Theo lộ trình, đến năm 2020, hệ thống các đơn vị nghệ thuật công lập phải tự chủ hoàn toàn. Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực thì việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập từ cơ chế nhà nước bao cấp sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nhằm giảm áp lực tài chính cho ngân sách nhà nước vẫn còn nhiều bất cập và đang cần những cơ chế phù hợp.
Việc tự chủ của các đơn vị nghệ thuật công lập đang ngổn ngang những khó khăn. Ảnh minh họa.
Lộ những bất cập
Theo số liệu thống kê, cả nước hiện nay có 115 đơn vị nghệ thuật công lập, trong đó có 12 đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL, 103 tổ chức nghệ thuật thuộc các Sở VHTTDL, Sở VHTT. Trong đó, phần lớn mỗi tỉnh có từ 1 đến 2 đơn vị, riêng TP Hồ Chí Minh có 8, Hà Nội có 6, Hải Phòng có 5 và Thanh Hóa có 4 đơn vị nghệ thuật công lập. Ở đó, sau gần 5 năm thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ, một số đơn vị đã dần khẳng định được năng lực độc lập của mình, trở thành điểm sáng về tự chủ tài chính. Đơn cử như Nhà hát Lớn Hà Nội, Trung tâm Chiếu phim quốc gia, Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam...
Nhờ việc tự chủ nhiều đơn vị nghệ thuật đã giải được bài toán trong cơ chế thị trường để đảm bảo doanh thu và chi phí, đồng thời cũng tạo nên cú hích cho sáng tạo nghệ thuật phong phú hơn về đề tài, đa dạng hơn về hình thức thể hiện. Đặc biệt, các nghệ sĩ có điều kiện làm nghề và sống bằng nghề, bớt đi nhiều khó khăn. Công tác quản lý tài sản được công khai, minh bạch và có trách nhiệm hơn. Hoạt động của các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp kết hợp tính năng động, sáng tạo và khả năng thích ứng của các nhà quản lý, các văn nghệ sĩ đang được xã hội thừa nhận… Tuy vậy, số lượng các đơn vị này vẫn quá ít so với tổng số đơn vị nghệ thuật công lập hiện có.
Ở đó, việc tự chủ của các đơn vị nghệ thuật công lập trong thời gian qua đang lộ rõ nhiều bất cập. Đơn cử như về chế độ chính sách thì với các nghệ sĩ, diễn viên là một nghề đặc biệt có thời gian đào tạo lâu hơn các ngành nghề khác mà tuổi hoạt động nghề lại ngắn hơn. Do đó, về lương, ngoài bất cập về hạng, bậc lương thì những phụ cấp thanh sắc, sức khỏe cũng đang là một vấn đề cần sớm tháo gỡ. Chính vì bất cập này mà ngay những lớp diễn viên trẻ mới ra trường đang hết sức thiệt thòi.
Thực tế hiện nay nhiều đơn vị nghệ thuật mời nghệ sĩ trẻ cộng tác chỉ với lương hợp đồng hơn 1 triệu đồng/tháng. Cùng với đó, lộ trình thực hiện chủ trương xã hội hóa của một số tỉnh, thành phố trong cả nước đang rơi vào tình trạng bế tắc. Các đơn vị nghệ thuật công lập ở tại một số tỉnh địa phương đã sát nhập với Trung tâm Văn hóa thành một đơn vị nghệ thuật. Hệ lụy là nhiều đơn vị nghệ thuật không còn giữ được bản sắc nghệ thuật mà chạy theo xây dựng các chương trình tấu hài, kịch ma… để có doanh thu nuôi bộ máy cồng kềnh. Trong khi đó, chế độ nhuận bút nhà nước ban hành không thực hiện được vì địa phương không có kinh phí.
Cần thêm những “phép màu”
NSND Lê Tiến Thọ- Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nhìn nhận, dù đã triển khai nhiều năm nhưng tư duy bao cấp của nhiều đơn vị nghệ thuật công lập đến nay còn khá nặng nề. Ở đó, đơn cử như nghệ thuật sân khấu hiện đang lâm vào tình trạng khủng hoảng ở nhiều khâu cơ bản như thiếu kịch bản hay, vắng đạo diễn giỏi. Cho đến nay, số lượng tác phẩm sân khấu tăng lên rõ rệt nhưng vẫn chưa có nhiều tác phẩm nghệ thuật sân khấu đỉnh cao, tương xứng với thành tựu của công cuộc đổi mới.
Nay lại sát nhập thành một đơn vị tổng hợp, nếu không có phương án triển khai thì nguy cơ sẽ dẫn tới tới việc mất bản sắc nghệ thuật, thiếu tính chuyên nghiệp trong hoạt động. Buồn hơn là có một thực tế là nhiều đơn vị nghệ thuật khi mang tác phẩm, chương trình nghệ thuật đi biểu diễn, tham dự liên hoan… vẫn phải phụ thuộc vào sự hỗ từ ngân sách nhà nước. Khó khăn như vậy dẫn đến các chương trình nghệ thuật không được đầu tư quảng cáo, giới thiếu trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Nhìn vào thực tế, trong thời buổi khán giả quay lưng với sân khấu đặc biệt là sân khấu truyền thống, để dàn dựng một chương trình và bán vé kín rạp giống như một giấc mơ không tưởng vậy. Những đơn vị thành công phần nhiều nhiều là do mối quan hệ của lãnh đạo các đơn vị có quan hệ mời chào bán vé cho các doanh nghiệp. Nhưng những “trường hợp” chương trình bán vé theo hợp đồng gần như là “của hiếm”.
Trao đổi với báo chí, gần như lãnh đạo đơn vị nghệ thuật truyền thống nào cũng băn khoăn về công tác bảo tồn, phát huy nghệ thuật truyền thống trong xây dựng kịch mục biểu diễn. Nếu chương trình biểu diễn thiên về hướng bảo tồn, giữ nguyên vẹn những gì vốn có của truyền thống như các trích đoạn, vở diễn, làn điệu thì không dễ thu hút khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Cùng với đó, với nghệ thuật truyền thống để có một kịch bản dàn dựng ra một vở diễn mới cũng đang là chuyện “mò kim đáy biển”. Bởi cả nước hiện nay chỉ có vài tác giả viết kịch bản tuồng; với kịch bản cải lương hay chèo, số tác giả cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Kinh phí hỗ trợ đầu tư của Nhà nước hiện đang thực hiện theo cơ chế bằng với tất cả các ngành nghệ thuật, dẫn đến tình trạng không dễ thu hút được người viết kịch bản…
Có thể nói, việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập từ cơ chế nhà nước bao cấp sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm là xu thế tất yếu, nhằm giảm áp lực tài chính cho ngân sách nhà nước, đồng thời, tăng quyền tự chủ cho các đơn vị. Tuy nhiên, để lộ trình tự chủ được hoàn thiện đúng thời gian vào năm 2020 thì từ các cấp đến các ngành cần phải nhanh chóng đề ra các chính sách bổ sung phù hợp với đặc thù của từng loại hình nghệ thuật. Cùng với đó với đơn vị nghệ thuật cũng cần phải nghiên cứu và tự tìm hướng đi cho phù hợp, chủ động đổi mới, tiến dần đến việc tự chủ theo lộ trình, bởi thời gian cũng không còn nhiều nữa!