đa dạng hoá sản phẩm sẽ tạo hiệu quả cho việc tiêu thụ còn bấp bênh của quả bưởi.

Nâng cao chế biến, hướng đến xuất khẩu

Một khu phức hợp phục vụ việc thu mua, chế biến bưởi da xanh với diện tích 4.000 m2 được HTX Bưởi da xanh Bến Tre vừa mới được khởi công tại xã Tam Phước, huyện Châu Thành (Bến Tre) với vốn đầu tư 14 tỷ đồng do Chính phủ Canada tài trợ. Tuy số vốn đầu tư và quy mô khu phức hợp còn ở mức khiêm tốn, nhưng rất đáng khích lệ ở những HTX nông nghiệp vốn đang dành nhiều tâm sức cho quả bưởi, đặc biệt là ở khâu nâng cao chế biến nhằm hướng đến xuất khẩu.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam nhấn mạnh, hướng đi mới này là rất cần thiết và nên nhân rộng để nâng cao giá trị cho quả bưởi trong chuỗi giá trị nông sản, nhất là sản xuất theo tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu nhằm tận dụng ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Tại Bến Tre, diện tích trồng bưởi toàn tỉnh năm ngoái đạt khoảng 3.700ha với năng suất trung bình đạt khoảng 70.000 tấn quả/năm. Thời gian qua, việc phát triển bưởi da xanh ở tỉnh này còn mang tính tự phát, yếu kém ở khâu chế biến nên dẫn đến kim ngạch xuất khẩu vẫn chưa như mong đợi.

Có thể nói, nếu tập trung nhiều hơn vào mảng chế biến, các sản phẩm liên quan đến quả bưởi sẽ càng thêm đa dạng, mới lạ và bắt được xu hướng tiêu dùng chế biến trên thị trường thế giới. Với giá trị gia tăng từ quả bưởi được chế biến để xuất khẩu, nông dân, HTX và DN trong ngành bưởi sẽ cùng hưởng lợi và làm giàu.

Trên thực tế đã không ít DN trong nước đã làm được điều này. Như ở Đồng Nai có Công ty TNHH xuất nhập khẩu Vạn Vạn Lợi trong năm ngoái đã đưa quả bưởi và các sản phẩm chế biến từ bưởi tiếp cận các nhà thu mua quốc tế ở Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Nga. Và một HTX bưởi da xanh ở huyện Châu Thành (Bến Tre) đã tham gia cung ứng bưởi cho DN này.

Bản thân một số DN nông nghiệp mới gia nhập thị trường cũng quan tâm đến việc chế biến quả bưởi để cho “ra lò” các sản phẩm mới nhằm hướng tới xuất khẩu. Đơn cử như ở Đồng Tháp có chị Trần Thị Hải Luy (chủ cơ sở nack vỏ bưởi sấy Phúc Đạt ở Sa Đéc, Đồng Tháp) được đánh giá là tiên phong trong việc sản xuất sản phẩm snack vỏ bưởi với nguyên liệu chính là những quả bưởi non, nhỏ mà nhà vườn tỉa bớt. Hiện sản phẩm này đã tìm được chỗ đứng ở thị trường TPHCM, Long An, Tiền Giang... Phía cơ sở đang tiếp tục đầu tư máy móc cho khâu chế biến để có thể xuất khẩu.

Mở rộng thị trường

Ông Vũ Hồng Nam, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, quả bưởi Việt Nam có triển vọng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản do nguy cơ dịch hại của quả bưởi ở mức thấp. Bên cạnh đó, Nhật Bản lại không có loại quả này.

Ông Nam cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần đưa ra phương án tổng thể, loại quả nào có triển vọng vào thị trường Nhật Bản thì xúc tiến các bước đi cần thiết để xuất khẩu loại quả đó. Ngoài ra, việc Việt Nam tham gia nhiều FTA như hiện nay đã và đang mở ra những ưu đãi thuế quan sẽ giúp cho việc xuất khẩu quả bưởi trở nên cạnh tranh càng tốt hơn. Chẳng hạn như với thị trường EU được xem là thị trường tiêu thụ lớn với bưởi và sản phẩm bưởi, năm ngoái EU đã tiêu thụ khoảng 1 triệu tấn bưởi. Thế nhưng, dù là quốc gia có diện tích trồng bưởi khá lớn (khoảng gần 98.000ha, sản lượng hơn 818.000 tấn) nhưng Việt Nam lại xếp thứ 25 trong số các nước cung cấp trái bưởi cho EU.

Dư địa xuất khẩu bưởi sang EU còn nhiều, với FTA Việt Nam - EU (EVFTA), nhiều ý kiến cho rằng, xuất khẩu bưởi cần tận dụng ưu đãi thuế quan từ hiệp định này để thâm nhập sâu hơn thị trường EU. Điều quan trọng là các DN xuất khẩu bưởi cần đáp ứng tốt các yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe và cung cấp những sản phẩm chế biến từ quả bưởi có giá trị, tăng cao cho thị trường cao cấp này.

Trong các DN xuất khẩu bưởi gần đây có thể kể đến CTCP Công nghệ nông nghiệp hữu cơ Kim Hằng ở Lục Ngạn (Bắc Giang). Hồi tháng 1/2021 DN này xuất khẩu cho đối tác tại Nga 210.600 quả bưởi đào (tương đương 6 container). Đây được xem là tín hiệu vui cho nhà vườn trong tỉnh Bắc Giang. Để đạt được tiêu chuẩn xuất khẩu bưởi sang Nga, từ nhiều năm trước, công ty đã liên kết với các hộ nông dân tại Bắc Giang để xây dựng vùng trồng bưởi hữu cơ chất lượng. Phía đối tác từ Nga đã sang kiểm tra vùng trồng và cùng công ty hoàn tất các thủ tục kiểm định chất lượng để xuất khẩu.

Một thông tin quan trọng từ phía các đối tác bên Nga cho hay, sau khi nhập khẩu bưởi từ Bắc Giang, họ dùng để chiết xuất tinh dầu, chế biến mứt và làm rượu vang. Đây là cách mà họ gia tăng giá trị cho quả bưởi Việt mà các DN trong nước cần học hỏi để đẩy mạnh đầu tư hơn nữa cho khâu chế biến xuất khẩu bưởi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm hướng đi cho quả bưởi Việt Nam